Thành công trên mặt trận thiết bị phần cứng, liệu Microsoft có bỏ qua phần mềm?

    Nguyễn Hải,  

    Liệu thành công của dòng máy tính lai Surface có biến Microsoft thành một công ty phần cứng, và những công ty phần mềm khác có thể yên tâm kê cao gối mà ngủ?

    Trong số các ông lớn của làng công nghệ, điều mọi người dễ nhận ra đó là, Google là công ty phần mềm, Apple là công ty phần cứng, vậy còn Microsoft thì sao? Nếu trước đây, việc đó thật đơn giản, Microsoft là một công ty phần mềm là điều mọi người đều công nhận, nhưng thành công với dòng thiết bị Surface đã làm nhiều người phân vân, liệu đã đến lúc để gọi Microsoft là một công ty phần cứng hay chưa? Và liệu Google hay các công ty phần mềm khác liệu đã hết lo lắng về đối thủ sừng sỏ này hay chưa?

    Chưa hẳn vậy? Nếu nhìn lại những động thái gần đây của Microsoft, cho dù họ đã có những bước tiến đáng kể với mảng phần cứng, các bước đi của họ vẫn xoay quanh việc phát triển các ứng dụng phần mềm của mình. Những thành công trên mảng phần cứng cũng không ngoài chiến lược đó, khi mục đích cuối cùng là tạo ra một hệ sinh thái gắn kết với nhau để mở rộng và phát triển phần mềm của họ.

    Bám đuôi đối thủ trên thị phần tìm kiếm

    Mới hôm qua thôi, Microsoft đã tung ra một bản cập nhật lớn cho ứng dụng bàn phím Word Flow trên iPhone. Một trong những cập nhật quan trọng nhất của lần cập nhật này là khả năng tìm kiếm hình ảnh, file GIF, địa chỉ liên lạc ngay trên bàn phím. Và tất nhiên là thông qua công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft.

     Bàn phím ảo WordFlow trên iPhone.

    Bàn phím ảo WordFlow trên iPhone.

    Đây rõ ràng là một động thái nhằm cạnh tranh với cỗ máy tìm kiếm của Google trên nền tảng di động. Tất nhiên sẽ là quá sớm để nói rằng động thái này sẽ giúp thay đổi đáng kể tương quan giữa Google và Bing. Chắc chắn là như vậy, nhưng đó không phải là chiến lược của Bing.

    Cho đến nay Google Search vẫn là công cụ phổ biến nhất với khoảng 70% thị phần, trong khi đó, Bing bị bỏ xa ở vị trí thứ hai với khoảng 18% thị phần. Với tương quan chênh lệch lớn đến vậy, rõ ràng đối đầu trực tiếp với Google không phải sự lựa chọn khôn ngoan để trụ lại cuộc chơi.

    Thay vào đó, chiến lược của Bing dựa nhiều vào việc tấn công vào các ngách nhỏ của thị trường, ví dụ như: tích hợp vào các thiết bị mà Microsoft sở hữu như điện thoại Lumia, bổ sung các công cụ mà đối thủ không có như tìm trẻ đi lạc, dự đoán chính xác kết quả giải Oscar. Và việc tích hợp Bing vào công cụ bàn phím ảo WordFlow cũng không nằm ngoài chiến lược đó của hãng. Đây có thể không phải là những cú đánh của Microsoft Bing, mà đúng hơn, đây là những cú chích của Bing vào Google Search.

    Thu hút người dùng bằng các ứng dụng văn phòng

    Công cụ tìm kiếm chỉ là một mặt trận mà Microsoft đang cạnh tranh với Google. Một mảng quan trọng hơn cả là các ứng dụng phần mềm trên di động. Sau thất bại không chính thức của dòng điện thoại Lumia cùng với hệ điều hành Windows Phone, tưởng chừng bộ ứng dụng văn phòng trên di động của Microsoft cũng sẽ chết theo tham vọng đó. Tuy nhiên, lại một lần nữa, chiến lược những cú chích của hãng lại được sử dụng đối với các ứng dụng phần mềm này.

     Cái bắt tay giữa Microsoft và Cyanogen OS.

    Cái bắt tay giữa Microsoft và Cyanogen OS.

    Thay vì bám dính và chết chìm cùng nền tảng Windows Phone, Microsoft đã đưa các công cụ văn phòng nổi tiếng của mình lên các nền tảng đối thủ như iOS và Android. Với các phần mềm văn phòng đang thống trị trên thị trường PC, chúng là hy vọng của Microsoft nhằm lôi kéo người dùng ngay trên nền tảng của đối thủ. Chính vì vậy, các ứng dụng này còn được Microsoft ưu ái cho những tính năng còn tốt hơn cả nền tảng của mình, như khả năng nhận diện chữ viết tay cho bộ Office trên iPhone.

    Không những vậy, với nền tảng mở như Android của Google, Microsoft còn tích hợp các ứng dụng của mình sâu hơn, vào hệ điều hành chế tự Android (như Cyanogen OS). Dù mang những trải nghiệm tương tự Android, những hệ điều hành này thường bị Google bỏ qua khi phát triển các tính năng mới. Do vậy, đây chính là mảnh đất mầu mỡ để các ứng dụng của Microsoft chen chân vào lãnh địa Android của Google.

    Mới đây, Redmond còn đi xa hơn nữa khi cài sẵn Microsoft Office, Skype và OneDrive trên các tablet và smartphone Android của Lenovo. Thậm chí, Microsoft có thể còn miễn phí tiền bản quyền của các ứng dụng này cho Lenovo khi tham gia vào thỏa thuận này với họ. Trước đó vào tháng Sáu vừa qua, một thỏa thuận tương tự đã được ký kết với Xiaomi cũng giúp các ứng dụng văn phòng của Microsoft xuất hiện trên điện thoại và tablet của công ty Trung Quốc. Rõ ràng còn rất nhiều công ty muốn thoát khỏi thế độc tôn của Google trên Android.

    Các nền tảng phần mềm của tương lai

    Thế nhưng, cỗ máy tìm kiếm hay ứng dụng văn phòng vẫn chỉ là các nền tảng phần mềm của quá khứ, tương lai lại thuộc về các chatbot và trí tuệ nhân tạo. Microsoft cũng không bỏ qua các tiềm năng hứa hẹn đó. Và đây lại là nơi Microsoft đụng độ với một công ty phần mềm khác, Facebook, cùng với các nền tảng chat Messenger, Whatsapp, có số người dùng vượt trội so với Skype.

     Các ứng dụng chatbot cho Skype.

    Các ứng dụng chatbot cho Skype.

    Với một nền tảng dựa chủ yếu vào các kết nối xã hội, việc hiện diện ở mọi nơi là chưa đủ với Skype. Thế nhưng chatbot trên Skype có một vũ khí có thể cạnh tranh với sự phổ biến của Messenger, đó là nền tảng API cho trí tuệ nhân tạo của Microsoft, một công cụ hỗ trợ cho các nhà phát triển khi xây dựng các ứng dụng chatbot trên Skype.

    Khởi đầu chỉ là các ứng dụng có vẻ “ngớ ngẩn” hoặc làm cho vui, ví dụ như nhận diện khuôn mặt để tắt báo thức Mimicker, đo kích thước của ria mép Mymoustache.net hay Microsoft Pix, ứng dụng dùng trí tuệ nhân tạo để chụp ảnh đẹp hơn. Sự thành công của các ứng dụng này không chỉ đo bằng lượng người dùng, mà còn nhằm quảng bá tới các nhà phát triển về sự tiến bộ về trí tuệ nhân tạo của Microsoft, nhằm thu hút họ sử dụng công cụ đó để phát triển các ứng dụng cho Skype.

    Hệ sinh thái kết hợp phần cứng - phần mềm

    Không chỉ dựa đơn thuần vào phần mềm, Microsoft còn muốn tạo ra một hệ sinh thái xoay quanh những phần mềm sinh lời đó. Đó cũng là lý do cho những dự án phần cứng, dù thất bại như những chiếc Lumia chạy Windows Phone, hay có những thành công ấn tượng như dòng thiết bị Surface chạy Windows 10. Như giám đốc mảng Microsoft Surface, ông Panos Panay từng nói: “Mọi người đều cùng một thuyền, tất cả nắm lấy tay chèo và tiến về phía trước.”

     Chiếc tablet lai Asus Transformer 3 Pro.

    Chiếc tablet lai Asus Transformer 3 Pro.

    Thành công của dòng thiết bị phần cứng như Surface không chỉ dành riêng Microsoft. Nó còn biến thành tiêu chuẩn để các đối tác của họ có thể học tập và làm theo. Ngược lại, điều đó lại giúp phổ biến các phần mềm của Microsoft được tích hợp trong nền tảng thiết bị đó.

    Với thị trường PC đang trên đà suy giảm và hầu như không thể phục hồi lại đà tăng trưởng, các đối tác sản xuất thiết bị phần cứng của Microsoft đều đang đau đầu tìm lời giải cho bài toán này. Và các thành công ấn tượng của dòng Surface Pro và Surface Book đã mang đến câu trả lời cho họ. Hàng loạt những chiếc tablet lai tương tự như Surface nhưng đến từ Samsung, Dell, HP, Huawei đã xuất hiện. Và dĩ nhiên đi kèm với chúng là những phần mềm của Microsoft.

    Hiện tại, khái niệm về một công ty phần mềm hay phần cứng đang bị mờ dần đi theo các yêu cầu của thị trường. Thay vào đó là các hệ sinh thái kết hợp cả phần cứng và phần mềm, nhưng xoay quanh một nền tảng thế mạnh của hãng. Với Apple đó là hệ sinh thái xoay quanh nền tảng phần cứng, còn với Microsoft, các động thái của họ xoay quanh các nền tảng phần mềm, gồm cả những phần mềm gắn liền với thành công của họ và những nền tảng hướng tới tương lai.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ