Số lượng màn hình hỗ trợ công nghệ FreeSync của AMD nhiều gấp 4 lần NVIDIA G-Sync, tại sao?

    Dee Tee,  

    Công nghệ đồng bộ hình ảnh của 2 ông lớn có gì khác biệt?

    Khi mà dòng VGA mới nhất của NVIDIA sử dụng thế hệ chip đồ họa Pascal đang bán rất chạy, thì người dùng mua chúng lại đang loay hoay lựa chọn 1 màn hình phù hợp.

    Đó là trong trường hợp bạn muốn sử dụng màn hình có tần số quét cao, 120Hz tới 144Hz, lúc này các công nghệ đồng bộ hình ảnh phát huy khả năng. AMD vẫn đang phát triển FreeSync, còn phía bên kia, NVIDIA có công nghệ tương tự mang tên G-Sync. Dễ hiểu thì nếu bạn dùng card Geforce của NVIDIA, bạn sẽ buộc phải tìm 1 màn hình hỗ trợ G-Sync, còn màn hình FreeSync chỉ có thể hoạt động cùng VGA AMD Radeon.

    Ấy vậy, việc chọn mua màn hình hỗ trợ FreeSync dễ dàng hơn nhiều so với việc tìm kiếm màn hình G-Sync. Hiện nay mới chỉ có 20 màn hình trên thị trường hỗ trợ công nghệ đồng bộ hình ảnh của NVIDIA, còn phía bên kia là 85 sản phẩm.

    Với một hệ thống phần cứng tốt, tốc độ khung hình mỗi giây(FPS) trong trò chơi được đẩy lên rất cao, vượt qua cả tần số quét của màn hình, lúc này bạn sẽ chọn mua màn hình có tần số quét lớn. Tuy nhiên, với 1 tần số quét lớn hơn, nhưng FPS lúc này không ổn định có thể dẫn tới các hiện tượng bóng ma, hay rác hình, khung hình bị vỡ, đó là lý do người ta phát triển 2 công nghệ nêu trên, để tốc độ khung hình và tần số quét luôn ngang bằng nhau.

    G-Sync với lợi thế ra mắt từ rất sớm (cuối năm 2013) nhưng tốc độ "phủ sóng" chưa tốt dẫn tới kết quả là sau 3 năm ra mắt, công nghệ này mới chỉ xuất hiện trên 20 sản phẩm màn hình máy tính. FreeSync lại khác, dù ra mắt sau nhưng với các ưu điểm của mình, nhiều nhà sản xuất màn hình máy tính quyết định trang bị cho sản phẩm của họ công nghệ này bởi không ít các lý do sẽ được nêu dưới đây.

    1. G-Sync đòi hỏi module phần cứng còn FreeSync thì không

    Nhà sản xuất màn hình sẽ cần tích hợp module hỗ trợ G-Sync của NVIDIA lên màn hình của họ, đáng buồn là với FreeSync lại không cần một thứ tương tự.

    AMD tạo ra công nghệ của họ với sức mạnh nằm ngay trong các VGA, hình ảnh được xử lý và truyền qua kết nối DisplayPort, và mới đây nhất là HDMI. Như vậy, màn hình chỉ cần đáp ứng được tốc độ quét và các yếu tố khác mà thôi.

     Module G-Sync của NVIDIA.

    Module G-Sync của NVIDIA.

    Không cần đến các module như NVIDIA, hãng sản xuất màn hình có thể chủ động hơn trong thiết kế phần cứng, ví dụ như tạo ra những màn hình siêu mỏng hoặc màn hình cong mà không sợ bất cứ vấn đề gì.

    2. FreeSync rẻ hơn

    Loại bỏ bớt phần cứng đồng nghĩa loại bỏ giá thành, chính đại diện của LG cũng đã phải công nhận điều này. "Các nhà sản xuất có thể áp dụng công nghệ mới mà không phải thay đổi thiết kế, giúp tiết kiệm chi phí nhiều hơn. Điều đó sẽ giúp công nghệ này có mặt trên cả các màn hình tầm trung thay vì sản phẩm gaming".

     Một màn hình hỗ trợ G-Sync của ACER.

    Một màn hình hỗ trợ G-Sync của ACER.

    Không cần nói đâu xa, áp dụng FreeSync của AMD, LG đã ra mắt nhiều màn hình ultrawide 35inch có mức giá chỉ hơn 700 USD. Trong khi đó, với G-Sync, màn hình tương tự như của Acer có giá lên tới 900 USD. Ngoài ra, LG còn có thể tạo ra rất nhiều sản phẩm nhỏ hơn, dưới 30 inch với giá chỉ từ 280 USD.

    Các sản phẩm ở phân khúc giá rẻ còn giúp mang lại doanh số lớn hơn, đó là điều mà các nhà sản xuất luôn mong muốn.

    3. G-Sync kém linh hoạt

    Trang bị module của G-sync sẽ khiến cho chất lượng hình ảnh của công nghệ màn hình bị phụ thuộc một phần vào phần cứng từ NVIDIA.

    Ví dụ điển hình nhất là các màn hình mang thương hiệu Eizo, hãng này phát triển một công nghệ có tên Smart Insight, Công nghệ này giúp tự động điều chỉnh độ sáng và vùng tối bên trong màn hình, giúp hình ảnh rõ ràng hơn.

    Tuy nhiên, các màn hình sử dụng module G-Sync của NVIDIA lại không thể sử dụng tính năng này. "Module G-Sync chỉ hỗ trợ điều chỉnh chất lượng hình ảnh từ chính nó, các điều chỉnh bên ngoài đều không thể thực hiện được. FreeSync linh hoạt hơn ở điểm này, vì vậy chúng tôi đã chọn công nghệ của AMD", Keisuke Akiba, quản lý sản phẩm của Eizo cho biết.

     Giới thiệu về công nghệ Smart Insight của Ezio.

    Giới thiệu về công nghệ Smart Insight của Ezio.

    Chưa kể tới việc các màn hình G-Sync luôn có rất ít các cổng input, thường là DisplayPort và DVI, có thể có thêm HDMI nhưng cổng này không có tác dụng kích hoạt tốc độ quét ở mức cao.

    Trong khi đó, FreeSync đã hỗ trợ hầu hết các kết nối phổ biến hiện nay, và bạn có thể thoải mái chọn lựa các cổng kết nối phù hợp với card đồ họa của mình.

    FreeSync chính là 1 vũ khí của AMD trong cuộc chiến với NVIDIA. Nếu như số lượng và độ phủ của màn hình hỗ trợ FreeSync đủ lớn, chắc chắn sức hút của VGA Radeon sẽ tăng lên so với dòng Geforce.

    Tuy vậy, khi nhu cầu sử dụng các màn hình máy tính cao cấp vẫn chưa thực sự lớn, áp lực này dành cho NVIDIA là chưa nhiều, và những con số cho thấy doanh số VGA sử dụng GPU do NVIDIA phát triển vẫn đang bỏ xa đối thủ.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày