Tại 17 quốc gia này, người ốm thường ăn gì để nhanh khỏi bệnh?

    zknight,  

    Một bát cháo nghi ngút khói có vẻ là hình ảnh phổ biến trong bữa ăn của người ốm theo truyền thống Á Đông.

    Người dân tại mỗi nước trên thế giới đều có những món ăn cổ truyền cho người ốm. Đó là món súp mỳ gà ở Mỹ, Borscht ở Nga hay canh Rourou ở một quốc đảo thuộc Châu Đại Dương. Ở các quốc gia Đông và Đông Nam Á, bạn có thể thấy món cháo phổ biến ở khắp nơi. Nhưng bản thân những món cháo cũng có nhiều biến thể.

    Mặc dù rất đa dạng, các món ăn dành cho người ốm tựu chung lại có hai đặc điểm: hoặc đó là một bữa ăn dễ dàng cho dạ dày, hoặc đó là một món ăn nóng sốt giúp người bệnh ra mồ hôi và đào thải độc tố. Một điểm chung nữa là dù được kết hợp thế nào đi chăng nữa, tất cả các món ăn này đều rất giàu dinh dưỡng.

    Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem ở 17 quốc gia này, người ốm sẽ thường ăn gì để nhanh khỏi bệnh:

    1. Philippine: Cháo

    Sinh ra và lớn lên tại Philippines, Julie Kircher nói trên Quora rằng bất kể khi nào bị ốm, cô sẽ ăn cháo. Cháo là một món ăn phổ thông của nhiều dân tộc tại Đông và Đông Nam Á. Nó được chế biến từ gạo nấu nhừ với nước. Người Phillippine thường ăn cháo gà. Thêm gừng vào món cháo sẽ giúp nó trở thành một công cụ hữu ích để đánh tan cơn viêm họng.

    2. Ấn Độ: Bánh gạo Idli

    Những chiếc bánh gạo Idli mềm như bông lan được làm từ cơm hấp chín với đậu lăng. Đó thực sự là một món ăn sáng giàu protein và chất xơ.

    Gayathri Vijayakumar, một người dùng Quora nói rằng cô thích ăn Idli với đường và sữa đông khi bị ốm. Đối với một số người khác, họ thích ăn Idli chay hoặc dùng với súp Rasam, một loại súp cổ truyền của Ấn Độ với thành phần chủ yếu là me và nhiều loại gia vị.

    3. Phần Lan: Việt quất đen

    Việt quất đen cùng chi việt quất, họ Thạch nam với việt quất xanh. Chúng chứa rất nhiều chất chống oxy hóa. Loài cây này rất phổ biến ở Phần Lan, từ lâu đã được gọi là siêu thực phẩm và đi vào truyền thống của Phần Lan với các loại đồ uống tốt cho sức khỏe, Kari Autero, một người bản địa cho biết.

    Việt quất đen có thể được ăn theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như trong món súp hoặc làm nước giải khát.

    4. Nhật Bản: Cháo Okayu

    Một bát cháo nghi ngút khói có vẻ là hình ảnh phổ biến trong bữa ăn của người ốm theo truyền thống Á Đông. Cháo Okayu của Nhật Bản rất phổ biến trong các bệnh viện. Nó được nấu từ gạo trắng nên thường có vị nhạt. Người ta đường ăn kèm cháo Okayu với Umeboshi, một món mơ muối và điều đó làm nên đặc trưng của món cháo Nhật Bản này.

    5. Hoa Kỳ: Súp mỳ gà

    Một bát súp mỳ gà nóng thường được làm với rau, thịt gà và mỳ trứng. Nước dùng nóng sốt của món ăn này rất tốt cho chứng viêm và ngạt mũi. Điều này khiến súp mỳ gà trở thành một món ăn tuyệt vời cho người Mỹ trong những ngày ốm.

    6. Ý: Mỳ Pastina

    Khi bị ốm, người Ý thường lựa chọn một món ăn nhạt. Đối với Alessandra Cri, một người dùng Quora, mỳ Pastina là thứ mà bà nội sẽ làm cho cô mỗi khi bị ốm. Mỳ Pastina gồm mỳ ống nhỏ với nhiều hình dạng khác nhau bên trong một bát nước dùng. Thông thường, nó sẽ bao gồm dầu ô liu, pho mát Parmesan và thịt gà xé nhỏ.

    7. Quốc đảo Fiji, Châu Đại Dương: Canh Rourou

    Đối với một người bản địa ở Fiji, Sierra Tame trên Quora cho biết họ coi rau xanh là một nguồn chất dinh dưỡng tuyệt vời khi bị ốm. Fiji có một món canh truyền thống có tên Rourou, chế biến từ lá khoai sọ bản địa cùng sữa dừa. Món ăn này cực giàu chất xơ mà nấu cũng rất đơn giản.

    Mặc dù nguyên bản của món Rourou được ưa chuộng hơn, một số người sẽ thêm vào đó một loại quả mọng như cam quýt hoặc cả rau chân vịt để bổ sung thêm nhiều dinh dưỡng.

    8. Singapore: Cháo cá đặc

    Cháo trắng thêm vào đó là một miếng cá ướp với nước tương và ớt. Không quên thêm gừng, bạn sẽ có một mùi thơm truyền thống và món cháo còn giúp đánh bật cơn đau họng. Theo Beatrice Tan, một người Singapore sẽ có thể mua cháo cá ở bất cứ một cửa hàng địa phương nào.

    9. Pakistan: Khichdi

    Đây là một món cháo được làm từ gạo trắng kết hợp với đậu lăng. Người Pakistan rất ưu chuộng Khichdi khi bị ốm.

    Nếu muốn thêm hương vị cho món Khickdi, họ sẽ thêm vào đó bơ làm từ sữa trâu. Các loại rau củ ăn kèm gồm súp lơ, khoai tây hoặc đậu xanh cũng sẽ tăng cường dinh dưỡng, giúp người bệnh mau hồi phục.

    10. Na Uy: Súp súp lơ

    Đã trở thành truyền thống ở Na Uy, súp súp lơ thường có mặt trong những bữa ăn dành cho người ốm, Petter Brenna Rian cho biết trên Quora. Theo Rian, súp lơ “không những dễ nấu và ngon, nó còn dễ ăn ngay cả với những đứa trẻ đang yếu”. Súp lơ cũng rất tốt cho sức khỏe đường tiêu hóa, vì nó giàu chất xơ và beta-carotene.

    11. Nga: Súp củ cải Borscht

    Đó là một món súp màu đỏ thẫm phổ biến cho người ốm ở các nước Đông Âu. Nguyên liệu chủ yếu của nó là củ cải đường, súp Borscht có vị chua nhưng là một nguồn dinh dưỡng tuyệt vời. Mặc dù có nhiều biến thể, nhiều phiên bản súp Borscht sẽ có thêm bắp cải, hành tây và tỏi. Những sự kết hợp này làm nên một món ăn giàu vitamin C và chất chống oxy hóa.

    12. Hungary: Mật ong tỏi

    Một sự kết hợp rất đơn giản giữa mật ong và tỏi sống là những gì mà người Hungary sử dụng để chống lại bệnh tật. Tỏi được đập nát nhuyễn rồi trộn với mật ong. Món này có thể được ăn vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày.

    13. Trung Quốc: Mỳ trứng

    Priscilla Li, một người dùng Quora nhớ lại những ngày cô học nội trú ở Bắc Kinh. “Bất cứ khi nào một đứa trẻ bị ốm, nhưng không quá nặng để được gửi về nhà, chúng sẽ được người đầu bếp trìu mến nấu cho một bát mỳ lớn với trứng”, cô viết. Những sợi mỳ nếu được nấu đủ nhừ sẽ rất dễ nuốt.

    14. Nam Phi: Bánh mỳ nướng cháy và men gia vị

    Một lát bánh mỳ cháy và phết mỏng men gia vị sẽ giúp bạn giảm bớt cơn đau bụng do ăn phải thực phẩm kém chất lượng. Hương vị cay nồng của men gia vị cũng là minh chứng cho việc nó chứa đủ các vitamin B và axit folic. Tương tự như việc ăn than hoạt tính, bánh mỳ cháy cũng là một phương thuốc dân gian để ức chế phản ứng nôn.

    15. Mexico: Súp Albondigas

    Đây là một món súp chứa thịt viên, nhiều gia vị trong đó mùi tỏi rất nổi bật. Ngoài ra, hương vị của nó còn đến từ bạc hà xắt nhỏ và các loại rau thơm khác được thêm vào nước dùng.

    16. Hàn Quốc: Samgyetang

    Samyetang thực chất là một phiên bản súp gà kiểu Hàn Quốc. Nó được nấu với thịt gà, kèm với gạo nếp, nhân sâm, tỏi và táo. Người Hàn Quốc thường ăn món súp nóng này vào những ngày bị ốm. Nhờ vậy, họ có thể cảm thấy tràn đầy sinh lực trở lại và có sức chịu đựng tốt hơn.

    17. Tunisia: Súp cay

    Một bát súp cay nóng là phương thuốc cứu cánh cho cơn cảm lạnh ở Tunisia. Nó có thể được làm với nguyên liệu từ lúa mạch, mỳ và đậu lăng. Để có thêm nhiều giá trị dinh dưỡng, rau tươi và sốt cà chua cũng được thêm và ăn kèm với món súp.

    Tham khảo Thisisinsider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ