Khủng hoảng phố điện thoại cũ Đặng Dung

    PV, Quang Vinh 

    Khi nhắc tới điện thoại cũ, hẳn nhiều người ở Hà Nội sẽ nghĩ ngay đến phố Đặng Dung. Nhưng trong giai đoạn các mẫu di động giá rẻ ngày càng nhiều, tình hình kinh doanh ở con phố này đang khá ảm đạm.

    Phố Đặng Dung là một phố nhỏ, một đầu giáp phố Phan Đình Phùng, đầu kia nối với phố Trấn Vũ, thuộc địa phận quận Ba Đình, Hà Nội. Từ lâu, con phố này được biết đến như trung tâm buôn bán điện thoại của Thủ đô. Đây cũng là nơi có thể bắt gặp khung cảnh những chú dế giá hàng chục triệu như iPhone 3GS, Mobiado hay Vertu nằm cạnh các mẫu di động rẻ hơn, bởi đơn giản chúng là hàng nhái. Ngoài kinh doanh điện thoại, phố Đặng Dung còn là trung tâm cầm đồ có tiếng.
     
    Phố không còn nhộn nhịp
     
    Nếu như trước đây, chợ Đặng Dung không mấy khi vắng khách thì hiện nay tình hình mua bán có vẻ ế ẩm hơn. Khi chúng tôi có mặt tại phố vào lúc 10h sáng, rất nhiều cửa hàng vẫn còn đóng cửa, trong khi những cửa hàng khác rất thưa thớt khách, mà chủ yếu chỉ là đến xem hàng.
     
    Theo quan sát, cả phố có khoảng hơn 30 cửa hàng bán điện thoại, nhưng phần lớn trong số đó kiêm luôn cả dịch vụ cầm đồ. Vì vậy, rất khó có thể biết được những người khách đến là mua điện thoại hay chỉ đơn giản để cầm cố đồ đạc.
     
    Nhiều hàng đóng cửa trên phố Đặng Dung.
     
    Một người bán hàng cho biết: "Khoảng một năm trở lại đây, lượng khách đến mua điện thoại không còn nhiều như trước, nhất là từ khi Nokia và một vài hãng cho ra đời các mẫu giá rẻ. Có khi cả ngày chỉ có vài chục khách ghé qua, nhưng số lượng mua hàng thì không đáng kể".
     
    Nếu như ngày xưa, xe máy dựng kín vỉa hè thì bây giờ những gánh hàng rong lại có thể ngồi bán hàng khá thoải mái. Điều đó chứng tỏ những chiếc tủ kính trưng bày điện thoại nhái trên phố Đặng Dung đã không còn hấp dẫn như xưa.
     
    Hàng nhái, hàng giả vẫn chiếm đa số
     
    Đến phố Đặng Dung, bạn có thể dễ dàng chọn cho mình một chiếc điện thoại nhái mang thương hiệu tên tuổi như iPhone 4, Vertu, Goldvish… với giá từ 1-2 triệu đồng. Điều đáng nói là trong khi số lượng hàng nhái phong phú như vậy, thì hàng thật lại chiếm không đáng kể, và chủ yếu đều cũ rích.
     
    Cũng theo người bán hàng trên, họ chủ yếu kinh doanh điện thoại nhái do đánh vào tâm lý thích dùng hàng xịn nhưng giá rẻ của khách. Đây cũng là những sản phẩm có lợi nhuận cao nhất. Nếu bán hàng chính hãng, họ nhất định sẽ thua lỗ. Khách hàng tìm đến đây phần lớn không vì mục đích mua điện thoại phục vụ nhu cầu liên lạc, vì hầu hết họ đã có mà để săn hàng độc là chính. Những chiếc điện thoai với hình dáng xe đua Lamborghini hay Ferrari luôn gây sự chú ý cho người xem.
     
    Những chiếc điện thoại nhái được bày bán công khai.
     
    Một khách mua hàng tên Minh tâm sự: "Mình đến Đặng Dung không phải vì cần điện thoại liên lạc mà muốn tìm một chiếc thật lạ tặng người yêu. Mình cũng biết hầu hết hàng ở đây là nhái, nhưng với mức giá xấp xỉ 1 triệu đồng thì cũng không ngần ngại lắm. Máy chỉ cần sử dụng được nửa năm đã tốt lắm rồi".
     
    Theo tìm hiểu của chúng tôi, Đặng Dung hiện là một trong những nơi tập kết điện thoại giả và điện thoại nhái lớn của Hà Nội. Từ đây, điện thoại được phân phối đi nhiều nơi. Rất nhiều người đã bị lừa vì mua phải điện thoại của những tay bán hàng vỉa hè, mà nguồn gốc cũng chính từ con phố này. Với kiểu dáng nhân bản như thật, người tiêu dùng cả tin sẽ bị đánh lừa chẳng mấy khó khăn.
     
    Phố điện thoại liệu có thể tồn tại trong tương lai?
     
    Song song với buôn bán điện thoại, việc kinh doanh cầm đồ cũng tạo nên thương hiệu cho Đặng Dung. Và trong thời gian gần đây, khi khách mua điện thoại ngày càng thưa thớt thì cầm đồ lại trở thành “cứu cánh” cho nhiều cửa hàng.
     
    Thời điểm Nokia khai mào trào lưu di động giá rẻ bằng chiếc 1110 đình đám thì cũng là lúc các cửa hàng điện thoại cũ điêu đứng. Và hiện nay, thật khó để bắt gặp một người đi đâu mà không mang theo điện thoại di động. Giữa một chiếc mobile nhái và một sản phẩm chính hãng có cùng mức giá, người tiêu dùng chỉ có nhu cầu nghe-gọi-nhắn tin sẽ lựa chọn phương án sau. Thời của điện thoại nhái có lẽ sắp kết thúc.
     
    Anh Tâm, kỹ sư xây dựng cho biết: "Vì công việc nên tôi phải di chuyển khá nhiều. Tôi cũng sử dụng qua khá nhiều các loại điện thoại khác nhau, điện thoại Trung Quốc cũng có vài cái. Cho đến bây giờ, nhu cầu thực sự chỉ là một chiếc alo có khả năng nghe, gọi với sóng khỏe, pin được lâu chứ không cần màu mè, hình thức. Đây là những yêu cầu mà điện thoại nhái không đáp ứng được. Vì vậy hiện tại tôi dùng iPhone 3GS để lướt web kèm chú em Nokia 1120 dùng cho liên lạc, tất cả đều là hàng chính hãng".
     
    Câu hỏi đặt ra: liệu phố điện thoại Đặng Dung có còn tồn tại lâu? Rõ ràng việc kinh doanh điện thoại nhái là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Thông thường, khi phát hiện, hàng sẽ bị tịch thu, phạt gấp 1-5 lần giá trị thực tế của điện thoại đó trên thị trường. Tuy nhiên, tình trạng trên vẫn tồn tại hết sức công khai trên con phố này.
     
    Vì vậy, có lẽ phải cần đến những thái độ kiên quyết hơn và người tiêu dùng đồng loạt tẩy chay thì tình trạng buôn bán điện thoại nhái, điện thoại giả mới có thể chuyển biến khả quan hơn.
     
    Sau đây là một vài hình ảnh phố Đặng Dung hiện tại:
     
    Bán điện thoại từ đầu phố.
     
    Cầm đồ cũng từ đầu phố.
     
    Điện thoại xen lẫn cầm đồ.
     
    Nhiều người đi qua thờ ơ với các mẫu điện thoại.
     
    Vỉa hè không có cảnh chen chúc để xe máy như trước.
     
    Những cửa hàng đông khách thế này khá hiếm.
     
    Một cửa hàng bán iPhone, Blackberry, HTC đóng cửa.
     
    Khách hàng đang băn khoăn lựa chọn một chiếc điện thoại.

    NỔI BẬT TRANG CHỦ