Sau cơn sốt cho thuê xe đạp, đây sẽ xu hướng mới còn kỳ cục hơn của startup Trung Quốc

    Ngocmiz,  

    Tại Trung Quốc, bạn có thể cho thuê bất cứ thứ gì mình sở hữu, miễn là nó được gắn kèm QR code.

    Ngành công nghiệp chia sẻ xe đạp từng thu hút hàng trăm triệu USD từ các nhà đầu tư mạo hiểm Trung Quốc. Giờ đây, một mô hình “chia sẻ” mới lại đang nổi lên trong giới khởi nghiệp nước này: cho thuê sạc điện thoại.

     Hình ảnh một trạm sạc cho thuê tại quán ăn

    Hình ảnh một trạm sạc cho thuê tại quán ăn

    Ý tưởng ở đây cực kỳ đơn giản: Bạn cho những người ngồi trong các quán ăn, khách sạn, karaoke,… thuê sạc và thu phí theo giờ. Việc giao dịch và thanh toán sẽ được thực hiện qua QR code. Căn nguyên của nó cũng xuất phát từ cơn nghiện smartphone – thứ thiết bị ít khi nào có thể “sống” trọn được nguyên ngày mà không cần nạp năng lượng.

    Và có lẽ một phần lý do khiến dịch vụ này sinh sôi phát đạt cũng là bởi tại Trung Quốc, bạn có thể cho thuê bất cứ thứ gì mình sở hữu, miễn là nó được gắn kèm một…QR code. Chưa tin ư?

    Bạn có thể cho thuê ô…

    Hay bóng rổ tại trường học…

    Hay thậm chí là ổ sạc dự phòng...

    Một trong những startup cho thuê sạc điện thoại tiên phong tại nước này là Xiaodian với 50 triệu USD vừa huy động được từ Sequoia Capital, Tencent và Banyan Capital trong vòng gọi vốn series B kết thúc ngày hôm nay. Startup có trụ sở tại Bắc Kinh chỉ vừa mới gọi được 14,5 triệu USD ở series A vào tháng 4 vừa qua. Sản phẩm của Xiaodian chỉ đơn giản là cho thuê sạc với giá dưới 1 USD/giờ.

    Qua một ứng dụng di động, người dùng chỉ cần có tài khoản WeChat hoặc Alipay (cổng thanh toán trên di động của Alibaba) là đã có thể đăng nhập và tìm được trạm sạc gần mình nhất. Sau khi scan mã QR, người dùng sẽ bắt đầu cắm máy sạc. Chi phí thuê được trừ vào tài khoản WeChat hoặc Alipay một cách nhanh gọn.

    Cho đến nay, startup này đã thiết lập đối tác với hơn 10.000 cửa hàng trên khắp Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu,… để đặt trạm sạc cho thuê. Số tiền huy động được từ vòng gọi vốn mới nhất sẽ được dùng để mở rộng hệ thống về các thành phố mới.

    Một startup nổi bật khác có tên Ankerbox có trụ sở tại Thượng Hải cũng đang nhanh chóng thiết lập các trạm sạc trên khắp Trung Quốc. Công ty này cũng đã thu hút được nhiều triệu USD vốn đầu tư từ IDG Capital và hãng bán lẻ sản phẩm làm đẹp Jumei.

    Vẫn chưa có gì đảm bảo được liệu những startup như vậy có thành công dài hạn hay không, nhất là khi chi phí thuê vô cùng rẻ và các đối thủ hoàn toàn có thể làm điều tương tự. Dữ liệu người dùng phát sinh từ việc sử dụng dịch vụ có thể rất đáng giá nhưng cũng chưa chắc có thể giúp họ hái ra tiền. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các dịch vụ này rõ ràng đang tạo ra sự tiện lợi tuyệt vời cho các cư dân thành thị nghiện smartphone.

    Tham khảo Tech In Asia

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày