Smartphone đang đi vào vết xe đổ của PC, liệu có cùng chung số phận?

    Nam Nguyễn,  

    Các nhà sản xuất smartphone có nguy cơ đi vào vết xe đổ của người tiền nhiệm PC khi phải trải qua nhiều năm liền sụt giảm doanh số.

    Sau gần một thập kỷ tăng trưởng như vũ bão, ngành công nghiệp trị giá 423 tỷ USD này dường như đã chạm đỉnh khi người dùng không còn lên đời smartphone thường xuyên như trước nữa. Điều này sẽ là một đòn giáng nặng nề vào biên lợi nhuận và tăng trưởng doanh thu của nhiều nhà sản xuất smartphone.

    Các dấu hiệu đi xuống của thị trường đã âm ỉ trong vài tháng qua, và chỉ bùng phát vào tuần trước khi Apple lần đầu tiên công bố lợi nhuận theo quý sụt giảm trong 13 năm. CEO Apple Tim Cook đã thừa nhận vào hôm 26/4 rằng 9 năm sau khi chiếc iPhone đầu tiên ra mắt, thị trường smartphone đã “dừng tăng trưởng”. Một ngày sau đó, công ty nghiên cứu Strategy Analytics công bố doanh số smartphone quý 1 của toàn ngành đã giảm 3%, lần giảm đầu tiên trong lịch sử.

    Với việc người dùng lên đời sản phẩm ít thường xuyên hơn và những người mua lần đầu ngày càng ít đi, dường như các nhà sản xuất smartphone đang đi vào vết xe đổ của các nhà sản xuất PC khi phải chịu đựng nhiều năm liền sụt giảm doanh số. Toàn ngành công nghệ vẫn chưa tìm ra được ý tưởng lớn tiếp theo để thay thế smartphone, như cách iPhone và những người bạn đã làm khi PC không còn được ưa chuộng nữa.

    Ngành công nghệ đang tìm cách phát triển mọi thứ từ robot, ô tô và kính thực tế ảo cho đến Internet of things (IoT). Nhưng phải mất nhiều năm để những công nghệ mới này trở thành trào lưu chủ đạo.

    Trước khi điều đó xảy ra, ngành công nghệ có thể phải chịu nhiều năm “đói kém”. Ngoài ra, các công ty sản xuất vi mạch, cảm biến và các linh kiện khác cho smartphone cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề. Sony đã thông báo lỗ trong quý vừa qua do nhu cầu mua cảm biến hình ảnh sụt giảm. Nhà sản xuất màn hình Sharp của Nhật Bản, nhà sản xuất chip bộ nhớ SK Hynix của Hàn Quốc và nhà cung cấp linh kiện quản lý điện năng Dialog Semiconductor ở Châu Âu đều đang bị ảnh hưởng do nhu cầu smartphone suy yếu.

    Tuần trước, cố phiếu của các nhà sản xuất chip và linh kiện đều giảm mạnh. Đáng kể nhất là cổ phiếu của Murata Manufacturing, nhà cung cấp linh kiện cho Apple và các nhà sản xuất smartphone khác. Cổ phiếu của hãng này đã giảm 13% sau khi dự báo lợi nhuận cả năm giảm 13%.

    “Sự đi xuống của Apple sẽ ảnh hưởng đến các nhà cung ứng khác”, Neil Campling, chuyên gia phân tích của Aviate Global nói. Ông dự đoán các nhà sản xuất smartphone sẽ ép giá các nhà cung ứng linh kiện nhằm duy trì biên lợi nhuận hiện tại. “Điều này cũng đang xảy ra ở chuỗi cung ứng của Samsung”.

    Dẫu vậy, nhiều chuyên gia trong ngành tin rằng doanh số smartphone vẫn có thể phục hồi như trước. Hầu hết những người sở hữu smartphone đang dùng công nghệ cũ, vốn không thể xử lý dữ liệu ở tốc độ cao. Hãng Qualcomm cho biết chỉ 16% smartphone có thể truy cập mạng thế thệ thứ tư (4G LTE). Hãng sản xuất chip này cũng cho rằng vì rất nhiều người sử dụng điện thoại cả ngày, các thiết bị sẽ nhanh hao mòn và cần phải thay thế thường xuyên.

    Bất chấp quan điểm lạc quan trên, Qualcomm cũng đang tìm cách đa dạng hóa lĩnh vực sản xuất của mình. Do doanh số sụt giảm, trong đó doanh số quý gần nhất giảm 19%, công ty này đang chuyển hướng sang sản xuất drone, ô tô và nhà thông minh. Mặc dù những ngành kinh doanh mới này sẽ tạo ra 2,5 tỷ USD doanh số trong năm nay, chúng chỉ chiếm 11% tổng doanh thu của hãng. Đó là lý do tại sao Qualcomm đã mất 1/4 giá thị trường trong năm ngoái, so với mức giảm 2% của cả ngành công nghệ nói chung.

    Về phần mình, Apple đang cố bù đắp sự sụt giảm doanh số iPhone bằng các dịch vụ như iCloud, Apple Music và App Store. Biên lợi nhuận của các mảng kinh doanh này đang trở nên lớn hơn và doanh thu của chúng đã tăng 20% trong quý hai năm ngoái. Tuy nhiên, dịch vụ vẫn chỉ chiếm 12% tổng doanh số của táo khuyết.

    Giống như nhiều công ty công nghệ khác, Apple đang chuyển hướng sang phát triển ô tô. Hệ thống tự lái, thông tin và giải trí cao cấp của ô tô sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới để bán các linh kiện và phần mềm phổ biến ở smartphone. Tuy nhiên, Apple Car vẫn còn là câu chuyện của nhiều năm nữa và một số chuyên gia cho rằng sản phẩm này sẽ không bao giờ ra mắt. Cổ phiếu của Apple đã giảm 26% trong 12 tháng qua.

    Bất chấp doanh số vững vàng của Galaxy S7 trong tuần qua, Samsung cũng đang tìm hướng phát triển ra ngoài smartphone. Công ty này đang tích cực phát triển kính thực tế ảo và IoT.

    Trong tháng 10 năm ngoái, Flextronics International, hãng lắp ráp smartphone lâu đời cho các công ty như Blackberry và Motorola đã ký hợp đồng với Nike. Bên cạnh chế tạo linh kiện ô tô, thiết bị y tế và thiết bị đeo tay, công ty này đang bắt đầu sản xuất quần áo và giày dép, nhất là những sản phẩm có công nghệ được tích hợp bên trong đó.

    Việc chuyển hướng sang lĩnh vực khác cũng chưa chắc bù đắp được sự sụt giảm doanh số smartphone của các công ty. Doanh thu quý 1 của Texas Instruments đã giảm 4,5% bất chấp doanh số bán linh kiện ô tô, mạng điện thoại và thiết bị công nghiệp của hãng gia tăng. Lý do là khách hàng lớn nhất của Texas Instruments là Apple lại đang đi xuống.

    “Khó có thiết bị đơn lẻ nào thay thế được smartphone”, Neil Mawston, chuyên gia của Strategy Analytics cho biết. Vì thế các công ty phải mở rộng kinh doanh nhiều hơn sang IoT, drone, robot, thiết bị đeo tay, nhà thông minh và ô tô.

    Liệu các lĩnh vực này có đủ lớn để giúp thay thế smartphone? Các chuyên gia nghi ngờ điều đó. Chẳng hạn như IoT. Strategy Analytics cho biết sẽ có 5 tỷ thiết bị IoT vào năm 2020 so với 4 tỷ smartphone. Nhưng hầu hết thiết bị IoT sẽ có giá từ 1 đến 2 USD và không cần thay thế trong 5 đến 10 năm. Chúng sẽ không thay thế được những smartphone có giá hàng trăm USD và được lên đời hai hoặc ba năm một lần.

    Tham khảo: bloomberg

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày