Thị trường phụ kiện Việt Nam: Razer hạ gục Logitech

    PV, Hoàng Béo 

    Cùng "zoom" vào cuộc tranh tài của hai đại gia làng phụ kiện ở thị trường trong nước.

    Bứt top bằng phương châm khác hẳn nhau nhưng cả Logitech và Razer đều xứng danh những nhà sản xuất dẫn đầu thị trường phụ kiện chơi game nước nhà.
     
    Thâm niên tham gia thị trường trong nước
     
     
    Lợi thế của Logitech nằm ở giá trị thương hiệu lâu đời. Tham gia thị trường Việt Nam từ những năm 2006, tập đoàn công nghệ hàng đầu Thụy Sĩ nhanh chóng gây dựng được hệ thống bán lẻ trải dài từ Bắc chí Nam.
     
     
    So với đối thủ, Razer đặt chân lên mảnh đất hình chữ S muộn hơn, ban đầu chỉ xuất hiện tại một vài đại lý nhỏ, sau đó mới nâng lên thành cấp nhà phân phối chính thức cách đây khoảng hai năm. Tất nhiên, dù chậm chân nhưng hãng cũng gây dựng được mạng lưới phân phối tương đối rộng khắp.
     
    Độ phủ, tiếp cận người tiêu dùng
     
    Không hoàn toàn tập trung vào những sản phẩm cao cấp, Logitech tiếp cận người dùng bằng cả những thiết bị hết sức bình dân, cạnh tranghngay với các thương hiệu giá rẻ như Mitsumi, Genius… Với riêng mảng sản phẩm phục vụ game thủ, nhà sản xuất cũng dành hẳn một bộ sưu tập chuột, phím, tai nghe, tay cầm… chơi game hấp dẫn.
     
     
    Những phiên bản chuột chuyên dụng Logitech G5, MX518 hay bàn phím G15, G11, gamepad DualAction… đều đã trở thành lựa chọn tin cậy của không ít gamer khó tính. Thậm chí, theo chia sẻ của nhiều cao thủ làng StarCraft còn tỏ ra tín nhiệm cả với anh chàng tí hon Logitech Mini Optical.
     
     
    Trái lại, Razer hoàn toàn theo đuổi châm ngôn “tất cả vì game thủ, cho game thủ”. Các mặt hàng từ lớn tới bé đều hướng đến tín đồ thế giới ảo. Tại thị trường Việt Nam, các món đồ nghề nhà Razer có giá thành tương đối cao nhưng không vì thế hãng kém ăn khách.
     
     
    Doanh số tiêu thụ chuột Razer DeadthAdder, Krait, bàn phím Lycosa… cực kỳ ấn tượng là minh chứng rõ nhất cho khẳng định này. Đặc biệt, Razer còn lợi thế hơn hẳn Logitech ở mảng mousepad khi có vô số sản phẩm hấp dẫn dành cho game thủ như Mantis, Goliathus…
     
    Theo một số đánh giá của giới game thủ, phụ kiện chơi game của Razer thời gian gần đây tỏ ra khá được lòng người dùng Việt, từ những cải tiến ở kiểu dáng cho tới tính năng sử dụng.
     
    Chiến lược marketing, quảng cáo
     
     
    Trên cơ sở nền tảng thị trường lâu năm và mức độ nhận diện thương hiệu cao, có vẻ như Logitech đang chưa chú trọng lắm đến các chiến lược marketing, quảng cáo rầm rộ. Hãng chỉ chủ yếu tập trung giới thiệu sản phẩm trên một số tạp chí công nghệ nổi tiếng của Việt Nam. Bỏ qua nhiều kênh tiếp thị người dùng hiệu quả khác.
     
     
    Trong khi đó, ngoài công tác quảng cáo phổ thông, Razer tham gia tài trợ cho khá nhiều đội chơi eSport, đứng ra tặng quà, hỗ trợ tài chính cho nhiều giải game uy tín tại Việt Nam như World Cyber Games thường niên.
     
     
    Thậm chí, ở mảng game online màu mỡ vốn thường bị bỏ quên, Razer cũng đã có nhiều động thái tích cực, quyết định đứng ra tài trợ cho các tên tuổi tiếng tăm, đổi lại việc biểu tượng “3 chú rắn” được liên tục xuất hiện trong màn chơi.
     
    Tương lai…
     
    Razer Mamba, Naga ra mắt, ngay bên kia chiến tuyến Logitech G19, G500 cũng đồng loạt xuất kích. Cứ mỗi lần Logitech trình làng thiết bị mới cũng đồng nghĩa một lần Razer lên kệ sản phẩm đỉnh. Có thể thấy cả hai nhà sản xuất đang ganh đua quyết liệt trong từng bước đi.
     
     
    Tương lai luôn là điều khó đoán, nhưng với phương châm của riêng mình, bộ đôi nhà sản xuất phụ kiện game lớn nhất làng công nghệ đã góp phần không nhỏ, tạo ra thị trường có lợi cho người dùng trong nước. Sự thành công hơn nữa của từng hai thương hiệu có lẽ chính là điều giới game thủ nước nhà mong đợi nhất.

    NỔI BẬT TRANG CHỦ