Tại sao cuối ngày làm việc bạn thường rất uể oải, đặc biệt là vào chiều thứ sáu?

    zknight,  

    Bạn không lướt Facebook vô tội vạ vào buổi sáng, nhưng nhiều khả năng sẽ làm điều đó vào cuối buổi chiều.

    Để tôi mô tả lại một ngày làm việc của bạn xem có đúng không nhé? Bạn đến văn phòng, bắt tay vào việc một cách đầy hứng khởi. Bạn nghĩ hôm nay mình có thể giải quyết hết công việc thậm chí cân cả thế giới.

    Thế nhưng, điều gì diễn ra vài tiếng sau?

    Mức năng lượng của bạn sụt giảm trước giờ ăn trưa. Bạn hi vọng mình sẽ vực dậy sau một giấc ngủ ngắn. Nhưng cuối cùng cũng chỉ được một thời gian. Hai tiếng đồng hồ trước giờ tan sở là lúc bạn chẳng còn làm được gì thêm nữa.

    Cho dù vẫn nhìn vào máy tính, não bộ bạn chỉ giả vờ đang làm việc, bạn lướt facebook, đọc báo và có thể bởi vậy mà bạn vô tình đọc được bài viết này. Câu hỏi là tại sao? Điều gì khiến 2 tiếng bắt đầu ngày làm việc và 2 tiếng cuối cùng khác nhau đến vậy, nhất là vào ngày thứ Sáu?

    Tại sao cuối ngày làm việc bạn thường rất uể oải, đặc biệt là vào chiều thứ sáu? - Ảnh 1.

    Tại sao cuối ngày làm việc bạn thường rất uể oải, đặc biệt là vào chiều thứ sáu

    Hai cơ chế của hệ thống động lực làm việc

    Tiến sĩ Art Markman, tác giả cuốn sách "Smart Change" viết về các cơ chế tâm lý học phía sau những thói quen của con người cho biết: Hệ thống động lực bên trong mỗi chúng ta được thiết lập thông qua 2 cơ chế.

    Cơ chế "Go", khuyến khích bạn hành động và đạt được mục tiêu đề ra. Cơ chế "Stop" ngăn trở bạn thực hiện những hành động không nằm trong kế hoạch ban đầu của bạn.

    Càng về cuối ngày, hệ thống động lực của bạn càng yếu dần đi, ở cả 2 cơ chế.

    Bởi trong ngày, hệ thống Go đã thúc đẩy bạn hoàn thành được một số nhiệm vụ, nó sẽ không còn tạo ra nhiều năng lượng giúp bạn tập trung vào nhiệm vụ tiếp theo nữa.

    Bên cạnh đó, hệ thống Stop cũng mệt mỏi, sau cả ngày nó đã ngăn trở bạn tiếp cận với các công việc khác ngoài kế hoạch.

    Bạn không lướt Facebook vô tội vạ vào buổi sáng, nhưng nhiều khả năng sẽ làm điều đó vào cuối buổi chiều. Đó là bởi hệ thống Stop đã yếu tới mức không còn ngăn cản được những cám dỗ xung quanh bạn.

    Vậy chúng ta có thể làm gì?

    Hiểu được các cơ chế đằng sau động lực làm việc có thể giúp bạn cải thiện được hiệu suất của mình vào cuối ngày. Lời khuyên là hãy sắp xếp các nhiệm vụ một cách hợp lý.

    Đầu tiên, bạn hãy chia các công việc của mình ra thành 2 loại:

    Loại thứ nhất yêu cần bạn phải sử dụng nguồn động lực từ bên trong chính mình để hoàn thành, chẳng hạn như làm báo cáo, nghiên cứu doanh số bán hàng, đọc các thông số kỹ thuật của sản phẩm mới…

    Loại thứ hai là những công việc có thể tiếp thêm động lực cho bạn từ bên ngoài, chẳng hạn như trao đổi với đồng nghiệp, gặp khách hàng, tham quan cơ sở làm việc mới, kiểm tra hòm mail, giao việc cho cấp dưới…

    Tại sao cuối ngày làm việc bạn thường rất uể oải, đặc biệt là vào chiều thứ sáu? - Ảnh 2.

    Kết quả từ sự thay đổi nhỏ này sẽ khiến bạn phải bất ngờ

    Mẹo duy nhất ở đây là đặt các công việc thuộc loại thứ nhất, yêu cầu động lực từ chính bạn lên buổi sáng, đẩy các công việc mà bạn mong chờ sẽ được tiếp thêm động lực làm việc xuống cuối ngày.

    Ví dụ, tiến sĩ Markman thường lên lịch viết bài vào đầu ngày, tổ chức các cuộc họp với đồng nghiệp và sinh viên vào buổi chiều. Với khoảng thời gian tồi tệ nhất trong tuần, đối với ông cũng là cuối buổi chiều ngày thứ Sáu, tiến sĩ Markman thường xếp vào đó những công việc khiến ông thích thú nhất, chẳng hạn như họp nhóm phòng thí nghiệm, hoặc brainstorm những ý tưởng thú vị.

    Vì vậy, hãy thử thiết lập ngày làm việc của bạn theo cách của tiến sĩ Markman, để xem động lực làm việc của bạn có được duy trì trong suốt cả ngày hay không. Nhiều khả năng, kết quả từ sự thay đổi nhỏ này sẽ khiến bạn phải bất ngờ.

    Tham khảo Fastcompany

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ