Startup công nghệ đã hết thời, sẽ không ai thành công được như Google, Facebook nữa?

    Minh Thu, Theo ICT News 

    Google, Facebook hay Amazon là các startup khởi nghiệp từ những năm 90, và khỏi phải nói họ thành công thế nào. Ngày nay, người ta vẫn đang khởi nghiệp từng ngày từng giờ nhưng bạn có biết, khởi nghiệp công nghệ thực sự thành công và gần đây nhất, là Facebook, đã 13 tuổi rồi.

    Lâu nay người ta vốn nghĩ Thung lũng Silicon là nơi sẽ có vài chàng trai bắt tay mày mò gì đó trong gara hay phòng kí túc xá của mình để rồi cho ra đời những công ty công nghệ thay đổi thế giới. Đó là Apple và Microsoft trong những năm 1970, AOL trong những năm 1980, Amazon, Yahoo và Google trong những năm 1990 và Facebook những năm 2000.

    Nhưng trong thập niên thứ hai của thế kỷ XIX này, thế giới dường như đang trải qua một cơn hạn hán khởi nghiệp. Tất nhiên, người ta vẫn đang khởi nghiệp từng ngày từng giờ nhưng bạn có biết, khởi nghiệp công nghệ thực sự thành công và gần đây nhất, là Facebook, đã 13 tuổi rồi.

    Cho đến năm ngoái, chúng ta vẫn hy vọng Uber sẽ là thành công tiếp theo cho giới khởi nghiệp công nghệ. Nhưng giờ đây, CEO của Uber đã phải từ chức với hàng loạt bê bối và tương lai công ty này vẫn còn mờ mịt. Những công ty khởi nghiệp công nghệ khác trong vòng 10 năm trở lại đây dường như không thể đạt cùng đẳng cấp. Airbnb, công ty khởi nghiệp có giá trị thứ 2 sau Uber, chỉ có tổng giá trị 31 tỉ USD, tương đương 7% của Facebook. Các công ty khác như Snap, Square và Slack còn có giá trị thấp hơn.

    Vậy điều gì đang xảy ra? Đây là câu trả lời từ các nhà đầu tư và chuyên gia của Thung lũng Silicon.

    Jay Zaveri, một nhà đầu tư đến từ công ty Social Capital nói: “Khi tôi nhìn vào Google và Amazon vào những năm 1990, tôi có cảm tưởng như mình đang nhìn thấy Columbus và Vasco da Gama lần đầu tiên gióng thuyền ra khơi khỏi lãnh thổ Tây Ban Nha”. Ông cũng cho rằng các nhà tiên phong công nghệ trong thời kỳ đầu đã hái hết những “trái ngọt dễ hái”, chiếm giữ những ngành màu mỡ và nhiều lợi nhuận như công cụ tìm kiếm, các mạng xã hội và lĩnh vực thương mại điện tử. Cơ hội cho những người đến sau như Pinterest và Blue Apron đã bị thu hẹp rất nhiều. Tuy nhiên, đó không phải là lý do lớn nhất.

    Các công ty nhỏ bị thu mua quá sớm và quá nhiều

    Bất kỳ ai ở Thung lũng Silicon đều biết tới câu chuyện của những công ty lừng lẫy một thời như Digital Equipment Copr., Sun Microsystems, AOL và Yahoo đã bị gạt ra rìa sau những cuộc cách mạng công nghệ. Các gã khổng lồ công nghệ ngày nay đã học được bài học đó và quyết tâm không để lịch sử lặp lại.

    Đội ngũ lãnh đạo của Facebook, Amazon, Google và Microft đều “hiểu rất rõ những nguy cơ đang tồn tại”.

    Đối với Facebook, sự ra đời của smartphone là cuộc thử nghiệm đầu tiên. Không muốn để công ty của mình bị thất thế như Yahoo, Zuckerberg đã hối thúc đội ngũ kỹ sư của mình tạo ra phiên bản cho thiết bị di động và ưu tiên việc phát triển trên nền tảng này. Đồng thời, Facebook cũng tiến hành mua lại các công ty có lượng người dùng lớn, đó là Instagram vào năm 2012 và WhatsApp vào năm 2014.

    Nhưng điển hình nhất cho sự thành công của việc thu mua là Google và Android. Google đã mua lại công ty này vào năm 2005 khi nó mới chỉ là một công ty phần mềm vô danh và biến nó thành nền tảng thống trị trên hệ điều hành smartphone ngày nay. Một năm sau đó Google tiếp tục mua lại YouTube với giá 1,65 tỉ USD.

    Đối với Amazon, đó là Zappos vào năm 2009 và Quidsi vào năm 2010.

    Các công ty công nghệ chật vật khi muốn độc lập phát triển

    Không phải tất cả các công ty công nghệ khởi nghiệp đều chấp nhận lời đề nghị mua lại của các ông lớn. CEO của Snapchat Even Spiegel đã quyết định từ chối lời đề nghị trị giá 3 tỉ USD của Zuckerberg để đưa công ty của mình ra công chúng và đổi tên thành Snap.

    Facebook sau đó liên tiếp giới thiệu các tính năng giống hệt với Snapchat trên Instagram, bao gồm cả Snapchat’s lense và chỉ trong vòng 6 tháng, lượng người dùng các tính năng này trên Snapchat đã bị Instagram vượt mặt.

    Điều tương tự cũng xảy ra với Yelp, một ứng dụng tìm kiếm địa điểm trên Android đã từ chối lời mời của Google và cổ phần hóa công ty vào năm 2012. Theo CEO của Yelp Jeremy Stoppelman, Google đã lợi dụng ưu thế của mình trên thị trường công cụ tìm kiếm để khiến các trang của họ hiện lên trước các trang của Yelp khi người dùng tra cứu. Yelp chỉ có thể cố gắng tồn tại trong phạm vi nước Mỹ và gặp rất nhiều khó khăn khi vươn ra thị trường thế giới.

     Hình ảnh minh họa sức ảnh hưởng khủng khiếp của Google, Amazon và Facebook (nguồn: WSJ)

    Hình ảnh minh họa sức ảnh hưởng khủng khiếp của Google, Amazon và Facebook (nguồn: WSJ)

    Các công ty khởi nghiệp trong ngành tiêu dùng công nghệ cần vốn rất lớn

    Các startup nổi tiếng như Yahoo, eBay, Google và Facebook chỉ cần số vốn khiêm tốn là đã thu lợi nhuận nhanh chóng trong vòng vài năm. Nhà đầu tư Mike Maples của công ty Floodgate cho rằng: “Facebook có được thành công lớn như vậy là bởi tại thời điểm nó ra đời vào năm 2004, chi phí để duy trì một website vẫn còn rất thấp, kể cả những website có triệu người dùng.” Nhưng vài năm trở lại đây, câu chuyện đã khác.

    Khi các nhà đầu tư nhận các công ty công nghệ độc quyền có thể thu lợi như thế nào, họ bắt đầu đổ xô đi đầu tư vào các startup để đảm bảo những công ty này có thể thống trị thị trường. Và trớ trêu là càng nhiều công ty được đầu tư, mức độ cạnh tranh càng lớn và khả năng thu được lợi nhuận càng thấp.

     CEO của Lyft Logan Green đã phải chi hàng trăm triệu USD để giành thị phần với Uber.

    CEO của Lyft Logan Green đã phải chi hàng trăm triệu USD để giành thị phần với Uber.

    Điển hình có thể kể đến cuộc chiến giá đã kéo dài hàng năm trời của Uber và Lyft đã khiến Uber tốn hàng tỉ USD và các đối thủ nhỏ lẻ khác của nó hàng triệu USD. Vì vậy, có thể thấy rằng dù chi phí kỹ thuật để xây dựng một nền tảng số đã rẻ hơn rất nhiều nhưng các công ty công nghệ ngày nay đang phải trả hàng triệu USD cho quảng cáo để tiếp cận được người dùng tiềm năng. Và phần lớn lượng tiền đó sẽ vào tay các ông lớn lão làng là Google và Facebook.

    Định nghĩa về sự đổi mới và sáng tạo đã khác xưa

    Suy cho cùng, có một điều có thể lý giải cho giả thuyết “trái ngọt dễ hái”: chúng ta không còn thấy startup công nghệ nào đủ tầm trong những năm gần đây nữa bởi cơ hội để xây dựng một hệ thống dịch vụ trực tuyến, rộng khắp và siêu lợi nhuận là có hạn và gần như đã bị khai thác hết rồi.

    Hiện tượng này đã từng xảy ra trước đây, vào thập niên 50, 60 và 70 của thế kỷ trước khi ngành chế tạo chip bán dẫn bùng nổ. Thế nhưng khi thị trường này ổn định, những cái tên thống lĩnh chỉ còn lại 3: Intel, Samsung và Qualcomm. Và đến thập niên 80, Microsoft, Adobe và Intuit ra đời để tạo ra phần mềm cho máy tính cá nhân trên toàn thế giới. Các công ty này cũng thu được siêu lợi nhuận trong thời gian đó và ngày nay không còn mấy không gian phát triển cho các startup về phần mềm máy tính.

    Có lẽ chúng ta đã đạt tới thời điểm tương tự với các ứng dụng và dịch vụ online. Ngày nay chẳng còn mấy việc gì để làm với một trình duyệt web hay một thay đổi đột phá nào cho smartphone. Các lĩnh vực quan trọng đều đã có một “vị thần gác đền” với Google cho công cụ tìm kiếm, Facebook cho mạng xã hội và Amazon cho thương mại điện tử.

    Tất nhiên, điều này không có nghĩa là Thung lũng Silicon sẽ ngừng thay đổi, chỉ là sự thay đổi này sẽ khác với sự thay đổi mà chúng ta đã chứng kiến suốt 20 năm qua. Hãy nhìn vào Telsa với xe điện và xe tự lái, máy bay không người lái, công nghệ tên lửa giá rẻ. Làn sóng thay đổi tiếp theo hứa hẹn sẽ rất khác với những gì chúng ta từng biết.

     Telsa sẽ là hình mẫu mới về khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon.

    Telsa sẽ là hình mẫu mới về khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày