“Soái ca” Trung Quốc trở mặt làm “người đẹp” Apple đứng ngồi không yên

    Nam Nguyễn,  

    Có vẻ như tuần trăng mật của Apple ở Trung Quốc đã đến hồi kết thúc. Điều này báo hiệu một tương lai không mấy sáng sủa cho táo khuyết tại thị trường quan trọng nhất của mình.

    Cuối tuần trước, Apple đã phải đóng cửa dịch vụ iBooks và iTunes Movies ở Trung Quốc sau chưa đầy sáu tháng hoạt động.

    Theo báo New York Times, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu Apple đóng cửa hai dịch vụ trên. Đây có thể là một tín hiệu xấu, cho thấy mối quan hệ giữa Apple với Trung Quốc đang đi theo chiều hướng tiêu cực.

    Ban đầu, Apple được chính phủ Trung Quốc cho phép mở dịch vụ sách và phim nói trên. Nhưng sau đó, Cục Quản lý báo chí, xuất bản, phát thanh, điện ảnh và truyền hình Trung Quốc lại đổi ý và yêu cầu Apple ngừng hoạt động hai dịch vụ này.

    “Chúng tôi hy vọng được cấp phép cung cấp các dịch vụ phim và sách ở Trung Quốc càng sớm càng tốt”, phát ngôn viên của Apple nói.

    Nếu mối quan hệ của Apple với Trung Quốc trở nên căng thẳng, đó sẽ là viễn cảnh ảm đạm cho công ty này. Trong những năm gần đây, Trung Quốc là động cơ tăng trưởng chính của Apple, giúp hãng có vài quý đạt lợi nhuận kỷ lục. Trong năm 2015, Trung Quốc chiếm hơn 50% tăng trưởng doanh thu của Apple. Rõ ràng, nếu tăng trưởng ở Trung Quốc giảm tốc, đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào giá cổ phiếu và tương lai của Apple.

    Việc kinh doanh của Apple ở Trung Quốc không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Vào năm 2014, iPhone 6 đã phải ra mắt chậm vài tuần ở Trung Quốc. Theo các báo cáo vào thời điểm đấy, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin trung Quốc đã từ chối cấp giấy phép chứng nhận cho sản phẩm này. Cũng trong năm đó, Apple đã phải chuyển dữ liệu của khách hàng Trung Quốc về các máy chủ được đặt tại nước này theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc.

    Hồi đầu tuần này, giám đốc pháp lý của Apple, Bruce Sewell, đã tuyên thệ trước Quốc hội Mỹ rằng chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu Apple giao nộp mã nguồn – ông không nói là của sản phẩm nào – nhưng Apple đã từ chối. Tiết lộ này chắc chắn sẽ làm phật lòng các quan chức của Trung Quốc.

    So với nhiều ông lớn công nghệ khác của Mỹ, Apple có quan hệ nồng ấm hơn với chính phủ và giới doanh nghiệp của Trung Quốc. Google đã từng phải gỡ công cụ tìm kiếm của mình khỏi Trung Quốc vào năm 2010. Facebook thì không được phép hoạt động ở quốc gia đông dân nhất thế giới này. Doanh số của Cisco, IBM, và Microsoft ở Trung Quốc thì liên tục giảm trong những năm gần đây.

    Nhưng Apple là một ngoại lệ. CEO Tim Cook đã công khai gặp mặt chủ tịch của China Mobile, Guohua Xi vào năm 2014 khi ông đến thăm Bắc Kinh (China Mobile là tập đoàn viễn thông nhà nước của Trung Quốc). Apple là một thương hiệu được nhiều quan chức Trung Quốc và người thân của họ ưa chuộng. Trong khi những công ty như Microsoft bị buộc phải tạo ra phiên bản riêng cho Trung Quốc đối với các phần mềm của mình, Apple đã được miễn công việc phiền phức này.

    Đó là lý do tại sao việc Trung Quốc cẩm cửa hai dịch vụ trực tuyến của Apple lại là một dấu hiệu rất xấu cho quả táo cắn dở tại thị trường quan trọng nhất của mình.

    Tham khảo: BI

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ