5 bí kíp chụp ảnh những ngày mưa gió bạn nên biết

    Tuấn Lê,  

    Tổng hợp những kiểu chụp có thể áp dụng dưới trời mưa và những phụ kiện cần thiết.

    Đa số trong chúng ta khi đi chụp ảnh đều có xu hướng chọn trời đẹp, nắng tốt để chất ảnh lên màu tốt nhất có thể và rất nhiều trong số đó khi thấy trời mưa sẽ quyết định cất máy mà không chụp gì.

    Tuy nhiên, mỗi kiểu thời tiết đều có cái hay riêng để tận dụng. Mưa là thời điểm mà sinh hoạt của mọi người rất tất bật vội vã, cá nhân là người thích chụp ảnh phong cách đường phố (streetlife), người viết lại rất thích nắm lấy những khoảnh khắc này để đưa sự “vội vã” vào khung ảnh.

    1. Bảo vệ thiết bị

    Nhưng trước khi tiến hành chụp ảnh trong điều kiện thời tiết này, ta nên chuẩn bị những gì? Đầu tiê,n cần phải bảo vệ chiếc máy ảnh thân yêu của mình khỏi nước mưa. Nếu thân máy và ống kính của bạn có tính năng chống chịu thời tiết (weather shield) thì điều này không mấy quan trọng, nhưng nếu máy bạn không có, hãy trang bị cho mình một áo mưa chuyên dụng cho máy ảnh.

    Cách này cũng nên áp dụng với những chiếc smartphone nếu bạn là người thích chụp ảnh bằng điện thoại. Hãy bảo vệ những thiết bị của mình ở mọi tình huống để tránh những trục trặc đáng tiếc xảy ra trong quá trình tác nghiệp. Nếu như chiếc smartphone có tính năng chống nước, cũng đừng quá chủ quan.

    Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ thiết bị, hãy lên đường và chụp ảnh bất cứ lúc nào. Khoảnh khắc sẽ luôn có mặt ở mọi nơi nếu bạn tinh ý và tìm hiểu kỹ. Như đã nói ở trên, tôi thích chụp ảnh theo phong cách đường phố, vì vậy thời điểm trời mưa sẽ là lúc bức ảnh của mình có thể thể hiện được sự vội vã của người dân xung quanh.

    2. "Bắt" các khoảnh khắc sinh hoạt

    Địa điểm chụp ảnh cho thể loại này rất đa dạng: từ ngay trước con hẻm, con phố nơi bạn ở, cho đến những khu chợ nhộn nhịp. Đối với tôi, chủ thể và bối cảnh sinh hoạt trong điều kiện thời tiết này có thể tận dụng được rất nhiều, chẳng hạn như cảnh người người đổ xô nhau kiểm chỗ trú mưa hoặc vội vã mặc áo mưa rồi chạy thật nhanh về nhà, cảnh những người cầm dù đi dưới mưa, cảnh chợ dưới cơn mưa…

     

    Thậm chí, nếu cần nhấn mạnh sự vội vã của con người dưới những cơn mưa, tôi sẽ chọn chụp kiểu panning (lia máy) như tấm ảnh dưới đây:

     Ảnh: Tuấn Lê.

    Ảnh: Tuấn Lê.

    Để chụp ảnh panning, đầu tiên bạn cần giảm tốc độ màn trập về 1/15 giây cho đến 1/30 giây, lưu ý nhớ điều chỉnh ISO và khẩu độ cho phù hợp với điều kiện ánh sáng. Sau đó suy nghĩ trước chủ thể cần chụp sẽ là gì, nếu đó là xe máy hãy chọn tốc độ màn trập 1/15 giây, còn xe hơi hãy chọn ở tốc độ 1/30 giây.

    Bước tiếp theo là đợi chủ thể thích hợp chạy đến, chuẩn bị lia máy theo hướng xe chạy (chẳng hạn xe chạy từ hướng trái sang phải, hãy lia máy theo từ hướng trái sang phải), lấy nét và chụp. Tuy nhiên đừng ngưng ngay lúc đó mà hãy lia máy thêm một đoạn nữa sau khi bấm nút chụp, như vậy ảnh cho ra sẽ tạo cảm giác mờ ảo và chủ thể thật sự “động” hơn trong bức ảnh. Lưu ý: Phương pháp này cũng có thể thử với bất kỳ smartphone nào có chế độ điều chỉnh tốc độ màn trập.

    3. Chụp sét

    Ảnh: Đình Kiên.
    Ảnh: Đình Kiên.

    Cơn mưa thường hay đi kèm với sét, và đây cũng là dịp để bạn chụp những tia sét chói lòa như muốn xé tan bầu trời đêm tối. Tuy nhiên điều này cũng là một thách thức không nhỏ khi những tia sét xuất hiện rất nhanh và khó bắt kịp. Điều này không sai vì sét xuất hiện cực nhanh, chỉ khoảng 30 micro giây hoặc 30/1.000.000 giây và người chụp phải bắt nhịp theo tốc độ, vậy làm sao để chụp được khoảnh khắc này?

    Đầu tiên ta cần một tripod cho máy ảnh và cần kỹ thuật phơi sáng. Tùy theo điều kiện sáng vào khu vực đó như thế nào mà ta có điều chỉnh ISO và khẩu độ phù hợp. Thường nếu ở khu vực đêm tối vắng dân cư, ta nên để ISO 100 – 200 và khẩu ở mức từ F5.6 hoặc 7, tuy nhiên nếu ở khu vực đông đúc dân cư bị ảnh hưởng ánh sáng lên bầu trời nhiều, ta nên khép khẩu xuống nhiều hơn nữa.

    Bước tiếp theo ta nên nắm bắt vị trí nào sẽ xuất hiện sét, chỉnh sang lấy nét tay và vặn ống kính lấy nét về vô cực. Bạn có thể chỉnh tốc độ màn trập phơi ở 20 giây cho đến 30 giây và nếu may mắn trong thời gian đang phơi đó, nếu có sét đánh trên bầu trời, bạn sẽ bắt được giây phút này vào ảnh. Ngoài ra, cũng có một cách khác linh động hơn là chỉnh máy chuyển sang chế độ Bulb và bấm nút chụp chờ khi có tia sét xuất hiện thì bắt đầu thả nút chụp ra, tốt nhất nếu sử dụng chế độ này hãy dùng kèm theo remote để hạn chế việc rung máy tối đa.

    4. Chụp giọt nước rơi

    Để chụp được khoảnh khắc giọt nước bắn (water splash), ta cần chuẩn bị một đèn flash. Lưu ý nên chuyển máy về chế độ lấy nét tay, vặn nét vào khu vực cần lấy nét, tìm hiểu tốc độ sync flash của màn trập trên máy ảnh của bạn (thường là 1/200 giây) và khép khẩu xuống mức dưới F8 nếu muốn tập trung chủ thể vào giọt nước.

    Vậy nếu không có đèn flash thì sao? Bạn có thể tận dụng nguồn sáng xung quanh và sáng tạo một số kiểu chụp khác. Nếu nguồn sáng đủ tốt, bạn vẫn có thể chụp được cảnh nước mưa đang rơi trên lá bằng cách chụp ở tốc độ màn trập nhanh hoặc những giọt mưa rơi xuống vũng nước…

     

    5. Chụp ảnh phản chiếu qua vũng nước

     Ảnh: Trọng Tín.

    Ảnh: Trọng Tín.

    Thời điểm sau mưa thường để lại những vũng nước đọng, nếu tinh ý, ta cũng có thể tạo được những khoảnh khắc ảnh phản chiếu từ những vũng nước này. Hơn nữa, sau những cơn mưa, các loại hình sinh hoạt trên đường phố sẽ tấp nập lại hơn, vì thế bạn sẽ dễ dàng có được những bức ảnh ưng ý hơn. Để chụp những bức ảnh phản chiếu, bạn không cần tốn nhiều kỹ thuật, hãy tìm những vũng nước yên ắng và hạ thấp máy để có được bố cục tốt, sau đó chờ đợi khoảnh khắc quyết định.

    Ngoài những phương pháp tôi đã chia sẻ trên đây, vẫn còn rất nhiều thể loại khác để phá cách hoặc sáng tạo thêm. Dưới đây là một số kiểu ảnh có thể chụp khi trời mưa, bạn đọc có thể tham khảo thêm và sáng tạo theo cách riêng của mình:

     

     

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ