Tại sao tốc độ cập nhật hệ điều hành của Samsung và smartphone Galaxy lại chậm đến vậy?

    Thiên Long,  

    Ai cũng chê trách rằng Samsung chỉ như một “chú rùa” trong cuộc đua giữa các hãng về tốc độ cập nhật hệ điều hành. Nhưng phải chăng họ chỉ nhìn một mặt của vấn đề mà quên đi rằng, họ được hưởng những gì tự sự chậm trễ đó.

    Không thể phủ nhận một thực tế kể từ khi Android ra đời, nó đã góp phần định hình lại toàn bộ thị trường di động nói chung. Nhưng phải bổ sung thêm rằng, sự trợ giúp của OEM mới là là động lực chính giúp Google đưa Android lên một tầm cao mới, phủ sóng rộng khắp toàn cầu.

    Tại sao tốc độ cập nhật hệ điều hành của Samsung và smartphone Galaxy lại chậm đến vậy? - Ảnh 1.

    Nhưng dù có nhiều nhà sản xuất Android đến mấy thì tất cả vẫn thua gã khổng lồ Samsung. Hãng điện tử Hàn Quốc có thể từng ngó lơ hệ điều hành Android và tập trung phát triển các hệ điều hành như Tizen hay Bada nhưng không thể phủ nhận rằng, kể từ khi Samsung làm bạn với Android, nó đã trở thành "xương sống" của dòng Galaxy nói riêng và Samsung nói chung.

    Quan trọng là vậy nhưng tại sao Samsung lại hay chậm cập nhật hệ điều hành Android đến vậy?

    Đã từ rất nhiều năm nay, người dùng đành phải chấp nhận một thực tế rằng dòng Galaxy của Samsung luôn nhận bản cập nhật chậm hơn so với các hãng khác. Đó là chưa kể sự chênh lệch về thời gian nhận bản cập nhật giữa các model cao cấp và giá rẻ.

    Ví dụ model Galaxy S8 nhận bản cập nhật Android 8.0 Oreo đầu tiên tại thị trường Mỹ vào ngày 15/3/2018. Điều này có nghĩa máy được nhận bản cập nhật mới muộn hơn tới 7 tháng sau khi hệ điều hành này ra mắt.

    Trong khi đó, ngay cả các hãng OEM Android khác cũng có thể phân phối bản cập nhật Android 8.0 Oreo sớm hơn vài tháng trước cả Samsung.

    Nhìn trên quan điểm cá nhân, hẳn nhiều người sẽ thấy khó hiểu với cách làm của Samsung, thương hiệu được mệnh danh là hãng sản xuất di động lớn nhất thế giới. Tuy nhiên nếu đi sâu vào vấn đề, chúng ta sẽ hiểu lý do tại sao Samsung lại làm như vậy và người dùng liệu có nên thông cảm cho Samsung hay không.

    Samsung không chỉ bán một thiết bị mà là hàng trăm thiết bị khác nhau

    Với cương vị là nhà sản xuất di động lớn nhất thế giới nên không ngạc nhiên khi một mình Samsung phải "ôm đồm" đủ mọi phân khúc smartphone. Cũng bởi vậy mà Samsung không đủ thời gian để quan tâm tới mọi model smartphone ra mắt mỗi năm. Đó là một phần lý do khiến Samsung hay bị người dùng chỉ trích vì thiếu sự quan tâm tới họ.

    Tại sao tốc độ cập nhật hệ điều hành của Samsung và smartphone Galaxy lại chậm đến vậy? - Ảnh 2.

    Nếu so sánh với OnePlus hay Essential có thể thấy, Samsung đi sau đáng kể về tốc độ cập nhật hệ điều hành. Nguyên nhân bởi OnePlus hay Essential chỉ có một số dòng smartphone nhất định, nhờ đó đội ngũ lập trình của các hãng này cũng dễ phát triển, thử nghiệm và tung các bản cập nhật nhanh hơn.

    Mặt khác, Samsung không chỉ bán ra những model smartphone cao cấp nhất mà còn tung ra cả những model tầm trung và giá rẻ tại nhiều thị trường khác nhau trên thế giới. Điều này dẫn tới việc Samsung khó có thể quản lý được hết việc phát hành OTA tới tất cả thiết bị.

    Mỗi bản cập nhật nhật mới của Samsung đem tới nhiều thay đổi đáng chờ đợi

    Một trong những lý do mà nhiều người yêu thích dòng Galaxy của Samsung, đó là bản sắc riêng về thiết kế và trải nghiệm người dùng. Để làm được điều này, ngoài phần cứng chất lượng thì phần mềm và giao diện người dùng nổi bật là điều quan trọng nhất.

    Tại sao tốc độ cập nhật hệ điều hành của Samsung và smartphone Galaxy lại chậm đến vậy? - Ảnh 3.

    Giao diện người dùng tùy biến One UI

    Samsung đã làm được với giao diện TouchWiz và sau này là Samsung Experience và One UI. Hãng điện tử Hàn Quốc không chỉ mang tới các tính năng của hệ điều hành Android mà còn tạo ra các phong cách thiết kế mới, tính năng người dùng nổi bật sau mỗi bản cập nhật.

    Ngược lại với các hãng sản xuất Android khác, họ đa số đều sử dụng Android thuần Google, ví dụ như Nokia hay Motorola, Essential. Việc không phải phát triển các tính năng phụ giúp việc phát hành Android trở nên nhanh hơn.

    Còn về phía Samsung, hãng phải mất khá nhiều thời gian cho quá trình nghiên cứu và thử nghiệm giao diện tùy biến trên nền Android. Quá trình này khiến Samsung và nhiều hãng mất khá nhiều thời gian mới có thể tung ra bản cập nhật mới nhất.

    Nhà mạng và nhà phân phối cũng là một phần nguyên nhân

    Mỗi khi có một bản cập nhật phần mềm lớn, các hãng sản xuất Android thường có lộ trình phát hành riêng đến từng thị trường trên thế giới. Trước đó, bản cập nhật sẽ được thử nghiệm tại một số thị trường nhất định để tìm lỗi phát sinh trước khi tung ra trên thị trường toàn cầu.

    Tại sao tốc độ cập nhật hệ điều hành của Samsung và smartphone Galaxy lại chậm đến vậy? - Ảnh 4.

    Quá trình thử nghiệm bản beta đôi khi có thể mất vài tuần hoặc kéo dài nhiều tháng. Sở dĩ thời gian thử nghiệm lại lâu đến vậy vì Samsung có nhiều biến thể khác nhau ở nhiều thị trường, ví dụ như phiên bản Galaxy S/Galaxy Note dành cho thị trường Mỹ hoặc Trung Quốc.

    Ngoài ra ngay cả khi Samsung gửi bản cập nhật tới người dùng, chúng ta vẫn cần chờ phản ứng của các nhà mạng, đặc biệt với các phiên bản khóa mạng.

    Ví dụ Samsung phát hành bản cập nhật bảo mật hàng tháng cho tất cả các thiết bị cấp của hãng. Nhưng hầu hết các nhà mạng tại Mỹ không phát hành bản cập nhật bảo mật mới cho tới khi hết năm đầu tiên. Ngay cả với bản cập nhật Android mới, lộ trình cung cấp tới người dùng cũng phải mất tới cả tuần, thậm chí là cả tháng ở một số khu vực.

    Tựu chung lại

    Cho dù bạn hoặc cả giới công nghệ có chỉ trích Samsung về vấn đề chậm cập nhật hệ điều hành ra sao thì hãng vẫn đang bán smartphone cho hàng triệu người trên thế giới mỗi ngày.

    Tại sao tốc độ cập nhật hệ điều hành của Samsung và smartphone Galaxy lại chậm đến vậy? - Ảnh 5.

    Trong cuộc đua về tốc độ cập nhật phần mềm, Samsung có thể là một "con rùa" so với các đối thủ nhưng xét về mặt nào đó, Samsung vẫn đang là kẻ chiến thắng trên thị trường nhờ sản lượng smartphone khổng lồ, điều mà những hãng có tốc độ phát hành bản cập nhật nhanh hàng đầu hiện nay cũng phải "xách dép" chạy theo.

    Tuy nhiên bạn cũng chẳng cần quá lo vì Samsung đang nỗ lực rút ngắn đáng kể thời gian phát hành bản cập nhật mới. Nằm một phần trong dự án Project Treble của Google, Samsung đang tích cực tung ra các bản cập nhật đều đặn hơn để thể hiện sự tín nhiệm với Google và cũng để chứng minh vị thế là hãng sản xuất Android hàng đầu.

    Gần đây, Google cũng đưa ra thông báo yêu cầu các nhà sản xuất phải nỗ lực tung ra ít nhất 4 bản cập nhật bảo mật trong vòng 1 năm. Tức là khoảng 3 tháng cần có một bản cập nhật mới. Yêu cầu này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 31/1/2019 tới. Động thái này được cho sẽ kích thích các hãng trì trệ về tốc độ cập nhật như Samsung có thêm động lực để tăng tốc độ phát hành bản cập nhật hệ điều hành mới.

    Tham khảo The Android Soul

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày