Sau vụ Coincheck, cơ quan Tài chính Nhật Bản cảnh báo về những vụ trộm tiền mã hóa còn lớn hơn trong tương lai

    nguyễn Hải,  

    Cho đến nay, Coincheck là vụ mất trộm tiền mã hóa lớn nhất thế giới.

    Sau khi vụ trộm tiền mã hóa động trời trong ngày thứ Sáu vừa qua, Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản (FSA: Financial Services Agency) đã gửi đi một thông báo hiếm hoi yêu cầu tất cả các đơn vị điều hành sàn giao dịch tiền mã hóa ở quốc gia này phải kiểm tra lại tình trạng bảo mật hệ thống của họ.

    Cảnh báo này được phát đi sau khi vào thứ Sáu vừa qua một lượng tiền mã hóa khổng lồ của các khách hàng trị giá khoảng 58 tỷ Yên (tương đương 534 triệu USD) bị mất trộm tại Coincheck, sàn giao dịch tiền mã hóa tại Tokyo. Đây là vụ mất trộm tiền mã hóa lớn nhất trên thế giới cho đến hiện nay, nó còn lớn hơn cả vụ năm 2014 khi các hacker đã ăn trộm khoảng 47 tỷ Yên tiền mã hóa của sàn giao dịch Bitcoin Mt. Gox, làm sàn này phải tuyên bố đóng cửa.

    FSA hy vọng rằng các sàn giao dịch tiền mã hóa sẽ có các biện pháp kiểm soát nội bộ đủ mạnh để ngăn chặn một vụ trộm khác.

    Trong khi đó, Coincheck cho biết họ sẽ hoàn lại tiền cho tất cả 260.000 người dùng của mình, những người đã trở thành nạn nhân của vụ trộm. Tuyên bố của Coincheck cho biết, sàn giao dịch này sẽ sử dụng tiền riêng của mình để bồi hoàn cho các khách hàng của mình.

    Là một trong những sàn giao dịch tiền mã hóa lớn của Nhật Bản, Coincheck đã thu hút nhiều khách hàng bằng cách chào bán một số loại tiền mã hóa khác nhau, và chi tiêu mạnh tay cho quảng cáo.

    Tại cuộc họp báo vào cuối ngày thứ Sáu tuần trước, công ty cho biết, gần như toàn bộ đồng tiền mã hóa NEM do khách hàng của họ nắm giữ đã bị chuyển ra ngoài hệ thống của công ty một cách bất hợp pháp vào lúc 3 giờ sáng cùng ngày theo giờ địa phương. Công ty sau đó đã tạm dừng các hoạt động rút tiền, đặt cọc và giao dịch của tất cả các đồng tiền mã hóa.

    Trong bức thư của mình, FSA cảnh báo rằng những cuộc tấn công mạng quy mô lớn hơn nữa có thể sẽ nhắm vào các sàn giao dịch tiền mã hóa. Cơ quan này đã nói với các nhà điều hành sàn giao dịch kiểm tra lại thông tin và hệ điều hành của họ, đề phòng các giao dịch và liên lạc đáng ngờ. Cơ quan cũng đã hướng dẫn các nhà quản trị không để nhân viên của họ phụ trách các nhiệm vụ như vậy, mà phải tự mình thực hiện chúng.

    Cơ quan này hiếm khi gửi các thông báo như vậy tới doanh nghiệp. Vào tháng 4 năm 2017, cơ quan này đã sửa đổi luật dịch vụ thanh toán để yêu cầu các sàn giao dịch tiền mã hóa phải được đăng ký. Luật sửa đổi bắt buộc các nhà điều hành sàn giao dịch tiền mã hóa phải quản lý tài sản khách hàng và tài sản của riêng họ một cách riêng biệt, nhưng mỗi sàn giao dịch được quyền từ quyết định việc làm điều đó như thế nào.

    Tham khảo Nikkei

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ