Quỹ đầu tư lớn nhất thế giới chuẩn bị thay thế các quản lý bằng trí tuệ nhân tạo

    Ngocmiz,  

    Bridgewater Associates hiện đang có một đội kỹ sư triển khai dự án tự động hóa quy trình đưa ra quyết định để hạn chế tối đa cảm tính con người trong các khoản đầu tư của quỹ.

    Quỹ đầu tư lớn nhất thế giới Bridgewater đang cho xây dựng một phần mềm tự động hóa các hoạt động quản lý hàng ngày của công ty, bao gồm cả khâu tuyển dụng, sa thải và đưa ra các quyết sách chiến lược khác.

    Để đảm bảo rằng quỹ sẽ luôn vận hành theo đúng tầm nhìn của mình ngay cả khi không còn trực tiếp điều hành nữa, tỷ phú sáng lập Ray Dalio đã cho thành lập một đội ngũ kỹ sư thực hiện dự án tự động hóa đầy tham vọng này.

    Theo thông tin từ Wall Street Journal, “Vai trò của con người trong công ty không còn là ở những quyết định cá nhân nữa mà sẽ nằm ở khâu thiết kế các tiêu chí để hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có thể đưa ra quyết định hay can thiệp sửa chữa khi có sự cố.”

     Siêu máy tính IBM Watson đánh bại các đối thủ con người trong gameshow Jeopardy!

    Siêu máy tính IBM Watson đánh bại các đối thủ con người trong gameshow Jeopardy!

    Bridgewater Associates hiện đang quản lý nguồn vốn trị giá 160 tỷ USD. Đội ngũ kỹ sư “Systematized Intelligence Lab” (SIL) được thành lập từ năm 2015, chủ yếu bao gồm các chuyên gia phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Người điều hành nhóm là David Ferrucci, người từng lãnh đạo dự án phát triển siêu máy tính AI Watson của IBM.

    Là một công ty đầu tư nhưng Bridgewater Associates hiện đã hoạt động theo hướng vận dụng tối đa dữ liệu. Các cuộc họp đều được ghi lại; nhân viên công ty được yêu cầu phải chấm điểm làm việc của nhau trong ngày qua một hệ thống được gọi là “dots”.

    Nhóm kỹ sư SIL đã xây dựng một công cụ chuyển đổi những đánh giá từ đồng nghiệp thành một dạng thẻ có thể cho nhân viên thấy được điểm mạnh và yếu của mình. Trong một ứng dụng khác họ thiết kế, các nhân viên có thể đặt ra những mục tiêu mà họ muốn đạt được rồi theo dõi tiến độ thực hiện.

    Các công cụ này chính là phiên bản ban đầu của PriOS, phần mềm quản lý mà CEO Dalio mong muốn có thể đưa ra 75% số quyết định ở cấp quản lý cho toàn công ty trong vòng 5 năm tới. Cụ thể, PriOS có thế quyết định tuyển dụng ai hay xếp thứ hạng các ý kiến trái chiều từ mọi người trong một nhóm trong trường hợp xảy ra tranh cãi. Nhìn chung, phần mềm này sẽ hoạt động và đưa ra quyết định dựa theo đúng tầm nhìn của nhà sáng lập.

    Devin Fidler, giám đốc nghiên cứu của Institute For The Future cho biết “Dự án này quả là tham vọng, nhưng cũng không có gì phi lý hết. Công việc của nhiều của nhiều nhà quản lý hiện nay là thu thập thông tin, dữ liệu, thứ mà máy móc có thể làm rất tốt.

    Hệ thống tự động đưa ra quyết định có thể sẽ rất hấp dẫn với các doanh nghiệp bởi chúng giúp họ tiết kiệm thời gian, công sức cũng như tránh được những cảm tính thiên lệch trong quá trình suy xét.

    Fiddler nói thêm: “Ai cũng có những ngày tồi tệ và rồi lại mang cái nhìn tiêu cực về mọi thứ xung quanh nên rất dễ hành động khác nhau ở những thời điểm khác nhau. Đối với một quỹ đầu tư, chuyện này rất hệ trọng.”

    Tuy nhiên, có một điều mà ông không dám nói chắc đó là liệu mọi người có chịu nghe lời một ông sếp robot? Fiddler giải thích: “Tại các công ty có chuyên môn về phân tích dữ liệu, thường các quyết định được đưa ra bởi một thuật toán xác suất thống kê, nhưng kết quả lại được ai đó truyền đạt lại dưới dạng văn bản có cảm xúc hơn.”

    Nhà tương lai học Zoltan Istvan thì lại cho rằng con người cuối cùng cũng sẽ tuân theo ý muốn cũng như tiếng gọi của các cỗ máy thống kê. Điển hình là những ví dụ như việc chúng ta phó mặc máy bay cho chế độ tự lái hay giao việc tìm đường cho các hệ thống GPS.

    Dù thế nào đi chăng nữa thì tương lai các quản lý cấp cao được robot thay thế cũng không còn xa vời nữa. Các chuyên viên ngân hàng sẽ sớm phải chịu định mệnh như các loài khủng long trước đây.

    Chưa dừng lại ở đó, tài chính ngân hàng có lẽ sẽ không phải lĩnh vực duy nhất bị tác động. Các hệ thống AI sẽ sớm thoát ra khỏi vòng lặp của những hoạt động nhàm chán, rập khuôn để đến với những công việc mang tính trí tuệ cao. Chúng cũng sẽ trở nên rẻ tiền hơn, hiệu quả hơn và công tâm hơn trong các quyết định chứ không “sớm nắng chiều mưa” như con người.

    Fiddler cảnh báo: “Chẳng có lý do gì để bác bỏ thực tế rằng các cỗ máy có thể học được cách đưa ra các quyết định chiến lược hay thực hiện những công việc sáng tạo.”

    Điều này chắc chắn sẽ tạo nên những thay đổi lớn trong vai trò thực sự của con người trên thế giới. Phần mềm, dù có tuyệt vời đến đâu, cuối cùng cũng đều cần con người thiết kế, dẫn đường và đặt ra các quy tắc, mục tiêu.

    Tham khảo Guardian

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ