Số phận Apple cùng chuỗi cung ứng mong manh trước cơn bão thương mại Mỹ - Trung

    Nguyễn Hải,  

    Chỉ vài ngày sau khi mức thuế quan mới được áp lên hàng hóa từ Trung Quốc, cổ phiếu Apple và các nhà cung cấp đều sụt giảm mạnh.

    Xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang lên một bước mới khi vào ngày 10 tháng Năm vừa qua, tổng thống Trump chính thức nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, từ 10% lên 25%. Điều này đang làm các nhà đầu tư vào Apple và chuỗi cung cấp của họ lo lắng hơn bao giờ hết.

    Ngay cả người luôn lạc quan vào Trung Quốc như nhà đầu tư lớn Thornburg Investment Management cũng đang rút vốn ra khỏi Apple và các công ty thuộc chuỗi cung ứng của họ, khi lo ngại rằng việc Mỹ áp đặt thuế quan có thể gây ra các tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái công nghệ.

    Động thái này sẽ làm tăng giá các linh kiện quan trọng để làm nên một trong các smartphone nổi tiếng nhất thế giới, iPhone. Đồng thời đây cũng là nguồn doanh thu lớn nhất của Apple.

    Số phận Apple cùng chuỗi cung ứng mong manh trước cơn bão thương mại Mỹ - Trung - Ảnh 1.

    Ông Dan Ives, nhà phân tích công nghệ tại Wedbush Securities, cho rằng: "Các mức thuế mới thông báo, nếu được áp dụng, sẽ là một cú đánh mạnh giáng vào các công ty công nghệ và các nhà cung cấp. Điều đó sẽ gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng và kéo tụt khu vực này trong suốt cả năm tới."

    Tăng thuế với hàng Trung Quốc - một cú đánh mạnh vào Apple 

    Trong danh sách các sản phẩm bị áp đặt mức thuế quan mới lần này, điện thoại di động được xem là mặt hàng quan trọng nhất đối với Apple, khi nó có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng của họ. Trước đây, ông Tim Cook, CEO của Apple và nhiều lãnh đạo khác trong ngành công nghệ đã nỗ lực vận động hành lang để điện thoại không bị ảnh hưởng bởi lần tăng thuế trước đó.

    Việc tăng thuế quan đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ khiến chi phí sản xuất các sản phẩm của Apple tăng lên, và phần chi phí đó được tính vào giá thành sản phẩm, chúng sẽ càng khiến các sản phẩm vốn đã đắt đỏ của Apple có giá cao hơn nữa. Điều này càng tồi tệ hơn đối với hoạt động kinh doanh iPhone tại Trung Quốc khi nhu cầu đang trên đà sụt giảm.

    Số phận Apple cùng chuỗi cung ứng mong manh trước cơn bão thương mại Mỹ - Trung - Ảnh 2.

    Bất chấp việc nhu cầu iPhone tại Trung Quốc đang sụt giảm, iPhone vẫn chiếm được thị phần 11% tại thị trường Trung Quốc, với 400 triệu smartphone được xuất xưởng trong năm 2018. Theo ông Ives của Wedbush, với số lượng iPhone kỳ vọng được nâng cấp trong vòng từ 12 đến 18 tháng tới từ 60 triệu đến 70 triệu máy – chiếm khoảng 20% lượng iPhone nâng cấp – Trung Quốc vẫn là "khu vực tăng trưởng mạnh mẽ nhất của Apple".

    Trong khi Apple có thể sản xuất và bán được hàng chục triệu iPhone mỗi năm ở Trung Quốc, nhưng mức thuế quan mới của chính phủ Mỹ và các biện pháp trả đũa từ Trung Quốc đã khiến điện thoại của họ phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ hai bên chiến tuyến.

    Giờ đây Apple đứng trước 2 lựa chọn khó khăn, hoặc phải chấp nhận giảm lợi nhuận để hấp thụ một phần chi phí gia tăng, nếu không họ có thể phải đối mặt với việc nhu cầu người dùng sụt giảm đáng kể. Dù lựa chọn là gì, lợi nhuận trong tương lai của Apple cũng đang trở nên u ám hơn.

    Chỉ trong vòng 2 ngày giao dịch sau khi mức thuế mới được thông báo, giá cổ phiếu Apple đã sụt giảm 7%, làm bốc hơi hơn 60 tỷ USD giá trị thị trường. Ông Ives cho biết: "Cổ phiếu sụt giảm không phải vì mức thuế quan mới nhắm vào 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, nó là vì nỗi lo điều gì sẽ đến tiếp theo đây. Với mức thuế quan hiện tại, hệ sinh thái Apple vẫn sẽ tương đối không bị tổn thương. Nhưng với một kịch bản thảm khốc hơn, (ví dụ mức thuế bổ sung có hiệu lực), giá iPhone sẽ tăng khoảng 20%."

    Số phận Apple cùng chuỗi cung ứng mong manh trước cơn bão thương mại Mỹ - Trung - Ảnh 3.

    Các nhà đầu tư của Apple còn lo ngại về một hiệu ứng lan tỏa, kéo theo việc giảm điểm cổ phiếu của các nhà cung cấp Trung Quốc cho Apple. Các đối tác có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Foxconn Technology, hãng lắp ráp các thiết bị Apple tại Trung Quốc và Đài Loan, nhà sản xuất các linh kiện âm thanh Shenzhen Sunway Communication và nhà sản xuất bộ kết nối điện tử Luxshare Precision Industry.

    Từ khi các mức thuế quan mới được công bố vào ngày 10 tháng 5, cổ phiếu của Foxconn, Shenzhen Sunway và Luxhsare đã giảm tương ứng 8%, 11% và 14%.

    Phản ứng giận dữ từ người dùng Trung Quốc 

    Không chỉ lo ngại các biện pháp trả đũa từ chính phủ Trung Quốc, Apple còn đối mặt một nguy cơ khác từ đông dân này. Đó là phản ứng giận dữ của người tiêu dùng Trung Quốc trước các biện pháp cứng rắn của chính phủ Mỹ nhắm vào hàng hóa Trung Quốc cũng như các công ty công nghệ của nước này, điển hình như Huawei.

    Số phận Apple cùng chuỗi cung ứng mong manh trước cơn bão thương mại Mỹ - Trung - Ảnh 4.

    Còn nhớ vào tháng 12 năm ngoái, khi bà Mạnh Vãn Chu, CFO Huawei và cũng là con gái của nhà sáng lập, ông Nhậm Chính Phi, người tiêu dùng Trung Quốc đã trút giận lên các sản phẩm của Apple, với lời kêu gọi tẩy chay các sản phẩm công ty. Vài tháng sau đó, lượng tìm kiếm về iPhone trên trang Baidu giảm mạnh đến 50% trong tháng Một và tháng Hai năm 2019.

    Điều tương tự cũng có thể xảy ra trong thời gian tới khi vào thứ Tư tuần trước, ông Trump ký lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp, nhằm cấm sử dụng các thiết bị viễn thông do những công ty được xem là mối quan hệ tới an ninh quốc gia sản xuất, mở đường cho việc cấm hoàn toàn các sản phẩm của Huawei.

    Không lâu sau đó, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, họ đã bổ sung thêm Huawei, một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, cùng 68 tổ chức có liên quan đến nó, vào danh sách Entity List. Bị đưa  vào trong danh sách này nghĩa là giờ đây Huawei sẽ cần phải có được giấy phép do chính phủ Mỹ cấp để mua được công nghệ của Mỹ.

    Khó có giải pháp sớm cho cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

    Các hành động gần đây của Nhà Trắng cho thấy chính quyền tổng thống Donald Trump sẵn sàng thực hiện các biện pháp trừng phạt nhắm vào Trung Quốc, thay vì sử dụng chúng như biện pháp đe dọa này để giành lợi thế đàm phán – một cách tiếp cận đã giúp giảm nhẹ thiệt hại cho iPhone.

    Số phận Apple cùng chuỗi cung ứng mong manh trước cơn bão thương mại Mỹ - Trung - Ảnh 5.

    Không những vậy, chính sách cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc lại là một trong những điểm đồng thuận hiếm hoi giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tại Washington, sau hơn hai năm hai đảng này liên tục bất đồng với nhau về các vấn đề đối nội và đối ngoại.

    Trong cuộc phỏng vấn với đài CNBC vào thứ Năm vừa qua, nhà bình luận chính trị nổi tiếng thế giới, Thomas Friedman (tác giả cuốn Thế giới phẳng) và người từng là Trưởng Chiến lược gia của Nhà Trắng, ông Steve Bannon (một người chống toàn cầu hóa), đều có cái nhìn đồng thuận về các biện pháp cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc.

    Ông Bannon cho biết: "Mô hình hoạt động của Trung Quốc là một mối đe dọa hiện hữu cho nền dân chủ Phương Tây." Trong khi đó, ông Friedman cho rằng: "Tất cả chúng ta cần đứng sát bên nhau, vai kề vai, với điều này," ông bổ sung rằng các đồng minh của Mỹ cần tham gia cuộc chiến chống Trung Quốc.

    Với tình hình căng thẳng như vậy, để cứu vãn cho Apple, một số người khác đang đặt cược vào khả năng vận động hành lang của ông Tim Cook, vốn đã được chứng minh nhiều lần trước đây, cũng như "tầm quan trọng chiến lược trong nội địa" của Apple, có thể giúp công ty và chuỗi cung ứng thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại.

    Nhưng đa số mọi kỳ vọng đang hướng vào hội nghị G20 sắp tới, nơi tổng thống Trump và ông Tập Cận Bình dự kiến gặp nhau, với hy vọng của nhiều người cho rằng, hai vị lãnh đạo sẽ tìm ra tiếng nói chung để giải quyết bất đồng.

    Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với CNBC, ông Bannon lại cho rằng điều này là không thực tế. Ông cho rằng, giải pháp cho cuộc chiến tranh thương mại "sẽ không thể diễn ra tại Hội nghị G20. Khác biệt giữa hai bên là quá cơ bản."

    Tham khảo SCMP


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ