Tại sao tiếng Anh trở thành ngôn ngữ của khoa học trên toàn thế giới?

    Nguyễn Hải,  

    Càng ngạc nhiên hơn khi trước đây, giới khoa học phương Tây cũng như toàn cầu từng sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau để giao tiếp với nhau.

    "If you can read this sentence, you can talk with a scientist. Well, maybe not about the details of her research, but at least you would share a common language" - Nếu bạn có thể đọc được câu này, bạn có thể nói chuyện với một nhà khoa học. Có thể không phải về chi tiết nghiên cứu của họ, nhưng ít nhất bạn có thể chia sẻ ngôn ngữ chung với họ.

    Gần như tuyệt đại đa số việc liên lạc trong giới khoa học ngày nay – vật lý học, hóa học, sinh học, địa lý học – đều diễn ra bằng tiếng Anh. Điều này diễn ra trên báo chí, trong các hội nghị, trong email và trong các cuộc trao đổi qua Skype, trên giảng đường của bất kỳ trung tâm nghiên cứu khoa học nào ở Kuala Lumpur, hay Montevideo hay Haifa. Tiếng Anh đang thống trị tuyệt đối trong nền khoa học đương đại.

    Đáng nói hơn, mọi người trong giới khoa học đương đại ngày nay hầu như đều sử dụng tiếng Anh để thay thế cho các ngôn ngữ khác. Một thế kỷ trước, phần lớn các nhà khoa học phương Tây dù biết một chút về tiếng Anh, nhưng họ có thể đọc viết và nói chuyện bằng tiếng Pháp và tiếng Đức, đôi khi bằng các ngôn ngữ ít thông dụng hơn, ví dụ tiếng Nga hoặc tiếng Ý.

    Tại sao tiếng Anh trở thành ngôn ngữ của khoa học trên toàn thế giới? - Ảnh 1.

    Ảnh chụp các nhà khoa học tham gia Hội nghị Solvay năm 1927.

    Phải chăng việc dùng một thứ ngôn ngữ duy nhất sẽ giúp khoa học trở nên hiệu quả hơn?

    Nếu mọi người cùng sử dụng một ngôn ngữ, có lẽ các xung đột do vấn đề dịch thuật gây ra sẽ ít hơn, cũng như ít phải lãng phí thời gian dành cho vấn đề sư phạm hơn. Với quan điểm này, khoa học hiện đại đang tiến bộ nhanh như vậy là nhờ việc tập trung hoàn toàn vào vấn đề khoa học hơn là các vấn đề bên ngoài như ngôn ngữ.

    Tuy nhiên điều này chỉ dễ dàng hơn đối với các nhà khoa học lớn lên tại các nước nói tiếng Anh, trong khi đó, phần lớn các nhà khoa học ngày nay lại không nói tiếng Anh bản địa. Khi tính đến thời gian dành cho việc học tiếng Anh, rõ ràng nó cũng không hiệu quả hơn so với đa ngôn ngữ trong giao tiếp khoa học là mấy. Vẫn cần nhiều bước phiên dịch và chuyển ngữ đối với các từ ngữ chuyên ngành, chỉ là nó không xảy ra tại các nước như Mỹ hay Anh, Úc.

    Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học và nhân văn cho rằng, điều này vẫn xảy ra từ nhiều thế hệ nay. Giao tiếp bằng tiếng Anh trong khoa học chỉ để thay thế cho sự độc tôn trước đây của tiếng Đức. Và trước đó nữa là tiếng Latin và tiếng Pháp từ buổi bình minh của khoa học phương Tây, vốn chỉ được trình diễn bằng tiếng Hy Lạp. Dựa trên cách hiểu đó, lịch sử khoa học là một chuỗi chuyển giao đơn ngôn ngữ, tuy nhiên điều đó không phải là sự thật. Chưa bao giờ là vậy.

    Tại sao tiếng Anh trở thành ngôn ngữ của khoa học trên toàn thế giới? - Ảnh 2.

    Một mảnh trong cuốn thứ hai của bộ Cơ Sở (Elements) của nhà toán học Euclid, viết bằng tiếng Hy Lạp cổ.

    Để hiểu điều này, chúng ta có thể thấy có hai chế độ ngôn ngữ cơ bản trong khoa học phương Tây: đa ngôn ngữ và đơn ngôn ngữ.

    Trong đó chế độ đa ngôn ngữ đã kéo dài nhiều thế kỷ nay trong lịch sử khoa học phương Tây và chỉ bị đánh bại bởi xu hướng đơn ngôn ngữ khi nó nổi lên vào những năm 1920. Giới khoa học đang được giao tiếp bằng tiếng Anh, nhưng thế hệ những người đầu tiên lớn lên trong thời kỳ đa ngôn ngữ vẫn còn sống. Để hiểu điều quan trọng này đã xảy ra như thế nào, chúng ta cần quay ngược thời gian một chút.

    Lịch sử đa ngôn ngữ của khoa học phương Tây

    Trong thế kỷ 15 ở châu Âu phương tây, triết học tự nhiên và khoa học tự nhiên – hai ngành học chính vào thời đó được xem như các môn thuộc khoa học – về cơ bản, đều được học bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Điều này đặc biệt ở chỗ vào thời điểm đó, ngôn ngữ chính dành cho việc trong thời kỳ đầu Trung cổ và Phục Hưng đều là tiếng Latin.

    Tại sao tiếng Anh trở thành ngôn ngữ của khoa học trên toàn thế giới? - Ảnh 3.

    Năm 117 sau Công nguyên, thời điểm La Mã đạt tới đỉnh cao của mình, cùng với đó là sự phổ biến của tiếng Latin.

    Cho dù việc sử dụng tiếng Latin trong lĩnh vực triết lý tự nhiên đã có từ thời huy hoàng của La Mã, nhưng trước đó nhiều thế kỷ, các ngôn ngữ thống trị trong giới học giả lại là tiếng Hy Lạp cổ và tiếng Ả rập. Chính việc dịch các tác phẩm triết lý kinh điển từ tiếng Ả rập sang Latin đã giúp hồi sinh nền giáo dục ở phương Tây. Do vậy, việc học, học những gì mọi người biết, là một hoạt động đa ngôn ngữ.

    Trên thực tế, trừ những người quá nhiệt tình, có rất ít người học tiếng Latin như là ngôn ngữ đầu tiên của mình và sử dụng nó để nói chuyện. Tuy nhiên, tiếng Latin vẫn được sử dụng như một ngôn ngữ chính, để kết nối các cộng đồng ngôn ngữ như một phương tiện trung lập. Có lẽ điều quan trọng nhất là vì tiếng Latin không phải là ngôn ngữ bản xứ của một quốc gia cụ thể nào, và các học giả trên khắp châu Âu và Ả rập đều có thể sử dụng nó mà không ai "sở hữu" ngôn ngữ đó.

    Vì những lý do này, tiếng Latin trở thành phương tiện phù hợp cho các lập luận về tính phổ quát. Nhưng mọi người trong các cuộc hội thoại này đều sử dụng đa ngôn ngữ và họ có thể chọn ra ngôn ngữ phù hợp với người nghe của mình. Ví dụ khi viết thư cho các nhà hóa học quốc tế, người Thụy Điển sẽ chọn tiếng Latin, nhưng khi nói chuyện với các kỹ sư khai mỏ, họ sẽ sử dụng tiếng Thụy Điển.

    Tại sao tiếng Anh trở thành ngôn ngữ của khoa học trên toàn thế giới? - Ảnh 4.

    Vài trang sách trong quyển Sidereus Nuncius của Galileo bằng tiếng Latin.

    Hệ thống này bắt đầu rạn vỡ vào thế kỷ 17, về cơ bản một phần là do "cuộc cách mạng khoa học" trong thời điểm đó. Galileo Galilei xuất bản phát hiện của mình về các mặt trăng của Sao Mộc (Jupiter) bằng tiếng Latin trong quyển Sidereus Nuncius vào năm 1610, nhưng công trình sau đó của ông lại bằng tiếng Ý. Tương tự như vậy, quyển Principia của Newton xuất hiện bằng tiếng Latin vào 1687, nhưng sau đó cuốn Opticks xuất bản năm 1704 lại viết bằng tiếng Anh.

    Trên toàn châu Âu, các nhà học giả bắt đầu sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau và dịch chúng về tiếng Latin và tiếng Pháp để tiện cho việc học tập. 

    Đến cuối thế kỷ 18, các nghiên cứu về hóa học, vật lý, sinh lý học và thực vật học không chỉ xuất hiện ngày càng nhiều bằng tiếng Anh, Pháp, Đức và mà còn cả tiếng Ý, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và các ngôn ngữ khác. Nhưng cho đến những năm đầu của thế kỷ 19, nhiều học giả ưu tú vẫn chọn tiếng Latin làm ngôn ngữ cho nghiên cứu của mình.

    Tại sao tiếng Anh trở thành ngôn ngữ của khoa học trên toàn thế giới? - Ảnh 5.

    Cuốn Principia (Các nguyên lý toán học) bằng tiếng Latin và cuốn Opticks (Bàn về ánh sáng và quang phổ) bằng tiếng Anh của Newton.

    Tuy nhiên đi kèm với quá trình công nghiệp hóa tại châu Âu trong thế kỷ 19, mối quan tâm đến việc giao tiếp hiệu quả đã trở thành một nhân tố không thể tránh khỏi. Sử dụng nhiều ngôn ngữ gây ra sự lãng phí, khi bạn phải dành toàn bộ thời gian của mình để học nhiều ngôn ngữ nhằm đọc được các nghiên cứu mới nhất về tự nhiên và chẳng còn thời gian nào để làm nghiên cứu nữa.

    Trong khoảng những năm 1850, ngôn ngữ của khoa học bắt đầu thu gọn lại vào 3 ngôn ngữ chính, tiếng Anh, tiếng Pháp và Đức, mỗi ngôn ngữ chiếm một tỷ lệ gần như nhau trong tổng các nghiên cứu. (Mặc dù mỗi ngôn ngữ lại phổ biến trong một lĩnh vực riêng, ví dụ đến cuối thế kỷ 19, tiếng Đức vẫn được ưa chuộng trong ngành hóa học).

    Xu hướng đơn ngôn ngữ bắt đầu xuất hiện với Quốc tế ngữ Esperanto

    Dù đã gọn gàng hơn rất nhiều, nhưng rõ ràng có đến 3 ngôn ngữ khác nhau vẫn là một gánh nặng đáng kể. Đó là lúc có những chủ trương về một ngôn ngữ duy nhất cho kiến thức khoa học, với các đặc tính chính xác về tính phổ quát và sự trung lập mà tiếng Latin mang lại từ nhiều thế kỷ trước. Nỗ lực này có tên gọi là quốc tế ngữ Esperanto.

    Tại sao tiếng Anh trở thành ngôn ngữ của khoa học trên toàn thế giới? - Ảnh 6.

    Esperanto ra đời với mục đích tạo ra một ngôn ngữ duy nhất cho các kiến thức khoa học.

    Ban đầu, Esperanto cũng được nhiều cái tên nổi tiếng ủng hộ, ví dụ như Wilhelm Ostwald, người giành giải Nobel Hóa học năm 1909 và Otto Jespersen, nhà ngôn ngữ học người Đan Mạch. Nhưng rồi việc nó sớm trở nên mờ nhạt cho thấy một điều rõ ràng rằng, khoa học không thể tồn tại trong một môi trường đa ngôn ngữ.

    Esperanto đã thất bại, nhưng giấc mơ của nó đã thành hiện thực nhưng ngôn ngữ phổ quát cho khoa học tự nhiên lại là tiếng Anh, ngôn ngữ bản địa của những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới và là hệ quả của một loạt hành động dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống đa ngôn ngữ trong khoa học.

    Chiến tranh thế giới thứ nhất - khởi đầu cho sự lên ngôi của tiếng Anh

    Khi chiến tranh thế giới thứ Nhất nổ ra vào năm 1914, giữa phe Hiệp ước (Entente), bao gồm Anh, Pháp, Nga và các nước khối Trung tâm (Central Powers), bao gồm Đức Áo Hung, kéo theo sự tham gia của cả các nhà khoa học và các nhà học giả của Đức trong việc hỗ trợ cho lực lượng chủ chiến của nước này.

    Tại sao tiếng Anh trở thành ngôn ngữ của khoa học trên toàn thế giới? - Ảnh 7.

    Một phần của "Tuyên ngôn 93", bản tuyên ngôn với 93 chữ ký của các nhà khoa học, học giả, nghệ sĩ nổi tiếng của Đức tuyên bố ủng hộ tuyệt đối các hành động quân sự của Đức trong Thế chiến thứ nhất.

    Chính vì vậy, sau khi chiến tranh kết thúc, Hội đồng Nghiên cứu Quốc tế (International Research Council), được thành lập dưới sự bảo hộ của các nước thắng trận – bao gồm cả Mỹ, nhưng không có Nga – đã bắt đầu tiến hành tẩy chay các nhà khoa học đến từ khối Trung tâm. Cùng với đó là nhiều tổ chức khoa học quốc tế mới được dựng lên đầu những năm 1920 cũng khóa chặt cánh cửa đối với các nhà khoa học đến từ những nước nói tiếng Đức bại trận.

    Dần dần, việc tẩy chay kéo dài đến nhiều thập kỷ này đã góp phần làm nên cái chết của tiếng Đức như một ngôn ngữ hàng đầu trong khoa học. Như vậy, hệ thống 3 ngôn ngữ chủ đạo của khoa học trước kia đã rút xuống chỉ còn hai. Hệ thống đa ngôn ngữ trong khoa học đã bắt đầu cho thấy vết rạn đầu tiên của mình, nhưng chính Mỹ là người hoàn toàn phá vỡ nó.

    Cùng với việc Mỹ tham chiến vào cuối Chiến tranh thế giới thứ nhất, tiếng Đức trở nên bị kỳ thị ngay trên chính đất Mỹ. Đến cuối năm 1923, hơn một nửa số bang trong Liên bang Mỹ đã hạn chế sử dụng tiếng Đức ở các nơi công cộng, trên điện báo và các đường dây điện thoại, cũng như trong giáo dục.

    Tại sao tiếng Anh trở thành ngôn ngữ của khoa học trên toàn thế giới? - Ảnh 8.

    Bên cạnh tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức được sử dụng rộng rãi ở nhiều bang trên nước Mỹ.

    Không những vậy, việc học tiếng nước ngoài cũng gần như biến mất, ngay cả đối với tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha, và vì vậy cả một thế hệ người Mỹ, bao gồm cả các nhà khoa học tương lai, lớn lên mà không tiếp xúc với các ngôn ngữ nước ngoài.

    Vị thế gia tăng của tiếng Anh và sự đi xuống của tiếng Đức càng lớn hơn khi Hitler lên nắm quyền tại Đức và tiến hành sa thải các giáo sư cánh tả cũng như những người "không phải Aryan".

    Khi những nhà khoa học may mắn kịp nhập cư vào nước Mỹ trong những năm 1930, họ đều phải chấp nhận xuất bản nghiên cứu của mình bằng tiếng Anh để có thể tiếp cận với giới khoa học của nước này. Ngay cả Einstein cũng phải dựa vào các phiên dịch viên và các cộng tác viên cho các nghiên cứu của mình.

    Chiến tranh Lạnh và sự thống trị của tiếng Anh

    Sau thế chiến thứ hai, việc sử dụng ngôn ngữ trong lại càng mang nhiều màu sắc địa chính trị hơn. Lúc này các nhà khoa học từ nước Mỹ đang lên của thế kỷ 20 không sẵn sàng đón nhận tri thức thông qua các ngôn ngữ nước ngoài. Hơn nữa, với một lượng lớn các nhà khoa học và kỹ sư Xô Viết trưởng thành sau chiến tranh, Liên Xô đã trở thành đối thủ mới cạnh tranh với Mỹ trong lĩnh vực khoa học.

    Tại sao tiếng Anh trở thành ngôn ngữ của khoa học trên toàn thế giới? - Ảnh 9.

    Các ngôn ngữ có số bài viết nhiều nhất trên Wikipedia (thống kê năm 2012)

    Đã có thời điểm tiếng Nga trở thành ngôn ngữ dành cho khoa học lớn thứ hai trên toàn cầu khi chiếm khoảng 25% các nghiên cứu được xuất bản. Nhưng đến những năm 1970, tỷ lệ các tài liệu nghiên cứu được xuất bản bằng tiếng Nga bắt đầu sụt giảm khi các nhà khoa học toàn cầu chuyển sang dùng tiếng Anh.

    Vị thế của tiếng Anh trong ngôn ngữ khoa học còn đến từ sự sẵn sàng của các nhà khoa học châu Âu, châu Mỹ Latin và những nơi khác. Do họ muốn các nghiên cứu của mình được những người đứng đầu trong các lĩnh vực này trích dẫn, những nhà khoa học người Hà Lan, người vùng Scandinavi và Iberian đã dừng xuất bản bằng tiếng Pháp hay Đức và chuyển sang tiếng Anh.

    Đến đầu những năm 1980, tiếng Anh đã chiếm hơn 80% các xuất bản trên toàn cầu về khoa học tự nhiên. Giờ đây con số này có lẽ đã lên tới 99%.

    Trong lịch sử khoa học thế giới, chưa từng có một hệ thống đơn ngôn ngữ nào có khả năng thống trị lớn đến vậy cho giao tiếp trong giới khoa học. Đó là còn chưa nói đến việc tiếng Anh đang len lỏi đến mọi ngóc ngách trên toàn cầu để trở thành sự lựa chọn ngôn ngữ mặc định trong các lĩnh vực như quân sự hay kinh tế.

    Phải mất rất nhiều năng lượng để duy trì một hệ thống đơn ngôn ngữ với quy mô khổng lồ như vậy, cũng như những nguồn lực khổng lồ được rót vào việc đào tạo ngôn ngữ và dịch thuật ở các nước không nói tiếng Anh. Tuy nhiên, khi đã đạt đến vị thế như hiện nay, nó đang trở nên khá ổn định và ngay cả khi các quốc gia nói tiếng Anh biến mất vào ngày mai, tiếng Anh vẫn sẽ là một ngôn ngữ quan trọng của khoa học, đơn giản là vì quán tính quá lớn của những gì đang tồn tại.

    Tham khảo Aeon.Co


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày