Tại sao "eSport Việt Nam chẳng thể phát triển"?

    PV, DuyTung 

    eSport (thể thao điện tử) đã và đang phát triển rất mạnh trên thế giới, tuy nhiên điều trái ngược hoàn toàn lại hiện hữu tại Việt Nam.

    Trong những quốc gia có nền eSport phát triển có thể kể đến Hàn Quốc (luôn ngự trị ở ngôi vị số 1 trong việc phát triển lĩnh vực này), tiếp theo đó chính là Trung Quốc và Mỹ. Tại những quốc gia kể trên, một số nhà đầu tư đã nhìn ra được những mặt tích cực có thể khai thác ở eSport để quảng bá thương hiệu nên họ không hề tiếc tiền đầu tư.
     
    Thị trường eSport vô cùng lớn và mầu mỡ.
     
    Tiêu biểu phải kể đến hãng SamSung – nhà tài trợ lớn nhất của giải đấu vô địch thể thao điện tử quy mô toàn thế giới (World Cyber Games). Số tiền mà SamSung đã bỏ ra để tổ chức giải đấu này là vô cùng lớn.
     
    Trong lúc nền eSport đang phát triển một cách mạnh mẽ trên khắp thế giới thì ở Việt Nam, một thực tại đáng buồn là thể thao điện tử không hề được quan tâm một cách đúng mực nhất. Chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu những lý do khiến cho eSport khó mà có thể phát triển ở Việt Nam:
     
    SamSung là nhà tài trợ eSport lớn nhất trên thế giới.
     
    1. Nhà tài trợ
     
    Đây chính là một vấn đề đầu tiên và lớn nhất cần phải nhắc tới. Đa phần các team, clan hay những game thủ không hề có khả năng kiếm đủ tiền chi tiêu cho cuộc sống nhờ thi đấu nên họ cần phải có những khoản tài trợ để có thể tập luyện và đánh giải. Tuy nhiên hiện nay điều này ở Việt Nam là cực kì hạn chế.
     
    Hầu hết các game thủ hay đội game ở đây đều phải tồn tại bằng chính tiền của các thành viên. Game thủ phải tự bỏ tiền ra để mua các thiết bị cần thiết, việc ăn ở của họ cũng không được ai quan tâm tới.
     
    Các progamer ở Hàn Quốc chỉ có việc ăn ngủ và chơi game.
     
    Nếu như ở Hàn Quốc, các progamer (ám chỉ người chơi eSport đỉnh cao) được chu cấp toàn bộ từ ăn ở, trang thiết bị, nhà ở, huấn luyện viên,... đồng thời họ còn được trả một khoản tiền không hề nhỏ (có thể coi là lương). Lương của một game thủ cao cấp ở đây có thể nuôi sống cả 1 gia đình 4 người (chi phí tại Hàn Quốc không hề rẻ) thì ở Việt Nam cực kỳ hiếm có một ai chơi eSport mà kiếm sống nhờ game được.
     
    StarsBoba rất nhiều lần lỡ hẹn với các giải đấu vì thiếu nhà tài trợ.
     
    StarsBoba (team DotA số một Việt Nam đồng thời được đánh giá rất cao trên đấu trường thế giới) cũng là một nạn nhân của vấn đề này. Họ đã phải ngậm ngùi khi không được thi đấu ở nhiều giải đánh LAN trên thế giới cũng chỉ vì vấn đề không có nhà tài trợ. Và đây cũng là lý do khiến cho StarsBoba dù thi đấu rất cố gắng nhưng cũng không thể lọt vào top những đội game mạnh nhất thế giới trên bảng xếp hạng tổng.
     
    2. Cực hiếm các giải đấu lớn
     
    Lý do này cũng xoay quanh việc không tìm được nhà tài trợ cho giải đấu, nhìn lại quá khứ những năm 2005, 2006 tại các kỳ World Cyber Games thì Việt Nam chúng ta có tới ít nhất hơn 3 suất đi thi đấu tại vòng chung kết thế giới (2 trong số đó là của StarCraft). Tuy nhiên hiện tại thì sao, WCG 2010 vừa qua được đánh giá là một trong những kỳ đại hội eSport tệ nhất trong lịch sử.
     
    WCG 2010 là một kỳ đại hội tệ nhất trong lịch sử?
     
    Khó có thể coi đó là giải vô địch thể thao điện tử được, bởi lẽ ngoài việc chỉ có 1 suất đi thi đấu vòng chung kết thế giới dành cho FIFA 10 thì sự có mặt của những tựa game như Sushido khiến cho cộng đồng cảm thấy rằng đây là ngày hội quảng bá cho những tựa game của nhà tài trợ hơn là cái tên của "World Cyber Games".
     
    Sushido cũng là eSport???
     
    Cộng đồng game StarCraft ở Việt Nam hiện nay có thể nói là “sống mà như đã chết” suốt 1 năm trời họa chăng thì chỉ có 1 hay cùng lắm là 2 giải thi đấu LAN. Các game thủ hoàn toàn không hề có cơ hội thi đấu cọ sát, những lão làng như ThuocLao, Moltres, NextTime cũng không còn thiết tha nhiều với eSport nữa mà đỉnh điểm là khi ThuocLao tuyên bố giải nghệ.
     
    ThuocLao - Tượng đài của StarCraft Việt Nam cũng đã giải nghệ.
     
    Không những vậy, những người trẻ tuổi (vốn hiếu thắng) cũng không có được những sân chơi cho mình, cùng lúc đó là những cám dỗ đến từ game online (ngày càng phát triển mạnh mẽ) khiến cho lớp kế cận eSport hầu như không còn.
     
    3. Đời sống của game thủ
     
    Nếu như một người chơi game ở Hàn Quốc có thu nhập đủ để nuôi sống bản thân và gia đình thì ở Việt Nam không hề có điều đó. Chính vì điều này khiến cho các game thủ ở đây chơi game vì niềm đam mê chứ không xác định nó là con đường chính mà mình phải đi.
     
    Chơi game ở Việt Nam chỉ là để giải trí khi có thời gian rảnh.
     
    Game luôn được đặt sau việc học hành, sự nghiệp và gia đình. Người ta chỉ chơi game khi có thời gian rảnh hay trong một vài sự kiện nổi bật. Đây cũng chính là một trong những lý do quan trọng khiến cho "eSport chẳng thể phát triển ở Việt Nam".

    NỔI BẬT TRANG CHỦ