Tại sao giáo viên viết bảng nhưng vẫn phát hiện học sinh nghịch ngợm sau lưng mình?

    zknight,  

    Mắt chỉ có thị trường 180 độ, nhưng não bộ có khả năng xử lý 360 độ.

    Khoa học bây giờ đã có thể giải thích tại sao giáo viên của bạn quay lưng lại viết bảng mà vẫn có thể phát hiện học sinh đang nghịch ngợm hoặc quay cóp. Hóa ra, câu nói “tôi có mắt ở sau gáy” không chỉ là dọa dẫm vô căn cứ.

    Lần đầu tiên, một nghiên cứu chỉ ra bằng chứng cho thấy hệ thống thị giác của chúng ta có thể lấp đầy tầm nhìn 360 độ. Mặc dù thị trường của mắt chỉ là 180 độ phía trước, một số cơ chế ghép ảnh thực hiện bởi não vẫn cho phép chúng ta hình dung phía sau mình là gì.

    Điều này cho ta hình dung đến giả thuyết “trường nhìn cộng hưởng” của khoa học gia Rupert Sheldrake, giải thích tại sao chúng ta nhận biết được các mối nguy hiểm phía sau, hoặc có cảm giác một người đang theo dõi và nhìn chằm chằm vào mình.

    Tại sao giáo viên viết bảng nhưng vẫn phát hiện học sinh nghịch ngợm sau lưng mình? - Ảnh 1.

    Tại sao giáo viên viết bảng nhưng vẫn phát hiện học sinh nghịch ngợm sau lưng mình?

    Nghiên cứu được tiến hành bởi giáo sư Satoshi Shioiri đến từ Đại học Tohoku, Nhật Bản. Trong đó, ông thiết kế ra một mô hình thí nghiệm gồm 6 màn hình được đặt ghép nhau thành vòng tròn 360 độ. Lần lượt, 29 tình nguyện viên là các sinh viên tham gia thí nghiệm được yêu cầu đứng vào giữa.

    Màn hình sẽ chiếu một loạt các ký tự nhấp nháy dạng chữ L, giữa đó có một ký tự hình chữ T lẫn vào ở vị trí ngẫu nhiên. Sinh viên được yêu cầu tìm ra chữ T đó ở đâu.

    Một loạt các sơ đồ chữ cái khác nhau đã được chiếu xung quanh 6 màn hình, một nửa được lặp lại, còn một nửa thì không. Các nhà khoa học ghi nhận các sơ đồ chữ cái lặp lại giúp tình nguyện viên nhanh chóng tìm ra chữ T hơn, mặc dù chính họ cũng không biết sự lặp lại đó.

    Điều ngạc nhiên nhất là bất kể chữ T có ở đằng trước hay phía sau lưng, các sinh viên cũng tìm ra chúng nhanh hơn. “Điều này chứng tỏ việc xử lý hình ảnh [trong não bộ] không bị giới hạn trong trường nhìn, mà mở rộng ra cả trường rộng hơn xung quanh người quan sát”, các tác giả nghiên cứu viết.

    Tại sao giáo viên viết bảng nhưng vẫn phát hiện học sinh nghịch ngợm sau lưng mình? - Ảnh 2.

    Mô hình thiết kế của thí nghiệm tại Đại học Tohoku

    Thông thường, tầm nhìn của cả 2 mắt của chúng ta chỉ dừng lại ở khoảng 180 độ, thậm chí vùng nhìn rõ của nó còn nhỏ hơn thế. Nếu bạn dang rộng hay tay ngang vai và đưa mắt nhìn thẳng về phía trước, bạn vẫn có thể nhìn thấy hai tay của mình một cách mờ nhạt.

    Đưa dần cánh tay về đằng sau nữa, chúng sẽ biến khỏi tầm nhìn của bạn nhưng não bộ vẫn định vị được những cánh tay đang ở đâu. Điều này có thể mở rộng ra với các đối tượng bên ngoài cơ thể.

    Chẳng hạn như một giáo viên vừa quay lưng lại để viết bảng. Hình ảnh dưới lớp học đã lọt ra ngoài tầm nhìn của cô. Nhưng quá trình xử lý hình ảnh mà cô thu lượm được từ những cái liếc nhanh trước đó vẫn được não bộ thực hiện. Bởi vậy, trong một khoảnh khắc nào đó, một giáo viên vẫn có thể phát hiện học sinh của mình nghịch ngợm phía bên dưới mà không cần quay lưng lại.

    Bộ não của chúng ta sẽ tái hiện được ‘tầm nhìn 360 độ về thế giới’, mặc cho chúng ta chỉ nhận thức rõ ràng về những gì chúng ta thấy trực tiếp phía trước mặt mình”, các nhà nghiên cứu cho biết.

    Tại sao giáo viên viết bảng nhưng vẫn phát hiện học sinh nghịch ngợm sau lưng mình? - Ảnh 3.

    Mắt chỉ có thị trường 180 độ, nhưng não bộ có khả năng xử lý 360 độ

    Năm 1981, khoa học gia Rupert Sheldrake từng đề cập đến một khái niệm gọi là “trường nhìn cộng hưởng” trong cuốn sách của mình. Ông cho rằng các hiện tượng như thần giao cách cảm, cảm giác bị theo dõi từ phía sau là có thật và chúng sẽ được giải thích bằng khoa học.

    Ý tưởng của Sheldrake khi đó là con người có thể chia sẻ các trường nhìn với nhau. Bởi vậy, một người có thể nhìn được từ phía sau hoặc nhìn thấy những gì thực ra là từ mắt của người khác, thậm chí từ cha mẹ hoặc tổ tiên của họ.

    Ông đã thực hiện một nghiên cứu để chứng minh điều này, nhưng đã bị đa số các nhà khoa học phản bác.

    Mặc dù vậy, Sheldrake vẫn ghi nhận được một kết quả có ý nghĩa, chỉ ra rằng 60% chúng ta có khả năng phát hiện một ai đó đang theo dõi mình từ phía sau. Điều đó gợi ý hiện tượng này là thực, và chúng ta cần đi tìm một lời giải đáp tốt hơn của Sheldrake cho hiện tượng đó.

    Bây giờ, có lẽ các nhà khoa học tại Đại học Tohoku đã tìm ra được đáp án. Chúng ta có thể không chia sẻ tầm nhìn của mình với ai khác. Nhưng cơ chế xử lý và ghép ảnh của não bộ vẫn cho phép con người có một tầm nhìn 360 độ.

    Đây là nghiên cứu đầu tiên và là một bước quan trọng để đào sâu thêm các chức năng kỳ diệu của não bộ, liên quan đến việc đồng bộ tầm nhìn và sự chuyển động của chúng ta trong không gian 3 chiều.

    Tham khảo Sciencealert, Mysteriousuniverse

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ