Hãy xem cách người Trung Quốc dạy người già dùng smartphone như thế nào

    Neo,  

    Những lớp học này giúp những người cao tuổi ở Bắc Kinh, Trung Quốc theo kịp với thời đại.

    "WeChat là một ứng dụng rất thú vị", Zhang Lizhu, một thầy giáo 73 tuổi đã nghỉ hưu, chia sẻ trong khi vung vẩy chiếc smartphone trong tay. Với nụ cười tươi tắn, ông Zhang vuốt màn hình để bật một bài hát và album ảnh của 14 người cao tuổi khác cùng lớp tại Trung tâm Dịch vụ Cộng đồng Huabeidong, Bắc Kinh. Mỗi hình ảnh lướt qua màn hình Zhang lại cười lớn hơn.

    Tiếng nhạc trên điện thoại của ông Zhang không làm ảnh hưởng tới những người khác. Hầu hết họ đang mải nói chuyện hoặc hăng say khám phá chiếc smartphone của họ. Bầu không khí ồn ào đúng kiểu một lớp học chỉ có điều các học sinh ở độ tuổi trung bình là 75.

    Trong các lớp học đặc biệt này smartphone không bị tịch thu mà thậm chí còn trở thành chủ đề tìm hiểu của các học sinh. Từ tháng 12 năm ngoái tới nay, nhân viên từ cơ quan chính quyền địa phương và các sinh viên tới từ Đại học Truyền thông Trung Quốc gần đó đã tổ chức lớp học vào thứ tư hàng tuần nhằm dạy những người cao tuổi cách vận dụng smartphone để nâng cao chất lượng cuộc sống của họ. Có khoảng 60 học viên đăng ký và họ được chia thành bốn lớp với 15 học viên.

    Những học viên cao tuổi này được dạy cách sử dụng những ứng dụng đơn giản như WeChat tới các thao tác phức tạp như sử dụng ứng dụng ngân hàng trực tuyến. Shi Yan, một người quản lý lớp học, chia sẻ rằng những bài học này đóng vai trò rất quan trọng.

    "Trung Quốc rất đông dân và dân số đang già đi", Shi nói. "Trong 30 năm qua, kể từ khi các cuộc cải cách và mở cửa được tiến hành, đã có rất nhiều thay đổi lớn lao. Xã hội phát triển mạnh và hiện tại hầu như mọi người không thể sống thiếu smartphone. Một vài người cao tuổi cảm thấy khó bắt kịp".

    Sự phát triển bùng nổ của công nghệ và ứng dụng nhắn tin WeChat tại Trung Quốc khiến smartphone không còn là mặt hàng xa xỉ và trở thành vật dụng thiết yếu. Tính tới cuối năm 2015, WeChat đã có 697 triệu người dùng trên toàn thế giới, trong số này có khoảng 70 triệu người dùng bên ngoài Trung Quốc.

    Do Facebook và Twitter bị chặn ở Trung Quốc nên WeChat cực kỳ phổ biến và góp phần đẩy doanh số smartphone tăng vọt. Theo thống kê, có khoảng 563 triệu dân Trung Quốc sở hữu smartphone và dự kiến sẽ tăng lên con số 688 triệu vào năm 2019. Theo nghiên cứu của Trung tâm Thông tin Mạng Internet Trung Quốc, khoảng 90% trong tổng số 688 triệu người dùng internet lướt web trên smartphone.

    Về cơ bản, tại Trung Quốc nếu không dùng WeChat đồng nghĩa với việc bạn đang xa rời cộng đồng.

    "Nếu không học cách sử dụng những thứ này chúng tôi có thể bị lạc hậu", Zheng Wenhua, một học viên 64 tuổi chia sẻ. "Hiện tại tôi có thể trả tiền cho tất cả những gì mình mua thông qua WeChat. Và ngày càng có nhiều dịch vụ y tế yêu cầu sử dụng WeChat để đăng ký và liên hệ với họ".

    Học cách sử dụng WeChat ngoài việc giúp những người lớn tuổi thanh toán hóa đơn mà không cần xếp hàng còn giúp họ xây dựng một cấu trúc xã hội mạnh mẽ mà trước đây họ chưa từng được tận hưởng.

    "Nếu không có WeChat tôi dành cả ngày lang thang ngoài chợ để mua rau và đi tới công viên", ông Zhang Lizhu chia sẻ. "Cuộc sống của tôi trở nên phong phú hơn từ ngày có WeChat".

    Sau khi học cách sử dụng WeChat, ông Zhang đã tham gia vào nhóm chat gồm các bạn cũ thời sinh viên đã không còn liên lạc thường xuyên trong nhiều thập kỷ. "Vài ngày trước tôi bị ốm và rất nhiều bạn bè thời sinh viên của tôi đã gửi lời thăm hỏi, động viên", ông Zhang kể. "Nó khiến tôi rất cảm động. Nếu không có smartphone, WeChat và lớp học như thế này tôi không bao giờ có cơ hội liên lạc với họ như thế này. Cuộc sống của tôi sẽ khá nhàm chán nếu không có smartphone".

    Hầu hết các học viên đều đồng ý rằng việc học các chức năng cơ bản của smartphone và ứng dụng nhắn tin, như khả năng tham gia nhóm chat, giúp họ nâng cao giá trị cuộc sống.

    Shi, người quản lý các lớp học, khẳng định sự cần thiết của các lớp học dạy những kỹ năng cơ bản như thế này.

    "Đa số người cao tuổi tham gia lớp học chỉ có các điện thoại thiết kế riêng cho người gia với các nút bấm lớn để hỗ trợ những người mắt kém và các chức năng cơ bản như gọi điện và nhắn tin", Shi nói. "Sau khi chúng tôi tổ chức những lớp học như thế này những người cao tuổi trở nên chủ động hơn trong việc sắm một chiếc smartphone mới. Mặc dù vậy, một số học viên có tí nhớ kém nên chúng tôi phải luôn nhắc cho họ nhớ cách sử dụng các kỹ năng, chúng tôi kiểm tra lại các kỹ năng vào các buổi cuối tuần".

    Một số học viên cao tuổi chỉ dừng lại ở mức sử dụng các chức năng smartphone cơ bản như nhắn tin WeChat, sử dụng bản đồ hỗ trợ vệ tinh và ứng dụng gọi xe để tăng cường kết nối với gia đình, bạn bè cũng như giữ an toàn. Trong khi đó, một số học viên khác lại hào hứng với việc khám phá những kỹ năng mới.

    Ông Cui Baoguang
    Ông Cui Baoguang

    Cui Baoguang, một cự công nhân ngành đường sắt 69 tuổi, chia sẻ rằng ông và bạn bè của mình rất thích sử dụng ứng dụng Happy Mom and Dad.

    Ứng dụng này được thiết kế cho người già, gửi tới họ những tin tức với nội dung phù hợp với họ. Để chứng minh, ông Cui duyệt ứng dụng trên smartphone để hiển thị cho mọi người thấy bản tin về một giá đỡ mới cho người già.

    Ngoài ra, ông Cui còn học tiếng Anh qua WeChat. Công ty cung cấp ứng dụng Happy Mom and Dad tổ chức một dịch vụ giảng dạy theo nhóm từ xa. "Học những điều mới như thế này giúp tôi không bị Alzhermer", Cui chia sẻ. "Cuộc sống của tôi phong phú hơn sau khi tôi biết tất cả những điều này. Nếu không có chúng tôi sẽ cảm thấy cô đơn khi các con tôi đi làm".

    Cô Shi nói rằng chỉ có 30 lớp học sử dụng smartphone cho người cao tuổi tại Huabeidong trong khi có tới 2.000 cộng đồng. Một số người cao tuổi tới từ các cộng đồng khác để tham dự lớp học sau khi nghe thông tin trên báo bởi ở nơi họ ở không có những lớp học như thế này. Shi hy vọng rằng chính quyền sẽ nhìn thấy sự thành công của lớp học và nhân rộng ra các khu vực khác, đặc biệt là các khu vực nông thôn nơi đời sống nghèo nàn, khó khăn hơn.

    Bức ảnh do ông Cui chỉnh sửa
    Bức ảnh do ông Cui chỉnh sửa

    "Giữa thành thị và nông thôn vẫn còn đang phát triển mất cân đối. Người dân thành thị đã từ bỏ những mẫu điện thoại kiểu cũ trong khi người dân nông thôn còn chẳng có điện thoại mà dùng", ông Zhang chia sẻ. "Tôi tin rằng theo đà phát triển của nền kinh tế, chẳng bao lâu nữa smartphone sẽ trở nên phổ biến hơn ở khu vực nông thôn. Hy vọng rằng các lớp học như chúng tôi đang tham dự sẽ giúp những người ở khu vực nông thôn bắt kịp".

    Lớp học sử dụng smartphone là một ý tưởng cực kỳ ấn tượng. Những âm thanh báo tin nhắn và những lời bàn tán nhộn nhịp trong lớp học là minh chứng cho sự thành công của nó. Ông Cui chìa điện thoại của mình ra khoe với mọi người một bức ảnh được ông chỉnh sửa. Trong ảnh là cô Shi với hình ảnh của năm học viên già nhất lớp xung quanh, tất cả đều nở nụ cười rất tươi.

    Tham khảo Motherboard

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày