Tại sao người ngoài nhìn vào thấy chạy bộ là "hành xác", còn người chạy thì lại rất vui vẻ?

    Thanh Long,  

    Họ đang tận hưởng thứ gọi là "Niềm vui Loại II".

    Một quán cà phê đột nhiên đông đúc hơn thường ngày, bởi trong khu vực này, người ta vừa tổ chức xong một giải chạy. Hơn 5.000 người đã dậy từ 3h sáng để chạy hết cự ly marathon 42 km. 4.000 người khác xuất phát lúc 4h25 để chạy một nửa cự ly, 21 km, của mình.

    Hai nhóm vận động viên này hòa vào nhau tại cùng một vạch đích vào lúc 10 giờ trưa. Họ đeo huy chương vào cổ, tản ra đi tìm vài quán phở, để rồi cuối cùng gặp lại nhau ở quán cà phê duy nhất.

    Sự đổ bộ của những vận động viên chạy phong trào khiến không ít khách hàng khác phải khó chịu. Rõ ràng, đó không phải là một trải nghiệm thú vị cho buổi sáng cà phê cuối tuần của họ: Chia sẻ chung một không gian đầy mùi cơ thể, với những người vừa chạy bộ xong, mồ hôi đang chảy thành dòng và đọng thành vũng dưới đất.

    Tại sao người ngoài nhìn vào thấy chạy bộ là "hành xác", còn người chạy thì lại rất vui vẻ?- Ảnh 1.

    Ảnh minh họa.

    Hơn thế nữa, thứ mà những người chạy bộ mang đến quán cà phê này là một sự náo nhiệt quá mức – điều mà nhiều người ngồi cà phê chắc chắn sẽ không thích. Và thế là họ bắt đầu bình phẩm về chuyện chạy bộ:

    "Chạy như thế là hành xác chứ có gì vui?", "Đã đi chạy lại còn mất tiền", "Chạy ít thì khỏe, chứ chạy nhiều thì được cái gì lại còn ốm người?".

    Sự ghen tị được đẩy lên đỉnh điểm, khi trái ngược với vẻ khó chịu ra mặt của những khách hàng này, những vận động viên chạy bộ đã chẳng để ý đến họ thì thôi lại còn tỏ ra rất vui vẻ. Họ cười nói rôm rả, họ chụp ảnh cùng nhau và cùng chia sẻ tấm huy chương mới lên mạng xã hội.

    Những niềm vui khác nhau

    Các nhà tâm lý học gọi một buổi cà phê cuối tuần, nơi bạn có thể gặp gỡ bạn bè, tán gẫu hoặc "chill chill" ngắm phố ngắm phường là "Niềm vui Loại I".

    Đó là những hoạt động mà bạn sẽ vui khi chuẩn bị làm nó, vui trong quá trình lên kế hoạch cho nó và vui trong khoảnh khắc bạn thực hiện nó.

    Ví dụ, một chuyến du lịch sẽ là Niềm vui Loại I, đi ăn buffet cũng là Niềm vui Loại I, xem một bộ phim là Niềm vui Loại I… Tương tự thì ăn một cái kẹo, nhặt được tiền, được người khác khen… tất cả đều là Niềm vui loại I.

    Trong cuộc sống, hầu hết các hoạt động của con người đều nhắm đến loại niềm vui này, thứ có thể khiến bạn vui vẻ dễ dàng và vui vẻ ngay lập tức. Có điều, Niềm vui Loại I chóng đến thì cũng chóng đi. Kết thúc hoạt động của mình, nghĩa là khi bạn rời khỏi quán cà phê, bạn sẽ không còn thấy vui nữa.

    Bạn cũng sẽ chẳng tự hào để kể với ai đó rằng sáng ngày đó, tháng đó, năm đó, bạn đi cà phê với bạn bè. Vì đó không phải một thành tích cần nỗ lực hoặc cố gắng mới đạt được.

    Tại sao người ngoài nhìn vào thấy chạy bộ là "hành xác", còn người chạy thì lại rất vui vẻ?- Ảnh 2.

    Niểm vui Loại II là thứ phải rất vất vả mới đạt được, nhưng sau khi đạt được nó, bạn sẽ vui vẻ rất lâu.

    "Niểm vui Loại II", thứ mà các vận động viên chạy bộ đang theo đuổi thì khác. Nó được định nghĩa là một hoạt động sẽ đem đến cho bạn cảm giác háo hức khi chuẩn bị, nhưng trong khi làm nó thì lại rất vất vả.

    Bù lại khi kết thúc, toàn bộ sự khổ sở, khó chịu trong quá trình thực hiện hoạt động này sẽ được xóa sổ. Thứ còn lại cuối cùng là một niềm vui vỡ òa, không tan biến sau khoảnh khắc nhất thời mà vẫn còn tiếp tục âm ỉ cháy.

    Đó là lý do bạn sẽ thấy những người chạy marathon rất mong chờ đến cuộc đua của mình. Họ có thể dậy từ 3 giờ sáng, chạy trong thời tiết lạnh giá và dưới mưa. Trên đường chạy, hiếm khi bạn thấy họ nở nụ cười, trừ những đoạn chạy đến máy ảnh.

    Nhưng khi kết thúc cự ly và về đích, vận động viên nào cũng trở nên vui vẻ lạ thường. Đó là bởi Adrenaline, Endorphine và Dopamine - những hormone hạnh phúc đang nhấn chìm não bộ khiến họ cảm thấy phấn chấn, hạnh phúc và ngất ngây như đang yêu.

    Thuật ngữ chuyên môn gọi cảm giác đó là "Runner's high" hay "Cơn hưng cảm của người chạy bộ".

    Tại sao người ngoài nhìn vào thấy chạy bộ là "hành xác", còn người chạy thì lại rất vui vẻ?- Ảnh 3.

    Những hormone hạnh phúc đang nhấn chìm não bộ người chạy khiến họ cảm thấy phấn chấn, hạnh phúc và ngất ngây như đang yêu.

    "Niềm vui Loại II" sẽ đi theo bạn đến hết cuộc đời

    Có nhiều ví dụ về Niềm vui Loại II khác, chẳng hạn như một chuyến du lịch bụi xuyên Việt, một lần cắm trại trên núi, chinh phục đỉnh Fansipan bằng đường bộ…

    Điểm chung của Niềm vui Loại II là nó sẽ kéo dài rất lâu. Từ sau khi rời vạch đích, đến quán phở rồi vào quán cà phê ngồi, những người chạy marathon có thể vui vẻ cả ngày.

    Hơn nữa, họ đều cảm thấy vui mỗi khi nhớ lại cuộc đua của mình. Đó là một trải nghiệm mà họ sẵn sàng kể lại với bạn bè, người thân và chia sẻ đi chia sẻ lại chúng trên mạng xã hội.

    Niềm vui Loại II vì vậy là niềm vui sâu đậm, vui lâu, khắc sâu trong não bộ. Có những Niềm vui Loại II sẽ đi theo bạn đến hết cuộc đời.

    Tại sao người ngoài nhìn vào thấy chạy bộ là "hành xác", còn người chạy thì lại rất vui vẻ?- Ảnh 4.

    Ảnh minh họa.

    Mặc dù vậy, nói đi cũng phải nói lại, những người uống cà phê không phải không có cái lý của họ. Trong một số trường hợp, chạy marathon sẽ không đem lại Niềm vui Loại II, mà thay vào đó là "Niềm vui Loại III", một thứ mà chẳng ai muốn nhận.

    Được định nghĩa là một hoạt động nghe có vẻ thú vị và hào hứng khi lên kế hoạch, nhưng trong lúc thực hiện thì lại hết sức khó khăn, mệt nhọc và đem lại trải nghiệm tồi tệ, Niềm vui Loại III là thứ mà bạn sẽ không vui vẻ gì ngay cả khi đã hoàn thành nó và tất nhiên, không muốn kể lại nó cho người khác, hoặc chỉ kể lại với cảm giác không vui, khó chịu.

    Lấy ví dụ, những người chạy marathon không thể về đích, họ không tự lượng sức mình nên đã gục ngã trên đường chạy và phải gọi cứu hộ. Những người này sẽ không có mặt trong quán phở hay quán cà phê ở vạch đích để làm khó chịu những thực khách khác.

    Thay vào đó, họ sẽ phải tận hưởng Niềm vui Loại III của mình ở trạm y tế hoặc phòng cấp cứu.

    Niềm vui Loại III vì vậy là một trải nghiệm mà bạn sẽ không muốn lặp lại trong cuộc đời mình. Đó còn có thể là một chuyến đi cắm trại gặp gấu, một lần leo núi bị gãy chân, một lần đi bơi sông suýt chết đuối…

    Tại sao người ngoài nhìn vào thấy chạy bộ là "hành xác", còn người chạy thì lại rất vui vẻ?- Ảnh 5.

    Niềm vui Loại III là một trải nghiệm mà bạn sẽ không muốn lặp lại trong cuộc đời mình.

    Nói tóm lại, trong cuộc sống của chúng ta có nhiều loại niềm vui và nhiều hoạt động đem lại niềm vui khác nhau.

    Niềm vui Loại I là những gì mà chúng ta dễ dàng có được nhưng cũng sẽ chẳng mấy khi nhớ đến nó. Niềm vui Loại II thì khác, nó bắt bạn phải trải qua khó khăn để chinh phục, nhưng lại đem lại cảm giác tự hào và khiến bạn thấy vui mỗi khi nhớ lại.

    Vậy nên, tại quán cà phê ở vạch đích của cuộc thi chạy, có hai loại niềm vui khác nhau. Những người chạy bộ đang nhấm nháp Niềm vui Loại II của họ. Còn những người uống cà phê, họ đang đánh mất đi Niềm vui Loại I, thứ mà lẽ ra mình cũng được tận hưởng.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ