Tại sao CEO Startup 3 tỷ USD này công khai lương lậu của mình cho mọi người trong công ty?

    Nguyễn Hải,  

    Ông tin rằng việc công khai, minh bạch thu nhập của mình sẽ giúp loại bỏ sự thiên vị vô lý về thu nhập giữa các nhân viên trong mỗi tổ chức.

    Trong những ngày đầu tiên của Jet – startup về thương mại điện tử đã được Wal-Mart mua lại vào năm 2016 với mức giá 3 tỷ USD – mọi người đều biết mức lương của nhau.

    Điều này cũng có nghĩa là cả mức lương của vị CEO, ông Marc Lore, người giờ là chủ tịch và là CEO cho bộ phận Wal-Mart eCommerce ở Mỹ.

    Trong một chương trình phỏng vấn với trang Business Insider, ông Lore giải thích với tổng biên tập Alyson Shontell nguyên nhân cho quyết định công bố dữ liệu trả lương này, nó phản ánh một trong những giá trị cốt lõi của công ty: tính minh bạch.

    Tôi nghĩ rằng đó là điều thực sự quan trọng khi không còn sự thiên vị vô lý nào diễn ra nữa, rằng mọi người ở cùng cấp độ với nhau sẽ nhận được cùng mức tiền lương.” Lore nói với Shontell, đặc biệt nhấn mạnh đến khoảng cách giới về tiền lương. Hơn nữa, ông Lore cho rằng việc minh bạch hóa trong trả lương sẽ loại bỏ một cách hiệu quả việc đàm phán lương trong quá trình tuyển dụng.

    Khi chúng tôi tuyền dụng ai đó từ bên ngoài, về cơ bản chúng tôi sẽ ước tính năng lực của người đó và mọi người sẽ phỏng vấn họ và nói: “Phải, trưởng phòng.”

    Và sau đó chúng tôi quay lại và nói, “OK, mọi người nghĩ rằng anh phù hợp với vị trí trưởng phòng, hãy vào Linkedin, kiểm tra các trưởng phòng khác, chúng tôi thực sự cảm thấy bạn sẽ suy nghĩ giống như mình là trưởng phòng. Đây là những gì bạn cần làm.” Và sau đó mọi người thường nói, như “Tôi thực sự cảm kích việc không phải thương lượng, khi biết rằng nó là hoàn toàn công bằng.”

    Trong cuộc phỏng vấn trước với Shontell, Lore giải thích về 10 mức lương và các danh hiệu ở công ty, những yếu tố sẽ xác định mức lương và quyền chọn mua cổ phiếu. Mọi nhân viên đều được chỉ định ở một mức độ nào đó dựa trên kinh nghiệm làm việc. Ông Lore cũng nói thêm với Shontell rằng, cách duy nhất để có thu nhập tốt hơn là được thăng chức lên cấp độ cao hơn.

    Minh bạch thu nhập có thể không phải cách đúng cho mọi công ty

    Jet không phải là công ty duy nhất công khai thông tin thu nhập của mọi người.

    Từ năm 1986, Whole Foods đã cho phép nhân viên của mình được xem bảng lương của người khác. Gần đây hơn, công ty truyền thông xã hội Buffer và startup về phân tích SumAll cũng đi theo ý tưởng này. Trong trường hợp của Buffer, bạn thậm chí còn không cần phải làm việc tại công ty mới có thể xem được mức thu nhập của từng cá nhân trong đó – bảng lương của mọi người được đăng tải công khai trên blog của Buffer.

    Hãng dịch vụ web GoDaddy thì chọn giải pháp hài hòa hơn để cân bằng giữa việc minh bạch và giữ bí mật mức thu nhập của mọi người: họ cho phép các nhân viên được xem khoảng mức lương cho mức độ của họ.

    Vẫn chưa rõ liệu việc minh bạch hoàn toàn mức lương có phải là bước đi đúng cho mọi tổ chức hay không.

    Trước đây, Business Insider từng phỏng vấn Elena Belogolovsky, trợ lý giáo sư về nghiên cứu nguồn nhân lực tại Đại học Cornell, người cho rằng bạn không nhất thiết phải công bố mức lương cho mọi nhân viên, nhưng bạn cần phải cung cấp cho mọi người thông tin cụ thể về việc làm thế nào để họ có thể kiếm được nhiều hơn nữa.

    Quy mô công ty cũng đóng vai trò trong việc tiết lộ thông tin lương. Trong buổi phỏng vấn của mình, ông Lore cũng cho rằng tại Wal-Mart – một công ty với hơn một triệu nhân viên – minh bạch thu nhập là chuyện không thể.

    Tham khảo Business Insider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày