Thấy bà không thể nhớ nổi con cháu, cô bé 14 tuổi này đã tạo ra một ứng dụng giúp người già chống lại bên Alzheimer

    Chíp,  

    Sau khi chứng kiến bà nội cố gắng nhận ra những thành viên trong gia đình, cô bé Emma Yang đã quyết định sử dụng AI và công nghệ nhận dạng khuôn mặt để giúp bà cùng những người cao tuổi mắc Alzheimer khác.

    Khi Emma Yang mới 7 hoặc 8 tuổi, bà nội cô bé ngày càng hay quên. Trong vài năm sau đó, chứng đãng trí, do bệnh Alzheimer gây ra, trên bà của Yang càng trở nên trầm trọng hơn. Vì thế, Yang, cô bé được học code từ khi còn nhỏ, đã quyết tâm tạo ra một ứng dụng có thể giúp bà của mình.

    "Trực tiếp chứng kiến căn bệnh này, em thấy nó không chỉ ảnh hưởng tới bệnh nhân mà còn ảnh hưởng tới gia đình và bạn bè. Khi khoảng 11 hoặc 12 tuổi, em thực sự quan tâm tới việc sử dụng công nghệ cho các lợi ích xã hội và giúp đỡ những người khác trên thế giới", Yang chia sẻ. Hiện tại cô bé mới tròn 14 tuổi.

    Thấy bà không thể nhớ nổi con cháu, cô bé 14 tuổi này đã tạo ra một ứng dụng giúp người già chống lại bên Alzheimer - Ảnh 1.

    Emma Yang đang miệt mài với dự án Timeless

    Trong ứng dụng mang tên Timeless đang được phát triển của Yang, các bệnh nhân Alzheimer có thể cuộn qua các bức ảnh của bạn bè và gia đình và ứng dụng sẽ cho bệnh nhân biết người trong ảnh là ai, có mối quan hệ như thế nào với họ bằng cách sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Nếu bệnh nhân không thể nhận ra ai đó trong phòng, họ có thể chụp ảnh và ứng dụng sẽ tự động nhận dạng sau đó thông báo cho bệnh nhân.

    "Em thấy rất nhiều thứ về AI và nhận dạng khuôn mặt đang thực sự phát triển và đang được áp dụng trong nhiều lĩnh vực hơn, đặc biệt là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe", Yang nói. Cô bé đã hợp tác với các cố vấn tại công ty công nghệ Kairos và cũng đã lần đầu tiên học code cho iPhone. Kairos là công ty cung cấp phần mềm nhận diện khuôn mặt được sử dụng trên Timeless.

    Ứng dụng bao gồm một màn hình nhắc nhở đơn giản, liệt kê các cuộc hẹn trong ngày cùng với màn hình danh bạ cũng rất đơn giản với ảnh và tên các thành viên trong gia đình. Nếu bệnh nhân cố gắng liên lạc với ai đó nhiều lần, một điều đôi khi xảy ra với người mắc Alzheimer, ứng dụng sẽ hiển thị một nhắc nhở với nội dung: "Bạn có chắc chắn muốn thực hiện cuộc gọi không? Bạn vừa gọi người này cách đây 5 phút". Ngoài ra, ứng dụng còn có trang cá nhân, hiển thị tên, tuổi, số điện thoại và địa chỉ của bệnh nhân.

    Thấy bà không thể nhớ nổi con cháu, cô bé 14 tuổi này đã tạo ra một ứng dụng giúp người già chống lại bên Alzheimer - Ảnh 2.

    Một vài giao diện của Timeless

    Những người chịu trách nhiệm chăm sóc sẽ quản lý một số phần khác của ứng dụng, bao gồm việc nhập các sự kiện hàng ngày vào lịch và mời bạn bè cùng gia đình gửi bộ ảnh ban đầu để thuật toán nhận dạng khuôn mặt có thể dùng để xác định họ.

    Timeless vẫn đang trong quá trình phát triển và Yang vẫn chưa chứng minh được rằng nó sẽ có tác dụng. Trong chiến dịch gây quỹ cộng đồng, Yang muốn mọi người góp vốn để có thể tiến hành bước tiếp theo trong dự án đó là thí điểm Timeless trên bệnh nhân. Mặc dù vậy, Yang khá lạc quan về tương lai của ứng dụng. Cô bé nghĩ rằng nó sẽ hữu ích, đặc biệt là khi được giới thiệu với những bệnh nhân giai đoạn đầu.

    "Hiện tại trên thị trường chưa có ứng dụng nào thực sự giúp ích cho bệnh nhân Alzheimer trong cuộc sống hàng ngày của họ", Yang nói. "Nhiều người nghĩ rằng điều này chẳng có tác dụng hoặc người già không thực sự rành về công nghệ nhưng thực tế nếu bạn đưa nó cho họ theo cách có chiến lược, nó sẽ thực sự có ích và giúp đỡ nhiều cho cuộc sống của họ".

    "Có thể một số người bị suy giảm nhận thức hoặc gặp vấn đề về trí nhớ sẽ gặp khó trong vấn đề làm quen với một công nghệ hoặc phần mềm mới", Katherine Possin, một giáo sư tại Trung tâm Lão khoa và Trí nhớ UCSF, người không tham gia dự án của Yang, chia sẻ. "Nhưng nếu ai đó hiểu về căn bệnh của họ và hỗ trợ tận tình và ứng dụng này đủ đơn giản thì họ hoàn toàn có thể học cách sử dụng nó thông qua việc bắt chước và thực hành".

    Theo Possin, việc cuộn qua các bức ảnh được gắn tên có thể là một loại hoạt động xã hội với bệnh nhân, giúp ghi nhớ người thân và bạn bè trong tâm trí họ. Nó cũng có thể tăng cường trí nhớ. "Tôi nghĩ sẽ rất hữu ích với bệnh nhân nếu được gợi lại những ký ức quan trọng đối với họ. Có cơ hội gợi lại ký ức sẽ giúp họ mạnh mẽ hơn và kiên cường hơn khi đối mặt với căn bệnh", Possin nói.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ