Bộ mặt thật của laptop hàng "dựng" tại VN và cách đề phòng

    PV, Quang Vinh 

    Khi bạn muốn mua chiếc laptop, một vấn đề cần hết sức chú ý là phải phân biệt được đâu là hàng brand new, đâu là hàng refurbished, refactory hay reconditioned.

    Trước hết, cần phân biệt giữa các khái niệm brand new, renew và refurbished, refactory hay reconditioned
     
    Hàng brand new tức là máy chưa bị “bóc tem”, còn nguyên đai nguyên kiện và hưởng chế độ bảo hành tối đa của nhà sản xuất.
     
    Hàng refurbished (hay refactory, reconditioned) là những sản phẩm vì nhiều lý do phải trả về nhà sản xuất, sau đó được kiểm tra, “mông má” lại trước khi tái xuất thị trường. Trong đó laptop loại refurbished thường có giá cao hơn 2 dòng còn lại, có thể xếp vào hàng loại hai.
     
    Hàng reconditioned là hàng đã được sử dụng trong một thời gian nhất định – thường là do các công ty cho thuê mua về rồi đem cho khách hàng của mình thuê trong một thời gian. Sau đó họ thu hồi về, sửa sang lại (thường là tự sửa chứ không phải do chính hãng sản xuất sửa) và bán ra qua hệ thống bán lẻ. So với hàng refurbished thì hệ thống này bán rẻ hơn nhiều, tuy nhiên rủi ro cũng lớn hơn, do các chi tiết trong máy đã được sử dụng khá lâu nên khả năng hỏng hóc sẽ cao hơn .
     
    Hàng renew là máy refurbished (hay refactory, reconditioned) được tân trang lại, với tem giả, bao bì giả nhằm đánh lừa khách hàng.
     
    Thùng chứa laptop Toshiba loại Reconditioned (trái) và Brand new (phải).
     
    Những nguyên nhân laptop phải quay lại nhà sản xuất bao gồm: do khách hàng trả về sau thời gian dùng thử không ưng ý, do trong quá trình vận chuyển bị xây xát hư hỏng, những sản phẩm sau khi được trưng bày triển lãm, bị mở thùng trước khi bán làm rách tem, bị lỗi trong quá trình sản xuất hoặc hàng tồn kho.
     
    Như vậy có thể thấy nguyên nhân để laptop bị gắn mác “refurbished” hết sức đa dạng, và không phải sản phẩm “refurbished” nào cũng từng bị lỗi. Tuy nhiên, khi đã bị gắn mác này, giá của một chiếc máy tính sẽ giảm từ 100 – 300USD so với máy brand new, và chất lượng cũng như thời hạn bảo hành không đảm bảo.
     
    Những nguồn laptop vào Việt Nam
     
    Trên thị trường Việt Nam hiện nay, laptop có hai nguồn cung cấp chính: nhập khẩu và phân phối bởi các công ty hoặc qua đường xách tay.
     
    Nếu bạn mua laptop từ các nhà phân phối chính thức, xác suất dính phải laptop tân trang là khá thấp, mặc dù có thể không còn nguyên tem nhãn trên thùng máy (các công ty thường bóc niêm phong để dán tem bảo hành của họ).
     
    Nếu mua laptop từ các cửa hàng nhập máy qua đường xách tay, bạn nên đặc biệt lưu ý và hãy tìm hiểu kỹ những thông tin cần thiết.
     
    Phải khẳng định rằng việc mua laptop xách tay sẽ giúp bạn giảm được đáng kể chi phí, có thể lên tới vài triệu đồng/máy. Hơn nữa, trong khi đa số laptop chính hãng được phân phối ở Việt Nam là hàng theo tiêu chuẩn châu Á thì laptop xách tay thường nhập trực tiếp từ Mĩ về nên tiêu chuẩn thường cao và khắt khe hơn. Tuy nhiên, đồng nghĩa điều ấy là mức độ rủi ro cũng nhiều hơn đáng kể.
     
    Thùng đựng máy HP thuộc loại Refurbished.
     
    Trước hết, xác suất mua nhầm hàng lỗi, hàng refurbished luôn rất lớn, nhất là khi mua ở các cửa hàng kém uy tín, nguồn gốc cung cấp không rõ ràng.
     
    Thứ hai, sản phẩm bán ra bởi các nhà phân phối chính thức sẽ được hưởng bảo hảnh của cả chính hãng và nhà phân phối, nên khách hàng có thể yên tâm sử dụng. Trong khi đó laptop xách tay thường chỉ được hưởng chế độ bảo hành toàn cầu của chính hãng, vì vậy việc bảo hành sẽ khó khăn hơn, nhất là với các hãng chưa có trung tâm bảo hành tại Việt Nam.
     
    Thông thường, hạn bảo hành toàn cầu sẽ tính từ ngày máy xuất kho, bởi vậy khi đến Việt Nam sẽ chậm trễ khoảng 2-3 tháng. Thời gian này có thể bị “ăn bớt” thêm cho tới lúc có người mua máy. Như vậy khách hàng mua laptop xách tay chính là người thiệt thòi nhất khi không được hưởng đầy đủ chế độ hậu mãi so với sản phẩm phân phối chính thức.
     
    Hạn bảo hành của laptop của thể kiểm tra trực tiếp trên website của hãng.
     
    Một người mua hàng tên Huy tâm sự: “Tôi mua chiếc laptop Sony Vaio CS 320 từ công ty N.N với giá gần 18 triệu đồng. Sau khi dùng 4 tháng, máy bị lỗi màn hình và được sửa chữa. Tuy nhiên 2 tháng sau đó máy tiếp tục dở chứng khi xuất hiện các sọc ngang. Lần này công ty N.N từ chối bảo hành với lý do đây là model mà Sony không phân phối chính thức tại Việt Nam, và thời hạn bảo hành toàn cầu đã hết”.
     
    Những điều cần nhớ khi mua laptop
     
    Không bao giờ mua laptop đã bị mất niêm phong của nhà sản xuất, bởi đó là hàng “có vấn đề”. Niêm phong bao gồm thùng và tem chính hãng, các tem dán trên túi nilon đựng máy. Khi mua laptop, hãy luôn xác định mình ở vị trí trung tâm để tránh việc bị người bán hàng “ru ngủ” hay giải thích về việc thùng máy bị mất niêm phong, bởi đó là chiêu của các cửa hàng kinh doanh thiếu chữ tín.
     
    Niêm phong thùng của laptop Toshiba.
     
    Phải có đầy đủ linh kiện trong thùng máy, bao gồm: sách hướng dẫn, pin, bộ sạc, các đĩa đi kèm (một số máy đời mới có thể không có). Chú ý đến bao nilon chứa máy phải có tem niêm phong nguyên bản. Đối với hàng chính hãng thì các chi tiết in ấn đều rất sắc nét và rõ ràng mà hàng nhái khó bắt chước được.
     
    Một lưu ý nữa đó là, đối với thị trường Việt Nam, do đa số laptop xách tay từ Mỹ về nên thường có hệ điều hành bản quyền cài sẵn. Bạn hãy kiểm tra tem gắn dưới thân máy để chắc chắn điều này.
     
    Tem chứng nhận bản quyền hệ điều hành dán dưới thân máy.
     
    Sau đây, chúng tôi xin tổng hợp lại một số thao tác quan trọng giúp bạn có thể mua được một chiếc laptop brand new mà không sợ bị qua mặt bởi các nhân viên bán hàng:
     
    1. Lựa chọn cửa hàng bán máy có uy tín
     
    Bạn có thể tham khảo qua bạn bè hoặc những người đã từng mua máy có kinh nghiệm hoặc tra cứu trên mạng, tham gia một số diễn đàn về tin học để lựa chọn cho mình một địa chỉ đáng tin cậy. Đối với laptop qua đường xách tay, thông thường những cửa hàng cho phép bạn tự tay kiểm tra thùng máy, tự tay bóc niêm phong và kiểm tra tem nhãn, hạn bảo hành là những nơi nên đến tham khảo.
     
    2. Kiểm tra niêm phong thùng
     
    Như đã nói ở trên, nếu có bất cứ dấu hiệu gì khiến bạn nghi ngại thùng đựng đã bị bóc niêm phong thì tốt nhất nên yêu cầu người bán đổi cho một chiếc khác. Nếu người bán nói rằng không còn hàng thì hãy ngừng việc mua máy, và nên tham khảo thêm cửa hàng khác. Đối với khách hàng mua máy tính tại các nhà phân phối chính hãng, do phải dán tem bảo hành của công ty nên đa số thùng đã bị khui sẵn, thao tác này có thể bỏ qua.
     
    Một chiếc laptop brand new sẽ có rất nhiều tem chứa thông tin
     về nguồn gốc xuất xứ, hãng sản xuất, loại máy...
     
    3. Kiểm tra các thông tin in ngoài thùng
     
    Đối với Toshiba, HP, IBM thì kiểm tra Model máy, Part Number, Số serial, nơi sản xuất... (nếu niêm phong thùng máy bị bóc thì nhất thiết niêm phong dán bên ngoài túi nylon bọc máy phải còn, niêm phong này bị bóc thì tới 99% là máy refurbished). Đối với Sony Vaio kiểm tra Model máy, nơi sản xuất, cấu hình chính… Đối với Dell thì kiểm tra số Service Tag, ngày sản xuất, nơi sản xuất... Yêu cầu các thông tin này phải trùng khớp với thông tin ghi sau máy. Đối với số serial thì nhất thiết phải trùng nhau giữa thùng máy, thân máy và trong BIOS.
     
    Các thông tin cơ bản của máy được in trên vỏ thùng.
     
    Thời hạn bản hành toàn cầu của máy brand new thường là 1 năm kể từ khi xuất xưởng (một vài hãng là 2 năm), máy refurbished chỉ khoảng 3 tháng. Bạn có thể kiểm tra điều này thông qua các website của hãng bằng số SN (serial number) và số PN (Product Number) trên tem máy. Tuy nhiên cần lưu ý, do mất thời gian vận chuyển và lưu kho nên các laptop xách tay thường không đủ thời hạn bảo hành như trên website.
     
    5. Yêu cầu người bán in cho một bản mã số máy, mã số linh kiện của hàng hóa định mua trực tiếp từ trên website của nhà sản xuất, điều này vô cùng quan trọng đối với những người mua laptop theo đường xách tay. Nếu vì bất kỳ lý do gì người bán không tiết lộ điều này thì khả năng hàng kém chất lượng sẽ rất lớn. Đối với laptop chính hãng thì phiếu bảo hành thường rất đầy đủ.
     
    Tem niêm phong túi nilon đựng máy phải còn nguyên vẹn.
     
    Đối chiếu mã hiệu, số hiệu của máy, của bộ nạp điện, PIN, ổ DVD, RAM, ổ HDD... với mã hiệu, số hiệu của chính linh kiện đó được liệt kê trong bảng danh mục ở bước 4. Nếu có bất kỳ mã hiệu, ký hiệu nào không khớp chứng tỏ hàng đã bị thay thể, sửa đổi, chất lượng không còn nguyên bản của nhà sản xuất. Số hiệu của ổ DVD, RAM, HDD có thể tra trong BIOS khi khởi động máy.
     
    Kiểm tra kỹ các phụ kiện đi kèm máy gồm pin, sạc, sách hướng dẫn sử dụng...
     
    6. Bật máy ngay tại nơi mua
     
    Thao tác này để kiểm tra các chi tiết phần cứng như pin, sạc, màn hình, bàn phím, ổ đĩa, cổng USB, webcam, micro… Đối với máy cài sẵn hệ điều hành, phải mất một thời gian chờ để khởi động lần đầu tiên (gọi là thời gian bung Windows), đồng thời sẽ có thông báo về lần đầu bật máy.
     
    Nên kiểm tra kỹ các chi tiết trên, màn hình có lỗi điểm chết hay không, bàn phim gõ có nhẹ nhàng không, có phím nào gặp vấn đề không, các cổng giao tiếp có nhận tín hiệu không, ổ đĩa có đọc và ghi đĩa được không... Những điều này sẽ giúp bạn tránh gặp rắc rối khi bảo hành do những lỗi “sơ đẳng” đó.
     
    Hãy bật máy ngay tại nơi mua để kiểm tra các lỗi có thể gặp phải.
     
    Nếu hoàn thành tất cả các bước này, bạn có thể yên tâm rằng chiếc laptop yêu quý mà bạn định sở hữu chắc chắn là hàng brand new và có thể thoải mái sử dụng mà không phải “lăn tăn” điều gì hết.