Tại sao "gã nhà giàu mới nổi" LeEco lại muốn thâu tóm hãng TV lớn thứ 2 nước Mỹ?

    Ngocmiz,  

    LeEco đang có tham vọng gì với Vizio qua thương vụ sáp nhập 2 tỷ USD vừa qua?

    Công ty công nghệ LeEco của Trung Quốc mới đây đã gây nổi sóng tại Mỹ khi thông báo mua lại Vizio, hãng sản xuất TV lớn nhất nước này với giá 2 tỷ USD. Có thể bạn chưa nghe nhiều về LeEco nhưng thực tế đây là hãng công nghệ tăng trưởng nhanh chóng mặt trên thị trường Trung Quốc, bắt đầu từ một site stream video trực tuyến cho đến dẫn đầu công nghệ xe tự lái hiện nay.

     CEO LeEco Jia Yueting (trái) cùng CEO Vizio William Wang

    CEO LeEco Jia Yueting (trái) cùng CEO Vizio William Wang

    Tuy hiện đang được đánh giá khá cao nhưng LeEco cũng có một khởi đầu khiêm tốn như ai. Được Jia Yueting và Hank Liu thành lập từ 2004 như một site cung cấp video trực tuyến tương tự Netflix, LeEco lên sàn năm 2010 dưới tên Leshi Internet Information & Technology Corp. Tại thời điểm này, LeEco vẫn tập trung chủ yếu vào dịch vụ video, tuy chưa quá phổ biến ở Trung Quốc nhưng cũng chiếm một lượng lớn trong tổng số lượt stream video trong những năm đó. Tiếp đến, LeEco quyết định “chuyển ngoắt” sang lĩnh vực sản xuất smartphone, ký được các hợp đông với những đạo diễn như Trương Nghệ Mưu để sản xuất phim các thiết bị hãng cung cấp. Đây chính là lúc LeTV trở thành cái tên gây tranh cãi khi CEO Jia Yueting so sánh Apple với Hitler.

    Bất chấp những phát ngôn gây sốc, LeEco vẫn tiếp tục đưa ra các kế hoạch phát triển cả phần cứng lẫn phần mềm với mục đích khiến người dùng mua và sử dụng đồng bộ cả hai. Đồng sáng lập kiêm phó chủ tịch Liu cho biết để đạt được điều này, LeEco sẽ xây dựng hệ sinh thái bao gồm cả các phương tiện chạy điện, smartphone, TV, nội dung số, nền tảng đám mây, tài chính online,…tất cả xoay quanh chiến lược tạo nên một “hệ sinh thái hoàn thiện với các công nghệ đột phá và chiến lược giá “hủy diệt”.”

    Chính vì chiến lược tạo dựng hệ sinh thái này mà LeTV sau đó đã đổi tên thành LeEco (Eco trong “ecosystem” – hệ sinh thái). Giám đốc tài chính Winston Cheng cũng thông báo rằng chiến lược của LeEco không còn xoay quanh mình trang stream video online nữa nên công ty buộc phải đổi tên. Chính vì vậy mà vào tháng 1 năm nay, công ty quyết định thay đổi toàn bộ thương hiệu.

    Hướng tiếp cận tập trung vào hệ sinh thái này nghe khá giống với những công ty tương đương như Xiaomi, một hãng trọng tâm sản xuất smartphone nhưng lại bành trường sang các sản phẩm thông minh IoT từ xe đạp điện, nồi cơm cho đến ấm đun nước. Tuy nhiên, chiến lược của LeEco lại hoàn toàn khác. Công ty khởi đầu là một trang chia sẻ video giải trí và không hề quên gốc gác của mình khi vẫn đang đầu tư mạnh vào sản xuất và phân phối phim ảnh, chương trình thể thao, âm nhạc,… bản quyền như mọi công ty giải trí truyền thống khác nhưng lại đi kèm với các sản phẩm phần cứng giúp cung cấp nền tảng “tiêu thụ” các nội dung trên.

    Smartphone, thứ là LeEco gọi là “superphone” là hướng đi không mấy ngạc nhiên ở đây. Dòng điện thoại chủ lực mới ra mắt Le Max 2 được xếp vào nhóm thiết bị cao cấp với ngoại hình tương đồng iPhone với mức giá phải chăng hơn và đặc biệt là dám mạnh dạn bỏ đi jack tai nghe 3,5 mm để thay bằng cổng USB-C. Đây thực sự như một cú đấm trực diện vào Apple và Motorola. Chiếc điện thoại cũng đi kèm với một kính thực tế ảo tương thích. Năm ngoái, LeEco mới bán được khoảng 3 triệu smartphone nhưng tham vọng nâng con số này lên 15 triệu trong năm nay.

    Bên cạnh đó, mặc dù sản xuất TV không còn là một mảng kinh doanh hấp dẫn nhiều công ty hiện nay nhưng đối với LeEco thì đây lại là một phần quan trọng trong kế hoạch tương lai. Đã bắt tay vào sản xuất TV vài năm nay nhưng LeEco vẫn cho rằng hãng mới đang ở giai đoạn đầu của mảng kinh doanh này mà thôi. Cheng cho biết “Mảng TV của chúng tôi đã bán ra 3 triệu chiếc trong năm ngoái – quy mô tương đương với một nửa các hãng đi đầu thị trường Trung Quốc. Thành công này rất đáng kể với LeEco bởi chúng tôi chỉ bán hàng trên các kênh online.”

    Thương vụ mua lại Vizio cũng giúp LeEco trở thành một trong những tay chơi chính trên thị trường Mỹ. Cheng cho biết “Chúng tôi hoàn toàn có thể bỏ ra 2 tỷ USD đầu tư vào Mỹ nhưng lại nhận thấy có khá nhiều rủi ro. Trong khi đó, Vizio đã có 14 năm xây dựng thương hiệu với sản phẩm cũng như các kênh phân phối tuyệt vời. Từ góc nhìn này, chúng tôi nhận thấy việc sáp nhập với Vizio sẽ mang lại nhiều lợi ích giúp LeEco nhanh chóng đánh chiếm thị trường này.”

    Thương vụ sáp nhập không chỉ giúp LeEco thâu tóm các kênh bán lẻ của Vizio mà còn giúp hãng hợp nhất hệ sinh thái của mình vào các sản phẩm của Vizio, bao gồm cả video, show truyền hình, ứng dụng, dịch vụ điện toán đám mây,…

    Ngược lại, Vizio cũng có nhiều cơ hội tuyệt vời để bành trướng ra ngoài nước Mỹ. Giám đốc công nghệ Matt McRae của Vizio cho biết: “Một trong những thứ hấp dẫn chúng tôi nhất trong thương vụ với LeEco là nguồn lực toàn cầu, khả năng đánh chiếm trên diện rộng cũng như tham vọng thực hiện điều đó từ phía họ. Sản xuất nội dung, không phải chỉ là những gì trình chiếu trên TV mà còn cho tất cả các nền tảng thiết bị khác, là một phần quan trọng trong chiến lược tấn công thị trường trong tương lai. LeEco thực sự có một mạng lưới phân phối nội dung mạnh trên toàn cầu. Chính vì vậy mà nội dung cùng với một số đồng bộ về backend sẽ là quả ngọt ngay trước mắt.”

    Tầm nhìn của LeEco thú vị ở chỗ hãng sẽ đầu tư sản xuất một lượng lớn video, show truyền hình, ca nhạc,… rồi bán cho bạn điện thoại, TV để xem chúng. Đó là còn chưa kể đến nỗ lực đi tiên phong trong ngành công nghiệp ô tô với việc ra mắt mẫu xe tự lái với Faraday Future – startup về xe hơi được LeEco đầu tư và là đối tác cung cấp công nghệ cũng như nội dung chính. LeEco cũng hợp tác với Aston Martin để sản xuất mẫu xe điện RadpidE cũng như thông báo sẽ phát triển dòng xe điện của riêng mình. Vừa qua, hãng cũng mới cho ra mắt mẫu xe đạp điện chạy Android được trang bị tới 4GB RAM.

    Tuy được định giá lên đến 14 tỷ USD trên sàn chứng khoán Thâm Quyến nhưng vẫn còn khá nhiều nghi vấn xoay quanh tính khả thi của những kế hoạch LeEco đưa ra hay liệu công ty sẽ kiếm tiền từ các thiết bị phần cứng ra sao. Liu cho biết trong vòng 3 năm tới, mục tiêu hàng đầu của LeEco sẽ là phát triển 7 lĩnh vực trong hệ sinh thái và bành trướng ra toàn cầu, xa hơn nữa là nằm trong top 3 thương hiệu hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực mà công ty nhảy vào.

    Thế nhưng thậm chí ngay cả khi không tính đến mảng ô tô, lĩnh vực luôn đòi hỏi lượng vốn đầu tư khổng lồ thì các lĩnh vực như sản xuất TV hay smartphone đều là những mảng kinh doanh mang về lợi nhuận khá thấp. Vấn đề đặt ra ở đây là nếu vậy tại sao LeEco không tập trung vào sản xuất nội dung, phân phối chúng rộng khắp rồi để cho các nhà sản xuất thiết bị khác lo mảng phần cứng? Thêm vào đó, việc CEO Jia Yueting hiện cũng đang đầu tư cho công ty bằng cách thế chấp chính số cổ phần của mình để vay vốn cũng khiến kế hoạch càng nghe có phần mạo hiểm hơn. Liệu đây có phải một chiến lược “phát xít” chống lại Apple?

    Kết

    Có thể nói LeEco đang có những chiến lược lạ lùng và tham vọng hiếm thấy. Dù chúng ta chưa thế nói trước được điều gì về việc liệu LeEco có thể giúp Vizio bước sang một chương mới lẫy lừng hay không, nhưng viễn cảnh tuyệt vời nhất có thể xảy ra chính là khi bạn ngồi nhâm nhi những thước phim võ thuật đỉnh cao qua màn hình Vizio trên chiếc xe tự lái LeEco đang lao vút trên con đường dài.

    Tham khảo The Verge

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ