Quyền được sửa chữa: Có nên tẩy chay những chiếc smartphone quá khó sửa chữa để có được sản phẩm tốt hơn?

    G.P.,  

    Thông thường, bạn sẽ làm gì khi điện thoại của mình bị hỏng?

    Nếu chiếc điện thoại của bạn là 1 chiếc iPhone, bạn sẽ cần phải đến cửa hàng của Apple. Ở đó, thiết bị của bạn sẽ được sửa chữa theo chính sách bảo hành của hãng hoặc là bạn phải tự bỏ tiền túi của mình ra. Bởi Apple muốn họ chỉ là sự lựa chọn duy nhất.

    Samsung-Galaxy-S8-Plus-iFixit-4

    Trong khi đó, smartphone ngày càng trở nên khó sửa chữa hơn.

    Paul Ylias, người điều hành ‘Hunter Phone and Computer Doctors’ – một chuỗi cửa hàng sửa chữa điện thoại và máy tính xách tay ở Úc cho biết anh khá ngạc nhiên khi khách hàng cứ thường xuyên đặt 1 câu hỏi giống nhau rằng "cái này có sửa được không vậy?".

    "Và như mọi khi, câu trả lời của tôi cũng vẫn 'Tất nhiên là được rồi'", anh cho biết.

    Nhưng dần dần, câu hỏi này càng ngày càng có ý nghĩa hơn rất nhiều, khi mà điện thoại ngày nay khá ít các mối nối giữa màn hình, gương và vỏ kim loại mà ta có thể thấy được. Trong khi đó, các mẫu smartphone cho phép người dùng có thể thay pin cũng đang dần ít đi. LG đã duy trì điều này trong 1 thời gian, với các mẫu điện thoại gần đây như V20 và G5 vẫn cho phép người dùng có thể thay pin được.

    Nhưng những thế hệ sau đó, điển hình là V30 và G6 đã không còn đi theo con đường này nữa. Mặc dù có nhiều ý kiến từ người dùng phản đối về điều này, rằng họ sẽ không bao giờ mua điện thoại của LG nữa, nhưng hãng điện tử Hàn Quốc này cũng vẫn ngoan cố không thay đổi trừ khi việc đó giúp cho doanh số bán hàng của họ tăng trưởng.

    Thật kỳ lạ, công nghệ về pin trong những năm gần đây dường như dậm chân tại chỗ và nếu như pin không thể thay 1 cách dễ dàng được thì thật là không ổn.

    Nhiều nhà sản xuất cho rằng họ đã cố gắng tối đa để có thể đưa ra những mẫu điện thoại có thiết kế bóng bẩy, mỏng, và có khả năng chống nước. Sony và Samsung đã đưa ra các mẫu thiết bị có khả năng chống thấm nước trong nhiều năm, và nhiều hãng sản xuất cũng đang đi theo xu hướng này. Khả năng chống thấm nước luôn nhận được những đánh giá tích cực, tuy nhiên hệ quả của nó là làm cho các hãng sản xuất cứ đi theo 1 lối mòn như nhau.

    Việc chống nước cho thiết bị điện thoại ngày nay không còn dựa vào các miếng đệm cao su xung quanh các cổng kết nối nữa. Thay vào đó, người ta chia thiết bị thành các vách ngăn và sử dụng keo trong đa số các trường hợp. Keo dán "siêu dính" được sử dụng cho các phần quan trọng xung quanh mặt trước và sau của tấm nền để tránh nước.

    Và đây, một vấn đề mới lại nảy sinh – KEO

    Các thành phần của thiết bị được kết nối với nhau bằng keo, việc này gây khó khăn cho công đoạn tháo và ráp thiết bị. Để mở một thiết bị mới, bạn cần làm nóng nó một chút để keo mềm ra. Sau đó bạn có thể mở thiết bị của mình, nhưng keo thì không còn dính nữa. Thế thì làm sao mà ráp lại được như cũ?

    Điện thoại của bạn bây giờ không còn như ban đầu nữa. Bạn có thể thay thế hoặc sửa chữa nó, nhưng cho dù bạn có cố gắng lắp ráp, dùng keo cách mấy thì khả năng chống nước cũng không còn được đảm bảo nữa.

    Kyle Wiens, CEO của iFixit cho rằng vô hình chung, các hãng sản xuất giờ đây đang cố gắng chạy đua trong việc tạo ra các sản phẩm càng mỏng càng tốt, bất chấp độ bền cũng như vấn đề liên quan đến môi trường.

    "Đó là sự lười biếng. Người ta cứ cố gắng làm sản phẩm mỏng hơn bằng mọi giá. Vẫn có khả năng để thiết kế một thiết bị có khả năng chống nước, linh hoạt và hiện đại mà chúng ta vẫn sửa chữa được. Nhưng điều này thách thức các hãng trong việc thiết kế rất nhiều, mà bây giờ thì chẳng có nhà sản xuất nào chú tâm vào phần này".

    Vì sao chẳng có thứ gì tồn tại được lâu?

    Việc tự sửa chữa hoặc cố gắng sửa các linh kiện hiện đã không còn hợp thời nữa. Điển hình như là thay pin cho thiết bị. Các viên pin lithium-ion ngày nay không phải để dùng mãi mãi.

    Một người dùng iPhone đã kiện Apple lên Ủy ban bảo vệ người tiêu dùng tại Na Uy, sau khi Apple từ chối thay pin mới cho điện thoại của người này do nó đã quá 500 lần sạc. Nếu như bạn sạc điện thoại của minh hàng ngày, thì 500 lần sạc chỉ trong vòng 16 tháng – mà đó là sản phẩm của một hãng cao cấp. Việc thay pin được thực hiện bởi 1 bên thứ ba cũng không được đảm bảo về chất lượng, mà thậm chí còn có nhiều vấn đề về an toàn sử dụng đối với những sản phẩm có khả năng sạc nhanh.

    "Họ không còn làm mọi thứ như cách họ đã từng!"

    Điển hình như là những chiếc tủ lạnh gia dụng. Thật không khó để tìm được một hộ gia đình nào đó vẫn sử dụng một chiếc tủ lạnh trong một thời gian dài, thậm chí có khi họ còn nói rằng tủ lạnh của họ chạy 30 năm nay (hoặc hơn) mà vẫn còn dùng tốt.

    Từ thập niên 1970, các mẫu tủ lạnh mới tiêu thụ năng lượng ít hơn 75%, còn giá thì chỉ bằng 33% lúc trước. Năm 2007, Hiệp hội xây dựng nhà ở quốc gia và Ngân hàng Hoa Kỳ đã đưa ra số liệu về vòng đời của một số thiết bị gia dụng. Theo đó, một chiếc tủ lạnh có thể dùng được tốt trong vòng 13 năm. Trong khi đó, vào năm 1993, con số này là 17 năm.

    Có sự liên quan nào giữa việc vòng đời sản phẩm ngày càng ngắn và giá thành sản phẩm ngày càng giảm hay không? Hoặc đây là sự lỗi thời được tính toán?

    Sự lỗi thời được tính toán được đưa ra đầu tiên trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô. Vào những năm 1920, General Motors nhận thấy rằng, các mẫu thiết kế được thay đổi hàng năm có khả năng khiến cho những khách hàng muốn có sản phẩm mới nhất và tuyệt vời nhất dễ dàng vung tiền nhiều hơn, qua đó gia tăng doanh số của họ.

    Khi các mẫu xe cứ thay đổi một cách chóng mặt qua các năm sẽ khiến cho người tiêu dùng muốn sở hữu những chiếc xe hiện đại hơn, đẹp mã hơn những mẫu xe mà họ đang có. Một số nhà báo đã thử tìm hiểu và cũng khám phá ra được kế hoạch của Phoebus Cartel – một nhà sản xuất bóng đèn vào những năm 1920, đã cố ý giảm tuổi thọ của bóng đèn từ 2.500 giờ xuống chỉ còn 1000 giờ. Khiến cho mọi người phải mua bóng đèn nhiều hơn. Điều này đã dẫn đến một hệ quả là vào năm 1924, một số nhà sản xuất bóng đèn lớn từ khắp thế giới đã nhóm họp lại và thống nhất với nhau về số lượng và chất lượng bóng đèn họ sản xuất, qua đó buộc người dùng phải mua bóng đèn nhiều hơn.

    Sự lỗi thời có tính toán cũng có ảnh hưởng đến smartphone trong việc can thiệp và sửa chữa thiết bị. Việc sửa chữa các thiết bị điện tử rẻ tiền thật sự không xứng đáng với giá tiền của nó. Những thứ đồ chơi rẻ tiền, những chiếc đồng hồ điện tử giá thấp làm cho người ta không mảy may suy nghĩ đến việc sửa chữa nó. Và thế là các bãi rác cứ ngày càng cao lên, tài nguyên thiên nhiên thì cạn kiệt và môi trường thì thêm ô nhiễm.

    Và smartphone của chúng ta, ngày nay giá có thể hơn 1.000 USD được làm từ kim loại quý trong tự nhiên, lẽ ra phải nên được sửa chữa. Nhưng đối nghịch với lý lẽ đó, ngày càng nhiều các mẫu điện thoại với thiết kế mới đã ngăn chúng ta làm điều này.

    Apple cũng là một ví dụ điển hình. Vào năm 2011, họ đã khiến cho chiếc iPhone 4 trở nên khó sửa hơn bằng cách thay các con ốc vặn của Phillips bằng các con ốc có đầu ngũ giác. Loại ốc vặn này chưa được sử dụng ở bất cứ đâu ngoại trừ "hệ sinh thái" của Apple. Và đấy, bạn sẽ không thể mở nó nếu không có 1 cái tua vít loại mới. Thực sự, loại vít này không phải là một lựa chọn tốt và nó cũng chỉ xuất hiện trên các thiết bị của Apple mà thôi. Nếu như nó là một thành phần tốt mà giá thành rẻ thì tất nhiên Apple sẽ tận dụng tối đa nó. Nhưng đây không phải là một thiết kế tốt, và lý do duy nhất để Apple dùng nó là hạn chế người dùng có thể tự sửa chữa thiết bị của mình.

    Sự thay đổi này làm cho khách hàng lại càng phải dựa vào hệ thống sửa chữa đắt đỏ của Apple. Kèm theo đó, việc nâng cấp dụng cụ làm giá sửa chữa thiết bị từ các bên thứ ba cũng tăng lên và thời gian sửa chữa thì kéo dài hơn.

    Apple chưa bao giờ cấp phép cho một công ty nào sửa chữa iPhone, kể cả đó là các cửa hàng đã được ủy quyền. Và cũng chưa bao giờ có một cẩm nang sửa chữa nào được họ phát hành.

    Nếu màn hình điện thoại của bạn bị vỡ, bạn sẽ sửa chữa thiết bị mới chỉ dùng được một năm của mình hay sẽ vung tiền cho một chiếc điện thoại mới?

    Theo Ylias, 80% các "ca cấp cứu điện thoại" là liên quan đến màn hình của thiết bị.

    "Anh có thể chịu được một cái nút home bị hỏng, hoặc là một cái lỗ cắm headphone không hoạt động, nhưng khi màn hình điện thoại có vấn đề anh phải mang nó đi sửa ngay thôi. Khi mà giá của việc sửa chữa hoặc thay mới các thành phần gần tiệm cận với giá của một thiết bị mới, chúng tôi chỉ sửa chữa khi mà khách hàng yêu cầu. Những người này cần phải lấy dữ diệu của mình hoặc là do tình cảm của họ đối với thiết bị", anh cho biết.

    Không chỉ Apple, gần đây Huawei cũng làm như vậy, khi hãng này đã thay mẫu ốc mới cho dòng điện thoại P9 và P10 của mình.

    Nintendo cũng đã làm việc tương tự trong nhiều năm trên các thiết bị Gameboy và console bằng cách dùng mẫu ốc 3 điểm để gây khó cho việc sửa chữa. Sony thì cũng không kém cạnh gì khi sử dụng ốc Torx trên máy Playstation 3.

    Đã đến lúc cần có "quyền được sửa chữa"

    Cuộc vận động "quyền được sửa chữa" đã gây được tiếng nói và sức mạnh đối chọi lại những nhà sản xuất đang ngày càng "khép kín" các sản phẩm của họ. Cuộc vận động này không chỉ tập trung vào điện thoại, mà còn cả các thiết bị điện tử khác trong các ngành nông nghiệp và công nghiệp.

    Tại Hoa Kỳ, cuộc vận động này đã đủ sức mạnh để tạo thành các dự thảo luật tại một số tiểu bang như Nebraska, Massachusetts, Minnesota, Newyork ... Ở nhiều tiểu bang khác, cuộc vận động tập trung vào ủng hộ những người nông dân, bởi họ ngày càng bị hạn chế khả năng sửa chữa công cụ của mình, nhất là các máy kéo hiện giờ ngày càng phụ thuộc vào phần mềm điều khiển. Hoặc ít nhất là họ sẽ không phải trả cái giá quá cao cho một nhà sửa chữa độc quyền nữa.

    Nghị viện Châu Âu gần đây đã thông qua một bản kiến nghị bắt buộc các nhà sản xuất phải chế tạo sản phẩm của họ dễ dàng sửa chữa và thân thiện với môi trường hơn, đặc biệt là đối với pin. Ở Mỹ, các pháp chế tập trung vào phần thu thập thông tin và cách sửa chữa các sản phẩm. Nhưng những điều này cũng khá là nhiêu khê và làm cho chúng ta sẽ không thể nào có đầy đủ các tài nguyên cần thiết để sửa chữa thiết bị của mình. Còn tại Châu Âu, họ đã có một bước tiến bộ lớn bằng cách xem xét các ngôn ngữ thiết kế thân thiện với môi trường và cấm dùng keo trên các viên pin.

    Theo như một bản khảo sát Eurobarometer vào năm 2014 của ủy ban Châu Âu, 77% người tiêu dùng tại Châu Âu muốn sửa chữa thiết bị của minh hơn là mua mới. Cũng một phần tương tự người dùng phải thay thế hoặc vứt bỏ thiết bị của mình vì giá thành sửa chữa quá cao cũng như chât lượng dịch vụ không được đáp ứng tốt. Quay trở lại việc các hãng sản xuất điện thoại lớn vẫn tiếp tục xu thế làm ra các mẫu điện thoại không thay pin được, thì trong tương lai gần, có lẽ các mẫu điện thoại về sau càng khó sửa chữa. Apple đã sử dụng robot để hủy iPhone 6 và 6S, robot này được thiết kế để có thể tái chế càng nhiều nguyên liệu càng tốt. Và cứ đà này, thì con robot này cũng sẽ được sử dụng để tiếp tục hủy các mẫu điện thoại trong tương lai nếu mọi việc cứ tiếp tục như vậy.

    Chiếc điện thoại Google Pixel 2 XL được sản xuất bởi LG mới đây đã có một bước tiến lớn trong việc phân chia module trong thiết bị, nhưng nó vẫn bị đánh giá khá thấp về khả năng sửa chữa của mình (6/10) so với mẫu tiền nhiệm Pixel (7/10). Hiện nay, Pixel 2 XL là chiếc điện thoại Android duy nhất chúng ta có thể mở ra mà không cần dùng đến hơi nóng. Apple cũng đã bổ sung một dải nhựa nhỏ để có thể lấy pin iPhone ra dễ dàng, mặc dù "méo mó, nhưng còn hơn không có", Wiens cho biết.

    "Hướng dẫn sử dụng dịch vụ, các mẫu vít theo tiêu chuẩn, hạn chế dùng keo, các thành phần được sắp xếp theo module, pin có thể thay thế được. Đây là những đòi hỏi chính đáng của người dùng".

    Mọi thứ sẽ đi đến đâu?

    Các nhà sản xuất nên hạn chế bớt vấn đề "lỗi thời được tính toán". Tất nhiên thì họ không muốn chút nào.

    Cuộc vận động để luật hóa dự luật "quyền được sửa chữa" đã từng bị thất bại 2 lần vào các năm 2015 và 2016. Theo Ủy ban Nguyên tắc ứng xử chung của tiểu bang Newyork, các công ty mà điển hình là Apple, Verizon, Toyota, Lexmark, .. đã bỏ ra hơn 366.000 USD cho việc vận động hành lang trong tiểu bang từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2017 để chống lại dự luật này. Mặt khác, về phía người tiêu dùng, công tác vận động hành lang như muối bỏ bể so với các công ty lớn. Theo Digital Right to Repair Coalition (tạm dịch Liên minh quyền sửa chữa điện tử) – tổ chức duy nhất thực hiện vận động, đại diện cho một số cửa hàng sửa chữa độc lập thì chỉ có 5.000 USD được chi cho việc vận động hành lang để luật hóa dự luật này.

    Người tiêu dùng thì muốn được sửa chữa thiết bị của họ, các công ty lớn thì chống lại điều này không một lời giải thích. Tất nhiên, chúng ta cũng có thể đoán được, các nhà sản xuất này sẽ tiếp tục sản xuất các thiết bị có tuổi thọ ngắn, "đóng kín" để ngăn chặn việc sửa chữa, qua đó họ có thế bán được nhiều sản phẩm hơn nữa.

    Tham khảo Android Authority

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ