Sẽ quản lý giá dịch vụ 3G bằng giá trần

    PV,  

    Tại cuộc tọa đàm do Bộ TT-TT tổ chức đầu tháng 9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng cho biết, theo Luật Giá mới, cơ quan quản lý không thể can thiệp vào việc tăng/giảm giá cước của doanh nghiệp, nhưng Bộ TT&TT sẽ quản lý giá cước dịch vụ viễn thông, dịch vụ 3G theo hướng quản lý bằng giá trần.


    Sẽ quản lý giá dịch vụ 3G bằng giá trần
     

    Cước 3G ở Việt Nam quá rẻ

    Nhiều chuyên gia về lĩnh vực công nghệ cũng cho rằng, nếu so với các nước trên thế giới, cước 3G ở Việt Nam thuộc diện rẻ không cần so sánh. Có hơn 2 năm theo học tại Học viện Maketing Singapore, Thanh Hương cho biết, nếu so giá cước 3G tại Việt Nam và Quốc đảo Sư tử này thì quả là một trời một vực. Ở Việt Nam, chỉ cần bỏ từ 50.000 đồng là có thể dùng 3G tẹt ga để xem phim, nghe nhạc suốt 30 ngày, trong khi tại Singapore, chỉ những sinh viên thuộc diện gia đình “có điều kiện” mới để xem phim, nghe nhạc bằng các gói cước 3G nhưng cũng rất hạn chế nếu không muốn bị… cháy túi. “Như SingTel họ cũng có các gói cước 3G khác nhau nhưng mức giá rẻ nhất cũng lên tới 27,9 đô la Singapore (tương đương 470.000 đồng). Với gói này, khách hàng được gọi 100 phút nội mạng, 500 tin nhắn và sử dụng dữ liệu ở mức 1 GB dữ liệu. Còn dùng gói cước 671.000 đồng (39.9 đô Sing) thì được thêm 300 tin nhắn nội mạng, dùng 2GB dữ liệu. Nếu muốn dùng 3G dữ liệu như ở Việt Nam thì phải trả trung bình 1 triệu đồng tiền cước/tháng, còn dùng 4Gb số tiền sẽ nhảy lên tới 1,68 triệu đồng/tháng”, Hương cho biết.

    Văn Việt, cựu sinh viên trường Đại học Bắc Kinh cũng cho biết, với cước 3G hiện nay, không chỉ các sinh viên, những nhà báo quốc tế, khách du lịch khi đến Việt Nam đều bị “choáng” vì quá rẻ. “Với Cước 3G của Việt Nam đang rẻ hơn khoảng 10 lần so với Trung Quốc và rẻ hơn khoảng 40 lần so với các nước châu Âu. Nếu tính riêng dịch vụ dữ liệu (data) thì giá cước tại Việt Nam đang thấp hơn 4 lần so với tại Trung Quốc”, Việt chia sẻ.

    Như tại Mỹ, nếu sử dụng hình thức kết nối Internet qua máy tính bằng các USB 3G với với 2 gói cước DataConnect 200MB và DataConnect 5GB của nhà mạng AT&T, tiền thuê bao tháng của người dùng sẽ từ 35 USD tới 60 USD/tháng và không có số phút gọi, tin nhắn miễn phí. Nếu dùng vượt lưu lượng đăng ký, sẽ phải trả thêm 0.1 USD/MB (khoảng 1.900 đồng/MB).

    Hay tại Hồng Kông, nhà mạng SmarTone Telecommunications Holdings tính 248 HKD/tháng (hay 672.000 đồng) cho 500MB và phải trả thêm 40 HKD (107.000 đồng) cho 200MB vượt quá. Tại Malaysia, Maxis tính 75RM (hay 504.000 đồng) cho 3,5 GB dữ liệu, không có tin nhắn, số phút gọi miễn phí. Trong khi ở Việt Nam, chỉ cần bỏ ra hơn 2 USD là có thể xài các gói 3G với dung lượng dữ liệu lên tới 1GB của các nhà mạng.

    Sẽ quản lý 3G bằng giá trần

    Theo đại diện VinaPhone, để có chất lượng dịch vụ 3G như hiện nay, mạng này đã bổ sung hơn 5.000 trạm BTS 3G. Bỏ một số lượng vốn đầu tư khổng lồ như vậy nhưng số lượng thuê bao sử dụng 3G trên mạng VinaPhone chỉ chiếm 15-20% tổng số thuê bao có trên mạng và doanh thu từ dữ liệu 3G ở mức 5-10% doanh thu toàn mạng. “Còn nói về giá cước thì 3G của Việt Nam chắc chắn rẻ nhất thế giới”, đại diện mạng này cho biết.

    Đại diện Viettel cũng chia sẻ, trong giai đoạn đầu phát triển, để kích cầu cho dịch vụ mới, các nhà mạng đã giảm giá cước dưới mức giá thành. "Khi sinh ra mạng 3G, các nhà mạng ở Việt Nam tính giá thành theo giá trị cận biên vì nghĩ rằng 3G sẽ tạo ra nguồn doanh thu mới bên cạnh doanh thu từ mạng 2G và chỉ dùng khoản chi phí tăng thêm để tính giá thành. Đến nay 3G dần thay thế 2G và tất cả chi phí cho 2G dồn hết cho 3G phải "gánh", vì vậy nhà mạng đến lúc cũng phải tính chuyện tăng giá cước 3G để có nguồn lực để tái đầu tư phát triển mạng lưới, mở rộng vùng phủ sóng của 3G ", vị đại diện này nói.

    Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Lê Nam Thắng cũng xác nhận, ở Thái Lan, giá ăn uống rất rẻ song cước di động và 3G lại rất cao. Điều này ngược với ở Việt Nam, giá cước di động nếu so với mặt bằng ăn uống, sinh hoạt thì rẻ hơn nhiều trong khi chất lượng vẫn đáp ứng được gần hết nhu cầu.

    Sẽ quản lý giá dịch vụ 3G bằng giá trần
     

    Giải thích cho hiện tượng này, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, thể ví mạng 3G như 1 con đường mới xây, lúc đầu ít người qua lại thì đường rộng, có thể miễn phí hoặc lấy mức phí thấp, nay đông người qua lại thì phải thu phí cao hơn để đảm bảo có kinh phí tái đầu tư.

    "Trong lĩnh vực viễn thông, lâu nay mọi người thường có tâm lý quen với chuyện giá cước đi xuống hoặc đi ngang. Nay mọi chi phí dịch vụ khác như điện, nước... đều tăng thì cước viễn thông cũng phải tăng hoặc giảm theo cơ chế thị trường giống các lĩnh vực dịch vụ khác. Người tiêu dùng cần quen dần với khái niệm tăng/ giảm cước viễn thông, cước 3G là chuyện bình thường trong kinh doanh. Theo Luật Giá mới, cơ quan quản lý không thể can thiệp vào việc tăng/giảm giá cước của doanh nghiệp, nhưng Bộ TT&TT sẽ quản lý giá cước dịch vụ viễn thông, dịch vụ 3G theo hướng quản lý bằng giá trần", Thứ trưởng Lê Nam Thắng phân tích.

    Theo Afamily

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ