Tại sao Apple lại đột ngột mở hàng loạt phần mềm của mình cho các nhà phát triển ngoài?

    Ngocmiz,  

    Hơn lúc nào hết, Apple đang nhận thấy rõ ràng là hãng không thể ôm trọn hết mọi thứ mà không có cộng tác với bên ngoài. Đây chính là khi gã khổng lồ công nghệ vốn luôn bị chỉ trích vì đóng chặt hệ sinh thái của mình bắt đầu phải nới lỏng bức tường thành.

    Tại hội nghị WWDC đầu tuần này, Apple đã giới thiệu rất nhiều thay đổi trên cả 4 nền tảng iOS, MacOS (trước đây là OS X), watchOS và tvOS của mình. Các màn thuyết trình thực sự khiến fan Apple liên tục phải mắt chữ O mồm chữ A về những gì các thiết bị của họ sẽ làm được. Thế nhưng năm nay, điểm đáng chú ý ở Apple chính là hãng đang ‘cởi mở’ hệ sinh thái của mình hơn cho các nhà phát triển bên ngoài.

    Bắt đầu từ mùa thu này, (cuối cùng thì) iMessage, Maps và Siri đều sẽ cung cấp SDK (Software development kit) cho các lập trình viên xây dựng tính năng mới cho các dịch vụ này. Chuỗi thông báo này được tung ra chỉ chưa đầy 1 năm sau khi Apple thêm Apple TV vào App store và cung cấp SDK cho các nhà phát triển xây dựng các ứng dụng tvOS như cho iPhone, iPad hay Macbook.

    Thông báo về SDK cho Siri cũng gây chú ý như thông báo về việc mở nền tảng Apple TV cho các lập trình viên bên thứ ba. Thực chất Siri nay đã tròn 5 tuổi và Apple TV thì đã được ra mắt từ cả thập kỷ trước. Việc Apple đóng kín những dịch vụ này một thời gian quá dài như vậy thực sự khiến nhiều người phải đặt câu hỏi, nhất là khi hãng đã mở App store cho các nhà phát triển chỉ 1 năm sau khi ra mắt iPhone năm 2008. iPhone sau đó đã giúp Apple thu về nhiều tỷ USD nhờ kho ứng dụng màu mỡ của mình.

    Vậy thì tại sao Apple phải chờ tới tận bây giờ mới mở cửa các ứng dụng kia? Mở cửa Siri có lẽ là thứ đã được bàn tính đến từ rất lâu, nhưng có lẽ kẻ đi đầu không phải Apple mà chính là Amazon với Alexa. Trợ lý giọng nói ‘sống’ trong chiếc loa thông minh Echo này đã gây được cú bất ngờ lớn trong cộng đồng người dùng.

    Khi Echo mới được cho ra mắt, Alexa chỉ thể hiện mình như một phiên bản ‘bóc trần’ của Siri: trợ lý ảo mang giọng nữ với khả năng phản hồi cũng như chức năng thua kém Siri khá nhiều. Thế nhưng kể từ sau khi Amazon cho phép các nhà phát triển bên thứ ba cùng tham gia vào, dù mới chỉ từ đầu tháng này, Alexa đã nhanh chóng có thêm khoảng 1000 ứng dụng hỗ trợ.

    Thành công bất ngờ của Echo có vẻ như đã khiến những công ty như Google hay Sonos không thể ngồi yên mà cũng phải chạy đua với các thiết bị trợ lý ảo của riêng mình. Apple cũng được đồn thổi là đang ngấm ngầm thiết kế một thiết bị trợ lý ảo tương tự như Echo. Tuy nhiên, trước khi điều đó xảy ra, Siri cần phải trở nên thông minh hơn với khả năng kết nối được tới nhiều dịch vụ hơn, học được nhiều kỹ năng hơn và ngày càng hữu ích hơn.

    Và dù cho Apple có thể nâng cấp công nghệ nhận diện giọng nói hay hay giao tiếp cho Siri thì những khả năng mới cho trợ lý ảo chắc chắn nên đến từ các nhà phát triển bên ngoài, cũng như việc Apple không thể tự mình tạo ra hàng triệu ứng dụng trên App store của iOS như hiện nay mà không có sự tương trợ của cộng đồng lập trình viên toàn thế giới.

    Mở cửa nền tảng Siri và Apple TV có vẻ như đã là tin cực đáng mừng cho các nhà phát triển bên ngoài nhưng WWDC lần này Apple thậm chí còn mở thêm 2 con bài tuyệt vời khác là iMessage và Maps, biến chúng thành những nền tảng giao tiếp thu nhỏ như Facebook Messenger hay Slack. Apple có vẻ như đang dần nhận ra việc hãng chậm chạp update các emoji hay bàn phím do các bên khác phát triển trên iOS 8 sẽ không thể kéo dài được lâu nữa.

    Tương tự như vậy, có rất nhiều thứ một công ty nhiều sản phẩm dịch vụ như Apple có thể làm để nâng cấp ứng dụng bản đồ của mình, đặc biệt là sau màn ra mắt khá ‘thảm hại’ năm 2012. Đến nay, dịch vụ này đã được nâng cấp đáng kể và hoạt động ổn, nhưng để đưa Maps lên một tầm cao mới về hiệu năng, Apple cũng cần cho phép nó kết nối với các loại dữ liệu và dịch vụ khác.

    Cũng phải nhắc lại việc mở cửa hai nền tảng Maps và iMessage thực sự là một bước ngoặt quan trọng của Apple. Đây có thể là một sự trùng hợp, nhưng cũng có thể là bước khởi đầu của một làn sóng thay đổi lớn trong chính Apple: Để thực sự bắt kịp được với cuộc đua giữa các nền tảng, các nền tảng của Apple phải trở thành những chiếc móc câu giúp hãng bán được các sản phẩm phần cứng và thu về lợi nhuận khổng lồ, và để làm được vậy thì không còn cách nào khác, công ty buộc phải mở cửa để chúng trở nên đa dạng hơn.

    Trong tương lai App store có vẻ như sẽ không trở thành một bãi chiến trường tràn ngập malware như những gì người dùng Android nhiều lúc phải gánh chịu, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ còn được chứng kiến nhiều cú mở khác nữa nữa từ Apple trong nỗ lực biến những phần mềm, dịch vụ hàng khủng của mình thành những thứ được xây dựng bởi số đông chứ không phải những miền đất độc đoán của riêng mình nữa.

    Tham khảo Fast Company

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ