Quyền lực của Apple: Đại diện cho sức mạnh xử lý của Android, cuối cùng lại cần iPhone để thăng hoa...

    Liam,  

    iPhone chiếm vỏn vẹn 16% thị phần smartphone toàn cầu. Qua 16% ấy, Apple nắm quyền thao túng khủng khiếp lên chuỗi cung ứng, đôi khi áp đảo cả những tên tuổi đại diện cho Android.

    Ngày 16/4/2019, Apple và Qualcomm chính thức đình chiến sau 2 năm 3 tháng lôi nhau ra tòa. Từng chỉ trích nhau gay gắt, nay ông lớn smartphone và ông lớn chip của nước Mỹ đã ký hợp đồng hợp tác đến 6 năm, tùy chọn kéo dài thêm 2 năm nữa.

    Tuyên bố này đã nhanh chóng gây ra một cơn địa chấn trong làng cung ứng. Cổ phiếu Qualcomm tăng vọt lên mức 70,5 USD trong phiên giao dịch cùng ngày. Kể từ khi kiện tụng với nhà Táo, chỉ có duy nhất 2 lần mã QCOM tăng được đến vậy: khi có tin đồn được Broadcom thâu tóm, và khi Qualcomm tiến hành thâu tóm NXP Semiconductors. Ngay cả cú sốc sức mạnh của Snapdragon 855 cũng không ý nghĩa bằng hợp đồng modem cho iPhone!

    Quyền lực của Apple: Đại diện cho sức mạnh xử lý của Android, cuối cùng lại cần iPhone để thăng hoa... - Ảnh 1.

    Đại diện cho sức mạnh Android mà lại phải nhờ bắt tay Apple mới thăng hoa được...

    Ở phía ngược lại, Intel cũng nhanh chóng khẳng định sẽ ngừng phát triển chip 5G cho smartphone. Tuyên bố của hãng chip số 1 thế giới cho biết: "Chúng tôi rất lạc quan về cơ hội đối với 5G và quá trình ‘đám mây hóa’ hạ tầng mạng, nhưng trong ngành modem cho smartphone, chẳng có con đường rõ rệt nào đến lợi nhuận và các kết quả tích cực cả".

    Chỉ là cái phủi tay của Tim Cook

    Hãy cùng nghĩ về những gì đang xảy ra với Qualcomm và Intel. Giá trị của cả một công ty vốn là đại diện cho sức mạnh xử lý trên smartphone Android bỗng chốc lại tăng tới 1/4 chỉ nhờ cái bắt tay với Apple. Triển vọng được đặt chân lên iPhone lớn đến mức Intel đã từng nỗ lực tham gia một thị trường "không có đường đến lợi nhuận". Không phải là để theo đuổi các thương hiệu Android lúc nào cũng chiếm trên 80% thị trường, mà là để theo đuổi iPhone. 

    Quyền lực của Apple: Đại diện cho sức mạnh xử lý của Android, cuối cùng lại cần iPhone để thăng hoa... - Ảnh 2.

    Nhà cung ứng có thể khiến Apple chậm chân, nhưng Apple đã bao giờ gặp khó vì chậm chạp?

    Ở phía ngược lại, cổ phiếu của Apple đi ngang. Không lên cũng không xuống. Tháng 1/2017, ngay sau khi tuyên bố nghỉ chơi với Qualcomm, cổ phiếu nhà Táo còn tăng – Phố Wall lúc đó đang háo hức chờ đợi iPhone X. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu Qualcomm lúc đó đã ngay lập tức bay hơi 13%.

    Nói cách khác, những gì là cực kỳ quan trọng với Qualcomm hay Intel lại chẳng hề quan trọng với Apple. Cả một ngành công nghiệp được coi là tương lai của viễn thông cũng chẳng hề quan trọng bằng những tuyên bố về mảng dịch vụ bé tí ti của Apple, thứ đã giúp cổ phiếu Apple thăng hoa trong lần công bố kết quả tài chính gần đây nhất.

    Bởi các nhà mạng và các nhà cung ứng cần iPhone có 5G, chứ iPhone đâu có cần 5G để thu hút người dùng. 12 năm trước, iPhone thế hệ đầu thậm chí còn dùng mạng Edge chứ chẳng có 3G. Đến tận iPhone 5 (tháng 9/2012) Apple mới có 4G LTE trong khi Android đã có từ tận tháng 3/2010. Chậm chân mấy năm trên hạ tầng mạng đâu thể khiến Apple khốn đốn?

    Chơi với vua hay là chết?

    Quyền lực của Apple: Đại diện cho sức mạnh xử lý của Android, cuối cùng lại cần iPhone để thăng hoa... - Ảnh 3.

    Nhà cung ứng cần Apple, chứ Apple đâu cần nhà cung ứng?

    Sức hút của iPhone nằm ở iOS, ở thiết kế thường xuyên bị đạo nhái, ở hệ sinh thái ứng dụng có độ hoàn thiện cao hơn rất nhiều so với Android – và dĩ nhiên là cả ở thương hiệu Táo. Chính điều đó đã giúp Apple mang quyền hành cực kỳ khủng khiếp lên chuỗi cung ứng, bao gồm cả những cái tên đại diện cho Android. Ngay đến cả Samsung, đối thủ duy nhất của Apple trên phân khúc cao cấp, cũng có thể coi là phụ thuộc ít nhiềuvào Táo khi các mẫu iPhone X chiếm tỷ trọng quá lớn trong doanh thu tấm màn OLED. Kể từ khi bị Apple "đá" ra khỏi chuỗi cung ứng chip/RAM, Samsung vẫn liên tục tìm cách thu hút Apple trở lại sản xuất các mẫu chip A-series trên nhà máy của mình.

    Không phải công ty nào cũng đủ mạnh mẽ để sống sót qua những lần "nghỉ chơi" của Apple. Năm 2017, công ty sản xuất chip cảm biến chuyển động InvenSense phải bán mình với giá bằng khoảng một nửa mức đỉnh 2014. Lý do InvenSense mất giá? Năm 2017, Apple chuyển sang tự thiết kế chip chuyển động cho iPhone X.

    Trước đó, khi nhà Táo quyết định không sử dụng tấm màn sapphire vào năm 2014, GT Advanced Technologies tuyên bố phá sản. Công ty này trở thành ví dụ đau lòng cho quyền lực của Apple, nhưng ít ai nhớ rằng, khi kính sapphire trên iPhone mới chỉ là tin đồn, nhà cung ứng kính cường lực truyền thống cho iPhone là Corning đã phải vội vã tung video so sánh giữa 2 loại kính. Corning không chỉ cung ứng cho Apple mà còn cho rất nhiều các nhà sản xuất Android, ấy vậy mà cuối cùng vẫn phải quay ra quỵ lụy nhà Táo. 

    Quyền lực của Apple: Đại diện cho sức mạnh xử lý của Android, cuối cùng lại cần iPhone để thăng hoa... - Ảnh 4.

    Những gì là cực kỳ quan trọng với Qualcomm hay Intel lại chẳng hề quan trọng với Apple.

    Dĩ nhiên, không phải tin tức nào gắn với Apple cũng là tin xấu cho chuỗi cung ứng. Năm ngoái, cổ phiếu Japan Display tăng tới 12% ngay sau khi có tin Apple định dùng hãng này để sản xuất màn hình LCD cho iPhone XR. Nhưng dù tốt hay xấu thì trong cả làng smartphone, đâu có ai quyền uy đến thế? Đến bao giờ thì cái bắt tay của Samsung hay Huawei có thể giúp Qualcomm tăng trị giá tới 1/4?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ