Thế Giới Di Động có giữ thương hiệu Trần Anh nếu thâu tóm?

    Hải Đăng, Theo ICTnews 

    Nếu mua Trần Anh, Thế Giới Di Động cho biết sẽ giữ lại thương hiệu này trong khoảng thời gian ít nhất 12-18 tháng.

    Một nguồn tin từ siêu thị điện máy Trần Anh xác nhận trên truyền thông ngày hôm âny cho biết, Thế Giới Di Động gần như hoàn tất mua lại hệ thống siêu thị này. Tuy nhiên, đại diện Thế Giới Di Động cho hay hiện chưa có thông tin chính thức.

    Siêu thị điện máy Trần Anh - Ảnh: trananh
    Siêu thị điện máy Trần Anh - Ảnh: trananh

    Gần như chắc chắn thương vụ mua lại của Thế Giới Di Động sẽ thực hiện với một đối tác điện máy phía Bắc, nơi chuỗi Điện máy Xanh của công ty này chưa đủ mạnh.

    Trước đây, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động, cho biết các siêu thị điện máy phía Bắc có những sự am hiểu riêng về thị trường tại chỗ và có khách hàng riêng mà chuỗi điện máy của công ty ông chưa khai thác hết. Thế Giới Di Động đã gửi văn bản xin ý kiến cổ đông về việc tăng ngân sách 2.500 tỷ đồng phục vụ các thương vụ mua lại trong ngành dược phẩm và điện máy. Dự kiến giữa tháng này mới thu thập đủ xem cổ đông công ty có quyết định tăng vốn để thực hiện các vụ sáp nhập hay không.

    Đó cũng là lý do Thế Giới Di Động đang xin ý kiến cổ đông tăng tiền để mua vào chuỗi điện máy khu vực phía Bắc, bên cạnh việc mua lại chuỗi dược phẩm.

    Các chuyên gia cho rằng trong các ứng viên phía Bắc, Trần Anh là hệ thống siêu thị phù hợp để Thế Giới Di Động mua lại, vì chuỗi điện máy này đã niêm yết nên minh bạch thông tin. Chưa kể số lượng cổ đông nắm cổ phần lớn tại chuỗi này không nhiều nên dễ nhận được sự đồng thuận. Chuỗi này cũng có số lượng cửa hàng nhiều nhất nhì phía Bắc.

    Trong sự kiện được tổ chức cho nhà đầu tư hôm 3/8, khi được hỏi về việc kế hoạch của Thế Giới Di Động sau khi thâu tóm chuỗi điện máy, ông Trần Kinh Doanh, CEO Thế Giới Di Động, cho biết rất nhiều khả năng sẽ giữ nguyên thương hiệu cũ trong ngắn hạn, trong thời gian 12-18 tháng.

    “Tuy vậy nhân lực vận hành bên trong đều giống nhau, đều là của một công ty. Người ngoài nhìn vào sẽ thấy hai thương hiệu khác nhưng thực ra nó là một xét về vận hành”, ông Doanh trả lời một nhà môi giới.

    “Đến khi mở mới một điểm nào đó tại khu vực phía Bắc, tùy nghiên cứu mà chúng tôi sẽ mở Điện máy Xanh hay thương hiệu ABC nào đó mới mua lại. Giả sử mở Điện máy Xanh lợi thế hơn thì mở, mở thương hiệu ABC kia ý nghĩa hơn thì mở ABC. Tuy nhiên khả năng lớn là chúng tôi mở Điện máy Xanh vì thương hiệu này đã được đầu tư kỹ lưỡng”, ông Doạnh tiếp tục.

    Trước đó, trả lời một câu hỏi về nguồn tiền 2.500 tỷ lấy từ đâu, ông Nguyễn Đức Tài cho rằng “cổ đông sẽ không tốn một xu” trong đề xuất ngân sách này, tức Thế Giới Di Động không phát hành cổ phiếu để huy động tiền từ cổ đông. Thay vào đó, nguồn tiền này trích từ khoản vay trung hạn.

    Trước khi xin cổ đông phê duyệt nguồn tiền 2.500 tỷ đồng cho mua bán, sáp nhập sắp tới, Thế Giới Di Động từng xin cổ đông ngân sách 500 tỷ đồng. Tuy nhiên có lẽ quy mô thâu tóm của công ty đã tăng lên nên cần nguồn tiền cao hơn gấp 5 lần.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ