Sau 5 tháng thu phí tải nhạc: Lại “đầu voi, đuôi chuột"!

    PV,  

    Các website thu về số tiền không đáng kể và việc thay đổi ý thức người nghe vẫn là một câu hỏi mù mờ.

    Chính thức thử nghiệm thu phí tải nhạc số từ 1/11/2012, từ 5 website ký kết thỏa thuận tăng lên 18 website nhưng sau một tháng đầu tiên, số tiền chỉ thu về vẻn vẹn… 15 triệu đồng. Kết quả này không như mong đợi của các đơn vị cung cấp nội dung nhạc số, các bên kinh doanh và thậm chí là giới sản xuất âm nhạc. Tính khả quan của việc thu phí nhạc số lại một lần nữa được đưa ra bàn luận bởi ngay từ ban đầu, đại đa số người nghe nhạc đều không ủng hộ việc thu phí.


    Doanh thu tăng đều nhưng hiệu quả không tăng?


    Theo đại diện của đơn vị cung cấp nội dung nhạc số MV Crop, từ 15 triệu đồng ban đầu, tổng số tiền thu được từ các ca khúc, album cho tới thời điểm sau 5 tháng đã tăng lên con số vài trăm triệu. Trong đó, số tiền thu được tháng sau cao gấp rưỡi so với tháng trước.


    Với các mô hình ở nước ngoài, nếu 10% dân số chi trả cho việc mua nhạc đã là thành công rồi, tại Việt Nam, các đơn vị kinh doanh nhạc số chỉ hy vọng vào 5% người có ý thức. Thế nên, tín hiệu đáng mừng ở doanh thu tăng cũng là điều mà các bên liên quan tự an ủi lẫn nhau để bước tiếp trên lộ trình kinh doanh nhạc số đã vạch ra. Dù số tiền còn khiêm tốn nhưng đã đạt được mục tiêu ban đầu là kéo các đơn vị tham gia vào cuộc chơi thu phí tải nhạc.


    Sau 5 tháng thu phí tải nhạc: Lại “đầu voi, đuôi chuột"! 1
    Trong tổng số khoảng 150 website kinh doanh nhạc số đang hoạt động thì chỉ có 18 trang ký kết tham gia thu phí nhạc số

    Tuy nhiên, sự thành công ở mặt “tổ chức” không chứng minh được, việc kinh doanh nhạc số có tính khả thi cao và mang lại lợi nhuận. Số tiền vài trăm triệu có vẻ to tát nhưng chỉ là muối bỏ biển so với số lượng 45.000 ca khúc được bán trên 18 website kinh doanh nhạc số lớn nhất Việt Nam. Hơn thế nữa, vài trăm triệu có khi còn chẳng đủ cho các nhạc sĩ, ca sĩ, nhà sản xuất trang trải chi phí để cho ra đời một sản phẩm âm nhạc có chất lượng.


    Ngoài ra, nếu tính trung bình 1.000 đồng/bài hát thì trong 5 tháng chỉ có khoảng vài trăm nghìn lượt tải về. Sự bỏ tiền “nhỏ giọt” của một ít người nghe có ý thức trong việc tôn trọng công sức của các nhà sản xuất, nhạc sĩ, ca sĩ cũng không thể làm thay đổi thói quen của đại đa số người đã quen với việc nghe và tải nhạc miễn phí.


    Sự giúp đỡ của giới nhạc sĩ khi phát động phong trào “Nghe có ý thức” và tuyên truyền mạnh trên các mạng xã hội, nỗ lực của các đơn vị kinh doanh trong việc khiến cho người dân hiểu ra sử dụng nhạc miễn phí là trái pháp luật dường như không hề có hiệu quả.


    Siết chặt thu phí bằng hình thức chỉ cho nghe thử


    Ông Phùng Tiến Công, Phó Tổng Giám đốc Công ty cung cấp nội dung nhạc số MV Crop cho biết, dự kiến đến quý 2/2013, các website nghe nhạc sẽ chỉ cho phép người dùng được nghe thử (preview) các ca khúc mới thay vì được nghe trực tuyến toàn bộ ca khúc như hiện nay. Người dùng phải thanh toán theo từng bài hoặc thuê bao tháng mới được nghe trọn vẹn ca khúc.


    Tại các nước phát triển mạnh về kinh doanh nhạc số như thị trường Âu-Mỹ hay đơn cử ở châu Á là Hàn Quốc, việc cho nghe thử miễn một phần của ca khúc là biện pháp thực tế để thu được tiền từ sản phẩm âm nhạc bán ra. Người nghe không có lựa chọn nào khác là buộc phải mua từ các website kinh doanh nhạc số để thỏa mãn niềm yêu thích nghe nhạc của mình, nghe trọn cả bài hát.


    Tuy nhiên, điểm mạnh tại các nước này là họ có thể xây dựng được một hệ thống thanh toán bài bản và thuận tiện cho người nghe. Tại Việt Nam ở thời điểm này, các hệ thống thanh toán còn quá phức tạp bởi mỗi một đơn vị cung cấp nội dung nhạc số lại có một cách thức thanh toán khác nhau (thẻ cào điện thoại, thẻ ATM, tài khoản điện thoại, tiền ảo…). Không có hướng dẫn cụ thể cho từng cách thức thanh toán khiến người nghe nảy sinh tâm lý ngại phiền toái.


    Sau 5 tháng thu phí tải nhạc: Lại “đầu voi, đuôi chuột"! 2
    Zing là 1 trong số ít trang có phân loại các ca khúc thu phí vào riêng một mục

    Ngoài ra, thời điểm sau 5 tháng thu phí nhạc số, các bài hát Việt Nam vẫn được phép tải công khai và miễn phí trên các trang đã đăng ký bán nhạc số như zing, nhaccuatui… Cùng một ca khúc, nội dung giống nhau nhưng lại có nhiều phiên bản miễn phí khiến người nghe vừa hoang mang lại vừa có cớ để quay lưng lại với việc thu phí tải nhạc.


    Về vấn đề này, bên phía MV Corp cho biết, sẽ giải quyết dứt điểm trong năm 2013 và đặt mục tiêu đến 2015, thị trường nhạc số thực sự dịch chuyển và thu phí nhạc trở thành điều đương nhiên đối với người dân.


    Cũng nằm trong lộ trình đã được xây dựng, trong thời gian tới, các website cũng sẽ thử nghiệm việc bán nhạc qua điện thoại di động. Hiện nay, số lượng người sử dụng điện thoại thông minh (smart phone) là khá phổ biến. Thanh toán qua di động giải quyết được những khó khăn về kênh thanh toán qua dịch vụ tin nhắn ngắn (SMS) với tỷ lệ ăn chia là 50-50 (nhà mạng thu về 50% phí, 50% còn lại dành cho các website phân phối, ca sĩ, nhạc sĩ…) và tạo sự tiện lợi cho người dùng.


    Cũng trong năm 2013, các website phải tự thân kinh doanh, đàm phán với các nhạc sĩ, ca sĩ, nhà sản xuất để mua bản quyền những ca khúc mới nhằm tạo sự cạnh tranh và thu hút giới trẻ. Phần lớn người nghe nhạc trên mạng là người trẻ nhưng thời gian qua, các đơn vị kinh doanh chỉ cố kiếm lợi từ những ca khúc “xưa” đã có đầy đủ tác quyền. Việc này cũng sẽ nâng cao hơn nữa quyền tự chủ của các nhạc sĩ trong việc đưa “đứa con tinh thần” ra với công chúng.


    Một loạt các động thái cứng rắn của các nhà kinh doanh và cung cấp nhạc số trong thời gian tới cũng nhằm đưa ra thông điệp về một thị trường cạnh tranh lành mạnh và buộc người nghe phải có ý thức trong việc sử dụng công sức, thành quả lao động của người khác. Thông qua các trang kinh doanh này cũng có thể điều chỉnh thị hiếu âm nhạc của giới trẻ và tạo sự tôn trọng hơn với âm nhạc chính thống.


    Thực tế cho thấy, ngành công nghiệp ghi âm Việt Nam đang bị thiệt hại nghiêm trọng do tình trạng tải nhạc miễn phí trên Internet và di động. Đĩa, album phát hành không có người mua, các nhạc sĩ, ca sĩ cũng ngại đầu tư làm album vì sợ thua lỗ. Dù vẫn còn quá nhiều bất cập và rắc rối đến từ phía các đơn vị kinh doanh nhạc số nhưng nếu kết hợp chặt chẽ, làm mạnh tay và triệt để đối với sản phẩm âm nhạc miễn phí thì có thể hy vọng vào một tương lai khởi sắc của ngành âm nhạc Việt Nam trong thời gian tới.


    Theo VOV

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày