Thế giới Android đã thay đổi vĩnh viễn khi Pixel ra mắt, nhưng chưa chắc đã là tin mừng với Google

    Lê Hoàng,  

    Khi ông chủ của một hệ điều hành được cung cấp miễn phí với đầy đủ tính năng bỗng dưng chuyển hướng tập trung vào sản xuất phần cứng, và khi sản phẩm phần cứng ấy lại có một thế mạnh đặc biệt hấp dẫn về... phần mềm, chắc chắn thị trường sẽ sớm trở nên hỗn loạn và khắc nghiệt hơn rất nhiều.

    Cách đây gần 10 năm, Google chiêu mộ một nhân sự cao cấp từ Microsoft có tên Vic Gundotra. Dưới trướng Steve Ballmer, vị lãnh đạo này đảm nhiệm vị trí phát triển các dịch vụ Windows Live - những sản phẩm không bao giờ cạnh tranh nổi với Google. Khi về Google, vị lãnh đạo cũ của Microsoft phát triển một sản phẩm về bản chất chỉ là bản sao của Facebook nhưng được hy vọng sẽ có vai trò là trung tâm của tất cả các dịch vụ Google. Đáng tiếc rằng tầm nhìn dành cho Google lại gây ảnh hưởng rất tiêu cực tới các dịch vụ khác của Google như Gmail và YouTube. Cuối cùng, Google thất thế trước Facebook, Vic Gundotra ra đi và đội ngũ Google vẫn bị coi là kẻ ngoại đạo trong gia đình Google.

    Cuối tháng 4 vừa rồi, Google lại một lần nữa chiêu mộ (lại) một nhà lãnh đạo từ một mảng kinh doanh đang thất bại. Trong lúc Lenovo vẫn đang loay hoay tìm cách thực sự sáp nhập Motorola vào mảng kinh doanh truyền thống của mình, Rick Osterloh, cựu chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của thương hiệu điện thoại thất thế này đã trở về Google đảm nhiệm vai trò dìu dắt mảng phần cứng mới thành lập. Thực chất, Osterloh đã xây dựng cơ nghiệp của mình trong giai đoạn Google sở hữu Motorola và cũng là người cuối cùng lên nắm quyền tại nhà sản xuất điện thoại này trước khi thương vụ sáp nhập với Lenovo được hoàn tất.

    Khi Google ra mắt một loạt sản phẩm phần cứng trong sự kiện Pixel ngày hôm qua, bất kỳ ai cũng có thể nhận thấy một sự mâu thuẫn khó hiểu. Là sản phẩm đầu tiên của một bộ phận phần cứng được định hình rõ ràng và tập trung, thế mạnh lớn nhất của Pixel lại nằm ở... phần mềm.

    Thế mạnh phần mềm?

    Google không ngại ngần tuyên bố trải nghiệm Android trên Pixel không phải là Android nguyên bản như Nexus mà là "Android theo khẩu vị riêng của Google". Bên cạnh một bộ launcher hoàn toàn mới, Pixel cũng là mẫu smartphone đầu tiên - và tính đến thời điểm này là duy nhất - được sở hữu trải nghiệm hoàn chỉnh nhất, bao trùm nhất của trợ lý ảo Google Assistant. Trong một tuyên bố chính thức, Google khẳng định Pixel sẽ được độc quyền Assistant trong thời gian trước mắt và cũng chưa có quyết định chính thức cho tương lai.

    Nhưng tại sao Google lại muốn giữ riêng Assistant cho Pixel? Nói "Google phải kiểm soát cả phần cứng lẫn phần mềm để phát huy sức mạnh AI" thì có khác gì xổ toẹt ý nghĩa của đám mây và khước từ không cho trợ lý ảo này lên hàng trăm triệu thiết bị Android của hiện tại và tương lai?

    Bạn có thể đưa ra câu trả lời rằng "Google muốn cạnh tranh toàn diện với Apple", và quả thật là Assistant có thể đè bẹp Siri về chất lượng. Nhưng Siri thì đã có mặt trên hàng trăm triệu chiếc iPhone bán ra trong suốt 5 năm vừa qua. Cả Google và HTC đều không đủ năng lực phần cứng để đạt đến quy mô đó.

    Google cũng không nên cạnh tranh toàn diện với smartphone Apple làm gì cả. Lý do: doanh số Apple không bì kịp Samsung và cũng là quá nhỏ bé so với "đại gia đình" Android cộng lại. Khi cung cấp Android miễn phí cho tất cả các đối tác, Google cũng đảm bảo rằng YouTube, Gmail, Google Maps, Google Search... sẽ phủ sóng trên những chiếc smartphone toàn cầu. Về bản chất, Assistant cũng không hề khác biệt so với Maps hay Search: trợ lý ảo này sẽ cung cấp cực kỳ nhiều thông tin hữu ích về người dùng, đem lại nguồn doanh thu quảng cáo khổng lồ đã luôn là miếng ăn chính cho Google trong những năm vừa qua.

    Nói cách khác, Assistant cũng nên có mặt trên tất cả những chiếc smartphone Android bán ra trong tương lai.

    Lưỡi dao đâm đối tác?

    Vì smartphone là một kênh trung gian tuyệt vời cho Tìm kiếm, Gmail và Maps nên Google mới ban phát Android miễn phí, đổi lại các nhà sản xuất phải cung cấp dịch vụ Google lên smartphone của họ. Từ trước tới nay, những chiếc smartphone đắt tiền mang thương hiệu Google đều chỉ đóng vai trò khuôn mẫu thiết bị Android cho các đối tác phần cứng vận dụng và cải tiến. Bất kể một tính năng Android nào có mặt trên Nexus đều sẽ có mặt trên những chiếc smartphone Android của Samsung, LG hay HTC ra mắt sau đó. Bất cứ một tính năng phần mềm nào của Android đều phải là "của chung", và chỉ riêng các OEM tạo ra tính năng riêng để cạnh tranh cùng nhau.

    Với chiếc Pixel mang "khẩu vị Android riêng", Google đã biến Samsung, LG và rất nhiều hãng smartphone khác thành đối thủ.

    Có vẻ, gã khổng lồ tìm kiếm đã quên mất rằng đây mới chính là những thế lực đã bóp chết HTC, công ty trực tiếp sản xuất Pixel. Chính những thế lực ấy cũng đã một lần tìm đến Tizen hay Windows Phone để bớt phụ thuộc vào Google. Giờ đây, khi quyền kiểm soát Android đã bị chia sẻ ít nhiều cho Oracle thông qua quyết định sử dụng OpenJDK, khi cả trợ lý ảo lẫn đám mây của Microsoft và Amazon đều đang đi trước Google, gã khổng lồ tìm kiếm bỗng dưng lại cho các đối tác OEM thêm một lý do để biến bạn thành thù.

    Lịch sử của Google có vẻ đang lặp lại. Google đang xáo trộn một mô hình kinh doanh quá thành công để đổi lấy những lợi ích có vẻ to lớn nhưng thực tế thì không biết tiềm năng đến đâu. Từ trước đến nay, Android đã luôn là một thứ của chung được Google mang phân phát miễn phí nhằm tạo nguồn doanh thu dồi dào cho các dịch vụ của hãng. Bắt đầu từ ngày hôm qua, Google đã mở ra khả năng biến Android thành của riêng, giới hạn một dịch vụ dữ liệu cực kỳ quan trọng cho riêng một sản phẩm phần cứng đóng vai trò "lưỡi dao" đâm vào lưng đối tác.

    Bất kể Pixel thành công hay thất bại, khung cảnh Android đã vĩnh viễn thay đổi kể từ ngày Pixel ra mắt...

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày