Sẽ có phiên bản Bphone giá 5-6 triệu đồng trong năm tới

    Minh Hương, Theo VnReview 

    Ngay từ khi ra mắt năm 2015, Bkav đã định vị Bphone ở phân khúc cao cấp. Hình ảnh rò rỉ bảng mạch mạ vàng của Bphone 2 mới đây nhất cho thấy hãng tiếp tục hướng Bphone ở phân khúc này. Cộng đồng Bphone chính thức trên Facebook đang tỏ ra háo hức chờ đón ngày Bphone 2 ra mắt, nhưng đồng thời rất nhiều người kêu gọi Bkav ra phiên bản Bphone giá tầm 5-6 triệu đồng.

     Hình ảnh Bphone đầu tiên. Rất nhiều người dùng muốn Bkav ra phiên bản Bphone giá tầm 5-6 triệu đồng.

    Hình ảnh Bphone đầu tiên. Rất nhiều người dùng muốn Bkav ra phiên bản Bphone giá tầm 5-6 triệu đồng.

    Trên thị trường smartphone Việt Nam hiện nay, phân khúc tầm trung chiếm thị phần lớn nhất, với sức tiêu thụ hàng triệu chiếc mỗi năm. Cùng với kỳ vọng của người tiêu dùng vào một phiên bản Bphone có giá cả hợp với mức thu nhập của nhiều người Việt Nam, cho thấy phân khúc tầm trung đầy tiềm năng chắc chắn Bkav không thể bỏ qua. Điều này càng được củng cố hơn khi có thông tin Bkav sẽ cho ra mắt Bphone phiên bản giá 5-6 triệu đồng vào năm tới.

    Câu hỏi đặt ra là tại sao Bkav không làm smartphone giá rẻ ngay từ đầu, sau đó khi thị trường đã quen thì mới làm bản cao cấp hơn. Thay vào đó, Bkav lại chọn con đường khó khăn là làm sản phẩm cao cấp, rồi mới tính đến việc ra bản cấp thấp hơn? Ngay cả CEO một start-up Việt rất thành công trong gọi vốn qua Facebook (thu hút được gần 50 tỷ đồng) thừa nhận không thể làm smartphone như Bkav, vì làm là lỗ, càng làm càng lỗ.

    Theo các chuyên gia kinh tế, thực ra đây là chiến lược kinh doanh kinh điển của các nhà sản xuất lớn mà rất nhiều hãng nổi tiếng như Apple, BMW, Mercedes-Benz... áp dụng: Định vị sản phẩm cao cấp từ đầu, gây dựng uy tín, chất lượng để đảm bảo cho việc phát triển ra các phân khúc khác.

    Trong trường hợp Bkav, họ đã phát triển được sản phẩm cao cấp do đó rõ ràng không phải là từ đầu Bkav không làm được phiên bản tầm trung để chạy đua về doanh số mà xem ra nó chỉ là một phần trong kế hoạch sản phẩm có bài bản. Lựa chọn định vị là sản phẩm cao cấp – có nghĩa cần phải đầu tư rất nhiều nỗ lực và tiền bạc, thậm chí chấp nhận nhiều năm không có lãi nhưng có thể tạo ra nhu cầu lâu dài, đồng thời mở rộng thị trường ra các phân khúc khác một cách vững chắc.

    Trong khi đó, nếu định vị ở các phân khúc thấp hơn, cái lợi trước mắt đem lại là chi phí gia nhập thị trường thấp, có thể có lãi dựa trên số lượng. Tuy nhiên, cái giá phải trả là bạn phải tham gia cuộc chạy đua về đáy với tương lai không bền vững. Bạn có thể nhanh chóng thành công, sinh lợi, nhưng những người khác sẽ sớm làm theo và buộc bạn phải chạy đua giảm chi phí, giá thành, lợi nhuận đến mức đáy. Khi đó, bạn muốn hướng sang sản phẩm cao cấp thì đã muộn, vì thương hiệu đã bị định vị là sản phẩm cấp thấp, rất khó để thay đổi.

    Thực tế nhìn vào trường hợp Apple có thể thấy dù sản phẩm iPhone đã thâm nhập vào các phân khúc dưới cao cấp nhưng đối với người tiêu dùng, iPhone vẫn là sản phẩm đẳng cấp và dễ được chấp nhận. Trong khi đó, các nhà sản xuất Trung Quốc như Oppo, Huawei, Xiaomi đang hướng đến phân khúc cao cấp một cách chật vật – do người tiêu dùng mặc định đây là thương hiệu giá rẻ. Theo nguồn tin từ một số nhà phân phối, chuỗi bán lẻ lớn của Việt Nam, Oppo dù đã dốc lực để tìm mọi cách nâng thị phần lên phân khúc cao cấp nhưng đều thất bại.

    Trong thời gian chờ ngày ra mắt, nhiều người đưa ra các dự đoán về sự đột phá của Bphone 2 như về màn hình, camera, bộ xử lý... và chờ đợi sẽ có một phiên bản Bphone tầm trung. Tuy nhiên, dựa vào những phân tích về chiến lược kinh doanh nói trên, Bkav đang khẳng định vị thế là nhà sản xuất smartphone cao cấp và phiên bản Bphone tầm trung có thể xuất hiện vào năm tới.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ