Tại sao những kẻ chậm chân như Microsoft, LG, Amazon... vẫn cứ phải sống chết làm smartphone?

    Lê Hoàng,  

    Rõ ràng là không có smartphone nhưng Amazon và Microsoft vẫn đang liên tiếp được giới chuyên môn đánh giá cao sau những nỗ lực chuyển mình đáng kinh ngạc. LG đang kinh doanh tốt trên mọi mặt nhưng vẫn bị smartphone kéo tụt lại. Lý do cho sự cố chấp này là gì?

    Ngay cả tại thời điểm rực rỡ như hiện nay, ký ức đau buồn về Fire Phone có lẽ vẫn hiện diện trong tâm trí của Jeff Bezos. 3 năm trước, Amazon ra mắt tầm nhìn hoàn thiện của mình về một chiếc smartphone cao cấp chỉ để chuốc lấy thất bại thảm hại. Giá quá cao, chip quá yếu, quá thừa tính năng không hữu dụng (3D) và không hỗ trợ Google là những lý do khiến Fire Phone gục ngã.

    Nhưng bất chấp thất bại, bất chấp khung cảnh ngày càng khốc liệt của thị trường smartphone, Amazon vẫn sẽ cố chấp ra mắt thêm một chiếc điện thoại nữa. Các tin đồn rò rỉ gần đây cho rằng chiếc "Ice Phone" sắp ra mắt sẽ nhắm vào các thị trường đang phát triển với màn hình 5,2 - 5,5 inch, chip xử lý Snapdragon 435, RAM 2GB/bộ nhớ 16GB và camera 13MP.

    Và Amazon cũng chỉ là một trong những kẻ thua cuộc vẫn đang tìm đường phục thù trên lĩnh vực smartphone. Khi Windows Phone đã chết, Microsoft được cho là vẫn chưa từ bỏ giấc mộng "Surface Phone". Tham vọng của gã khổng lồ từng một thời lụi bại vì lĩnh vực di động vẫn được thể hiện rõ ràng qua một danh sách dài các ứng dụng Android cũng như qua các chương trình liên kết với các nhà sản xuất như Samsung và Xiaomi.

    Ở bên kia địa cầu, những kẻ thua cuộc trong cuộc chiến smartphone tại Châu Á cũng không chịu từ bỏ. Sau 2 năm 2015 và 2016 đầy thất vọng, Xiaomi lại bỏ ra một đống tiền để xây dựng hàng trăm cửa hàng Mi Home chỉ để tăng doanh số smartphone (nhưng vẫn không thấy đề cập đến lợi nhuận). LG cũng vẫn cắn răng chịu lỗ vì smartphone dù rằng đang thống trị thị trường màn hình và cũng đang làm ăn rất tốt trên các mảng linh kiện, gia dụng v...v...

    Smartphone vẫn là trọng tâm

    Đang thống trị đám mây và đang lấn lướt tất cả Apple lẫn Google trong cuộc chiến thiết bị người tiêu dùng "hot" nhất thế giới (AI), tại sao Amazon và Microsoft vẫn cố chấp nhảy vào thị trường do 2 đối thủ này làm chủ?

    Lý do cốt lõi rất đơn giản: thiếu đi smartphone, Amazon và Microsoft vẫn thiếu đi một mảnh ghép lớn trong trải nghiệm người dùng cuối. Các tín đồ của Alexa hay của Surface Pro vẫn sẽ phải tìm đến iPhone hoặc một chiếc smartphone Android nào đó để hoàn thiện cuộc sống số của mình.

    Nói cách khác, hệ sinh thái của Amazon và Microsoft vẫn không thể là bến đỗ duy nhất của người dùng. Với gã khổng lồ xứ Redmond, việc không hoàn toàn sở hữu một hệ điều hành di động của riêng mình (dù là Windows 10 Mobile hay chỉ là Android fork) sẽ không thể giúp Microsoft đảm bảo một trải nghiệm đồng nhất trên tất cả các thiết bị và đám mây. Kẽ hở này sẽ khiến Cortana, Office 365 và các dịch vụ nền Azure khác gặp nhiều bất lợi khi phải đối mặt với Google.

    Với chiến lược "phá giá phần cứng để bán nội dung", Amazon càng khó có thể chấp nhận một hệ sinh thái không có smartphone. Hiện tại, công ty của Jeff Bezos đã có sẵn một kho nhạc, phim ảnh (bao gồm cả phim tự sản xuất đoạt giải... Oscar) và một chợ ứng dụng tương đối đầy đủ. Thay vì bỏ phí kho tài sản vô giá này bằng cách tiếp tục sống nhờ trong căn nhà của Apple và Google, Amazon có thể chọn cách đứng dậy và một lần nữa đối đầu bằng một chiếc smartphone do chính mình làm chủ.

    Thêm nữa, so với Fire Tablet và Echo, Ice Phone cũng có tính di động rõ rệt. Một thiết bị như vậy sẽ giúp cho trải nghiệm Amazon có thể "đeo bám" người dùng mọi lúc, mọi nơi. Trong khi các thông tin về Alexa trên Ice Phone còn chưa rõ ràng, Ice Phone sẽ là yêu cầu bắt buộc để cô trợ lý ảo này có thể rời khỏi căn nhà để đi theo người dùng, phục vụ các nhu cầu ăn uống, đi lại và mua sắm. Đây đều là các lĩnh vực có thể kích cầu mạnh mẽ cho trang thương mại điện tử, cho các web service của đám mây AWS và thậm chí còn là vũ khí mạnh mẽ để cắt bớt doanh thu quảng cáo của Google.

    Bàn đạp để thống trị phần cứng

    Các tin đồn đều đồng ý rằng Ice Phone sẽ được bán với giá rẻ mạt. Nói cách khác, Amazon gần như chắc chắn sẽ không sinh lời từ smartphone.

    Đó cũng là cái giá mà gần như tất cả các tên tuổi châu Á phải chấp nhận khi đeo bám giấc mơ di động. Thị trường smartphone toàn cầu vẫn đang cực kỳ khốc liệt: ngoại trừ 2 tên tuổi làm chủ phân khúc cao cấp là Apple và Samsung, gần như không một gã lớn nào có thể sinh lợi nhuận đáng kể. Năm 2016, Apple chiếm 79% lợi nhuận từ thị trường smartphone toàn cầu, Samsung chiếm 14,6% trong khi OPPO, Huawei và Vivo dù cũng lọt top 5 nhưng không thể đạt nổi... 2% lợi nhuận. Với những tên tuổi như Xiaomi, LG và Sony, chỉ sinh lời từ smartphone thôi đã là cả một kỳ tích.

    Nhưng họ vẫn kiên quyết theo đuổi thị trường smartphone. Các mẫu đầu bảng tốn kém tiền của R&D, các mẫu giá rẻ chịu lỗ và cả những cửa hàng vật lý đắt đỏ vẫn đua nhau mọc lên. Rõ ràng là khi nói về smartphone, người ta chỉ có thể tham vọng thị phần chứ không thể mơ đến lợi nhuận - lý do duy nhất để kinh doanh.

    Đằng sau tham vọng đầy đau khổ ấy là vai trò mới của smartphone: sau 10 năm tồn tại, chiếc điện thoại thông minh ngày nay đã trở thành "nhu yếu phẩm". Một thứ nhu yếu phẩm có khả năng thu hút phần nhiều sự chú ý của tất cả người hâm mộ công nghệ trên thế giới. Dù muốn xây dựng một hệ sinh thái nhà thông minh hay muốn tham gia vào cuộc hồi sinh mạnh mẽ của PC cao cấp, bạn vẫn sẽ cần có smartphone để làm mồi nhử cho các loại thiết bị khác - các loại thiết bị có khả năng sinh lời.

    Hãy thử nghĩ mà xem, nếu đã có LG G6 thì chắc chắc bạn sẽ dễ lựa chọn các thiết bị smarthome của LG hơn là Samsung hay Xiaomi. Nếu đã sở hữu một chiếc Mi 5, bạn cũng sẽ để ý tới xe đạp, ổ cắm, TV... của Xiaomi hơn các hãng khác. Không phải vô cớ mà gần như tất cả các gã khổng lồ smartphone cũng đều mở rộng làm ăn sang TV, laptop, nhà thông minh, thiết bị đeo v...v... Họ hiểu rằng sinh lãi từ điện thoại trong sự kìm kẹp của Apple và Samsung là gần như bất khả thi, nhưng dùng smartphone để làm bàn đạp doanh thu đã trở thành một chiến lược không thể thiếu cho bất cứ một ông lớn nào.

    Vậy nên những kẻ thua cuộc đau đớn vẫn cứ phải tiếp tục cắn răng tham gia vào cuộc đua do Apple và Google làm chủ.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày