Siết quản lý tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử tại Việt Nam

    PV,  

    Dự thảo Nghị định về tiền ảo do Bộ Tư pháp xây dựng dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 12/2017 và dự thảo Nghị định về tài sản ảo sẽ hoàn tất vào tháng 3/2018.

    Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp hiện đã hoàn tất lộ trình ban đầu về việc lấy ý kiến để ban hành các quy định về quản lý tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử, nhằm cụ thể hóa các quy định về quản lý tài sản trong Bộ luật Dân sự 2015 trong các lĩnh vực nêu trên.

    Theo đó, dù Bitcoin hay các loại tiền ảo khác không được Việt Nam và nhiều quốc gia công nhận nhưng giá trị vốn hóa thị trường toàn cầu của Bitcoin hơn 10 tỷ USD, kéo theo đó là những tranh chấp dân sự, thương mại, tội phạm… nên không thể nằm ngoài vùng quản lý, giám sát.

    Dự kiến, dự thảo Nghị định về tiền ảo sẽ hoàn tất vào tháng 12/2017 và dự thảo Nghị định về tài sản ảo sẽ hoàn tất vào tháng 3/2018.

     Đã có doanh nghiệp tại Việt Nam chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin. Ảnh: H.P.

    Đã có doanh nghiệp tại Việt Nam chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin. Ảnh: H.P.

    Việc giao dịch bằng tiền ảo có thể làm nảy sinh nhiều loại tội phạm như rửa tiền, trốn thuế, buôn lậu. Tại Việt Nam, hoạt động đầu tư, kinh doanh tiền ảo đang có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, quy mô, phạm vi mở rộng từ các thành phố lớn lan rộng tới các tỉnh biên giới phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên…

    Trong thời gian qua, hiện tượng kinh doanh đa cấp biến tướng để cung cấp dịch vụ, giao dịch tiền ảo nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người tham gia xuất hiện ngày càng nhiều, diễn biến phức tạp và gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân.

    Mới đây nhất, tại tỉnh Gia Lai, các đối tượng lừa đảo đã huy động tiền của hàng trăm người dân để lôi kéo họ tham gia vào mô hình giao dịch tiền ảo đa cấp với tên gọi “ngân hàng cộng đồng Bitcoin”, lãi suất lên tới 144% mỗi tháng. Sau khi đã chiếm đoạt số tiền lên tới trên 22 tỷ đồng của người dân, các đối tượng lừa đảo đã biến mất.

    Kết quả xác minh chưa đầy đủ của công an thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai cho thấy, có khoảng 1.900 ID, tương đương với từ 1.900 Bitcoin tham gia vào mô hình giao dịch tiền ảo đa cấp “ngân hàng cộng đồng Bitcoin” (hiện mỗi Bitcoin có giá trị khoảng 13 triệu đồng).

    Do các giao dịch chủ yếu diễn ra trên mạng Internet nên công tác điều tra rất khó khăn. Chính sự nhẹ dạ và thiếu hiểu biết đã khiến nhiều người dân lâm vào cảnh điêu đứng. Có gia đình đi vay số tiền hàng trăm triệu đồng để đổ vào Bitcoin.

    Theo khuyến cáo từng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra, việc sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam không được pháp luật thừa nhận, Bitcoin không phải là loại tiền tệ và phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

    Do vậy, các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng; các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện giao dịch liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.

    Phân tích của Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ rõ, các giao dịch bằng Bitcoin có tính ẩn danh cao nên Bitcoin có thể trở thành công cụ cho tội phạm như: rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, giao dịch, thanh toán tài sản phi pháp.

    Bên cạnh đó, Bitcoin là tiền ảo được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số nên nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch là rất lớn. Do giá trị đồng Bitcoin biến động mạnh và phức tạp trong thời gian ngắn nên hoạt động đầu tư vào Bitcoin ẩn chứa nhiều nguy cơ về bong bóng, tiềm ẩn gây thiệt hại cho người đầu tư.

    Ngoài ra, Bitcoin không bị chi phối và kiểm soát giao dịch bởi cơ quan quản lý nhà nước nào, do đó, người sở hữu Bitcoin sẽ chịu toàn bộ rủi ro vì không có cơ chế bảo vệ quyền lợi.

    Theo ICTNews

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ