So sánh hiệu ứng bokeh giữa Galaxy Note 8 và iPhone 7 Plus: chiến thắng về chất lượng cho Samsung, còn Apple thì "dễ dùng" hơn

    Nguyễn Hải,  

    Dù cả hai vẫn còn cách những chiếc DSLR thực thụ một khoảng khá xa về khả năng hiểu chiều sâu và làm mờ hậu cảnh, nhưng kết quả cho thấy các smartphone sẽ bắt kịp trong tương lai.

    Chiếc Galaxy Note 8 là chiếc điện thoại đầu tiên của Samsung được trang bị cụm camera ống kính kép. Tương tự như chiếc iPhone 7 Plus của Apple, nó có một ống kính tele đi kèm với một ống kính tiêu chuẩn góc rộng. Điều này cho phép cả hai chiếc điện thoại tạo ra các chiều sâu trường ảnh thú vị - nhưng công ty nào sẽ tạo ra hiệu ứng tốt hơn? Hãy cùng so sánh sự khác biệt giữa cách tiếp cận của hai công ty và xem liệu chiếc điện thoại nào sẽ giành chiến thắng.

    Thông số

    Cả chế độ chụp Portrait Mode của Apple và chế độ chụp Live Focus của Samsung đều sử dụng các hệ thống camera kép của mình để ước lượng chiều sâu của bối cảnh chụp và mang đến bokeh, hay hiệu ứng làm mờ, cho hình ảnh được chụp bằng ống kính tele. Phương pháp này bắt chước các máy ảnh DSLR cao cấp và tạo ra các hiệu ứng tuyệt đẹp khi hoàn tất. Nhưng cả hai thiết bị trong bài này đều là các smartphone nên trước tiên chúng ta nên tìm hiểu về thông số của hai hệ thống giả DSLR này.

    Các thông số trên giấy tờ có vẻ không mấy khác biệt. Cả Galaxy Note 8 và iPhone 7 Plus đều có các cảm biến kép 12 Megapixel. Cả hai đều có khả năng zoom quang học 2x với mỗi camera. Và cả hai đều trang bị hệ thống ổn định hình ảnh quang học (OIS) trên các ống kính chính của mình. Nhưng đó là tất cả các điểm tương đồng giữa hai thiết bị này, còn lại là sự khác biệt một cách rõ rệt.

    Chiếc Note 8 được trang bị các cảm biến pixel kép, lớn hơn (1,4nm so với 1,2nm trên iPhone). Ngoài ra, nó còn có hệ thống OIS trên cả ống kính tele – đây là chiếc smartphone đầu tiên làm như vậy, và đó là một nâng cấp quan trọng cho việc chụp ảnh bằng điện thoại.

    Chiếc Note 8 còn được trang bị khẩu độ rộng hơn trên cả hai ống kính: máy ảnh chính có khẩu độ f/1.7 còn của Apple chỉ có f/1.8, trong khi ống kính tele của Note 8 là f/2.4 còn của Apple là f/2.8. Khẩu độ rộng hơn cho phép cảm biến thu được nhiều ánh sáng hơn, và tạo ra các bức ảnh mịn màng hơn.

    Nhưng thông số chỉ nói lên một nửa câu chuyện, bởi vì một phần mềm tốt có thể dễ dàng vượt qua phần cứng yếu kém hơn. Và nếu trải nghiệm của việc sử dụng camera thực sự tồi tệ, thì dù thông số máy ảnh có tuyệt đến mấy đi nữa, vẫn chẳng có ai muôn đụng đến nó.

    Khả năng sử dụng

    Hãy bắt đầu từ trải nghiệm người dùng trước. Việc chuyển sang chế độ Portrait Mode trên iPhone 7 Plus rất đơn giản, nhưng nó mất khoảng một giây để khởi động. Khi đã khởi động xong, bạn sẽ rất nhanh chóng hiểu được giao diện của Apple để làm thế nào có được bức ảnh đẹp với chế độ chụp này.

     Giao diện điều khiển thân thiện trên iPhone 7 Plus.

    Giao diện điều khiển thân thiện trên iPhone 7 Plus.

    Phần mềm sẽ khuyên bạn rằng nên đứng cách vật thể cần chụp khoảng 8 feet (khoảng 2,45m) để có được kích hoạt hiệu ứng, và bạn sẽ nhận thấy một hình hộp trên giao diện chuyển thành màu vàng khi bạn có thể chụp được chân dung. Nếu các điều kiện trên chưa đạt được, phần mềm của Apple sẽ nói với bạn cần thay đổi để có được kết quả tốt nhất.

    Còn với Samsung? Không quá phức tạp lắm. Sau khi khởi động camera, bạn chỉ cần chạm vào tùy chọn Live Focus, chương trình sẽ khởi động rất nhanh. Một khi được kích hoạt, phần mềm sẽ nhắc bạn đứng cách vật cần chụp 4 feet (khoảng 1,2m) để kích hoạt được hiệu ứng. Nhưng khi hiệu ứng không được kích hoạt, những lời chỉ dẫn có vẻ quá mơ hồ.

    Các tính năng đặc biệt

    Nhưng nếu gạt điểm trừ về giao diện sang một bên, chiếc Note 8 có một vài yếu tố khác rất đáng chú ý. Đầu tiên bạn có thể điều chỉnh mức độ bokeh trong bức ảnh chụp. Một thanh trượt sẽ xuất hiện trên giao diện, cho phép bạn điều chỉnh theo thời gian thực, về mức độ bạn can thiệp vào bức ảnh. Nhưng khả năng điều chỉnh này còn được nâng lên một mức độ cao hơn nữa khi bạn có thể thực hiện điều tương tự như vậy sau khi ảnh đã được chụp.

     Thanh trượt điều chỉnh khả năng làm mờ trong Live Focus của Galaxy Note 8.

    Thanh trượt điều chỉnh khả năng làm mờ trong Live Focus của Galaxy Note 8.

    Từ ứng dụng bộ sưu tập ảnh, bạn có thể lưu lại bất kỳ phiên bản nào bạn muốn khi tất cả thông tin ảnh chụp đã được nhúng trong quá trình chụp. Chiếc Note 8 cũng lưu lại bức ảnh từ camera chính, trong trường hợp bạn muốn có một góc nhìn khác về khung cảnh bạn đã chụp.

    Trong khi đó, Apple không có các tùy chọn này, nhưng hy vọng chúng sẽ có mặt trong một bản nâng cấp phần mềm hoặc xuất hiện mặc định với một trong những phiên bản iPhone sắp ra mắt trong vài ngày tới. Cho đến nay, bạn chỉ có thể lựa chọn chiếc iPhone 7 Plus lưu lại một phiên bản thứ hai với bức ảnh khi hiệu ứng bị tắt.

    Kết quả ảnh chụp

    Vậy các bức ảnh chụp trông như thế nào? Hãy so sánh các bức ảnh từ người mẫu Cyndal khi chụp bằng hai thiết bị này trên con phố ở San Francisco. Ánh sáng thay đổi rất nhanh đến nỗi mức độ phơi sáng sẽ khác nhau một chút giữa hai bức ảnh cùng chụp. Dù sao đi nữa, cả hai chiếc điện thoại này đều cho ra những bức ảnh ưa nhìn với hiệu ứng chiều sâu nổi bật.


    Nhưng nếu nhìn kỹ chúng ta sẽ nhận thấy một số vấn đề ở đây. Chiếc iPhone giữ khuôn mặt ở trọng tâm bức ảnh và làm mờ mọi thứ còn lại, ngay cả các vật thể trong cùng mặt phẳng lấy nét với khuôn mặt người mẫu. Bạn có thể nhìn thấy trong bức ảnh chụp bằng iPhone phóng to dưới đây, nhiều chi tiết ở trên người mẫu đã bị mất.

     Apple làm mờ mọi thứ ngoại trừ những gương mặt người mẫu, ảnh phóng to cho thấy bộ quần áo và người mẫu chụp bằng iPhone 7 Plus bị mất nhiều chi tiết hơn so với Note 8.

    Apple làm mờ mọi thứ ngoại trừ những gương mặt người mẫu, ảnh phóng to cho thấy bộ quần áo và người mẫu chụp bằng iPhone 7 Plus bị mất nhiều chi tiết hơn so với Note 8.

    Thật khó hiểu tại sao Apple lại đưa ra quyết định này. Đó không phải là điều mà những máy ảnh DSLR sẽ tạo ra, và nó có vẻ khá tùy tiện. Trong khi đó chiếc Note 8 không chỉ vẫn giữ hình ảnh người mẫu ở trọng tâm bức ảnh, mà còn nổi bật và phân biệt rõ ràng với bức tường sau lưng cô ấy.


    Sang đến bức ảnh chụp cảnh đường phố thứ hai, bạn có thể thấy thêm một số vấn đề khác. Đầu tiên, cũng giống như iPhone, chiếc Note 8 có vẻ gặp khó khăn với việc phát hiện các đường cạnh trên sợi tóc. Nhưng quan trọng hơn là những gì đang xảy ra trong garage ô tô ở góc trên bên phải của khung hình.

     Cả hai thiết bị đều gặp khó khăn trong việc phát hiện các đường cạnh khi chụp tóc.

    Cả hai thiết bị đều gặp khó khăn trong việc phát hiện các đường cạnh khi chụp tóc.

    Chiếc iPhone thậm chí còn làm mờ các đường kẻ một cách như nhau, trong khi chiếc Note 8 có thể hiểu được chiều sâu của khung cảnh tốt hơn và làm các đường kẻ trên cánh cửa garage mờ dần theo chiều sâu với bức ảnh. Điều này cho thấy chiếc Note 8 có thể hiểu được chiều sâu bức ảnh chính xác hơn iPhone.

     Chiếc iPhone làm mờ ở mức độ đồng đều nhau với toàn bộ khung cảnh, trong khi chiếc Note 8 dường như làm mờ tốt hơn khi hiểu được rõ hơn độ sâu của bức ảnh.

    Chiếc iPhone làm mờ ở mức độ đồng đều nhau với toàn bộ khung cảnh, trong khi chiếc Note 8 dường như làm mờ tốt hơn khi hiểu được rõ hơn độ sâu của bức ảnh.


    Với bức ảnh dưới đây, khi nhìn vào phần cây cỏ, bạn sẽ nhận thấy một số vấn đề khác. Cả hai chiếc điện thoại đều gặp khó khăn với các khung cảnh phức tạp, và kết quả là cả hai thiết bị đều giữ lại những thứ đáng nhẽ bị làm mờ trong vùng lấy nét, và ngược lại.

     Cả hai thiết bị đều gặp khó khăn trong việc chọn ra vùng lấy nét khi gặp phải các khung cảnh phức tạp.

    Cả hai thiết bị đều gặp khó khăn trong việc chọn ra vùng lấy nét khi gặp phải các khung cảnh phức tạp.

    Phóng to vào góc phía trên bên trái của bức ảnh này, các bạn cũng có thể nhận thấy rằng, với chiều sâu tối đa, chiếc iPhone 7 Plus làm mờ nhiều hơn so với chiếc Galaxy Note 8.

     Phóng to góc này lên có thể thấy chiếc iPhone 7 Plus làm mờ nhiều hơn hẳn so với chiếc Note 8.

    Phóng to góc này lên có thể thấy chiếc iPhone 7 Plus làm mờ nhiều hơn hẳn so với chiếc Note 8.


    Ở ví dụ cuối cùng này, phần phía trước của garage một lần nữa cho thấy những nhược điểm của cả hai chiếc điện thoại. Chiếc Note 8 không thành công trong việc thu thập những chi tiết được cho là nằm ngoài trọng tâm, kết quả làm cho tạo ra những mảng vệt mờ lạ trên ảnh.

    Trong khi đó, chiếc iPhone 7 Plus tiếp tục làm mờ mọi thứ một cách đồng đều, bao gồm cả phía trên người mẫu. Ngoài ra, chiếc iPhone còn tạo nên các đường bao quanh người mẫu (bạn hãy nhìn vào phần tóc của người mẫu khi phóng to trong bức ảnh trên) và trên các cạnh của khung hình một cách thiếu tự nhiên.

     Có những đường viền quanh tóc của người mẫu và các cạnh của khung hình khi chụp bằng iPhone 7 Plus, trong khi đó chiếc Note 8 chọn làm mờ một số vùng trên cánh cửa garage.

    Có những đường viền quanh tóc của người mẫu và các cạnh của khung hình khi chụp bằng iPhone 7 Plus, trong khi đó chiếc Note 8 chọn làm mờ một số vùng trên cánh cửa garage.


    Kết luận

    Vậy chúng ta thấy gì từ các sự so sánh này? Rõ ràng cả hai thiết bị này vẫn còn một khoảng cách khá xa trong việc hoàn thiện khả năng nhận diện được chiều sâu trường ảnh. Samsung đã tiến một bước dài trước Apple về mặt tính năng và hiểu được chiều sâu khung cảnh tốt hơn. Nhưng giao diện điều khiển của Apple dễ sử dụng hơn và có thể sẽ bắt kịp Samsung khi phần mềm và phần cứng được cập nhật.

    Dù vẫn còn một khoảng cách khá xa so với những chiếc DSLR thực thụ, nhưng rõ ràng cách tiếp cận bằng camera kép và máy học của cả hai công ty đang cho thấy họ đang đi đúng hướng và sẽ thu hẹp lại khoảng cách này trong thời gian không xa.

    Tham khảo Macworld

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ