Thủ tướng gọi sự kiện ra mắt Go-Viet tại Hà Nội chiều nay là tin vui, tin nóng

    Đức Minh, Theo Trí Thức Trẻ 

    "Việt Nam mong muốn nhìn thấy nhiều hơn nữa những sự kiện như thế này", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại WEF ASEAN sáng nay (12/9). Người đứng đầu chính phủ cũng nêu sáng kiến của Việt Nam là "hòa mạng di động 1 giá cước toàn ASEAN".

    Phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 diễn ra sáng nay (12/9) với sự tham dự của hơn 1.000 lãnh đạo các nền kinh tế trong khu vực, các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia. Mục tiêu của Diễn đàn là cùng nhìn lại và định hình ASEAN trong giai đoạn cuộc cách mạng 4.0 đang ảnh hưởng đến mọi quy tắc, mọi nền kinh tế.

    Là người phát biểu đầu tiên, Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab cho biết Diễn đàn tại Hà Nội hôm nay là cuộc gặp cấp cao chưa từng có. Điều này khẳng định tiềm năng của khu vực ASEAN khi trở thành lực lượng kinh tế, chính trị mạnh mẽ trên toàn cầu, trong bối cảnh thế giới đang bị phân mảnh.

    Cuộc cách mạng 4.0 được ông Klaus Schwab nhìn nhận sẽ mở ra một tiềm năng lớn hơn cho ASEAN. Tuy nhiên, để làm chủ được nó, lãnh đạo các nền kinh tế ASEAN cần phải có tầm nhìn, chính sách mạnh mẽ, mục tiêu là người đi đầu, chứ không phải đi sau.

    Thay mặt Tổng Thư ký đương nhiệm António Guterres, đại diện của Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh đến việc các quốc gia khi phát triển cách mạng 4.0 cần đảm bảo được yếu tố bền vững và bao trùm.

    "ASEAN là đối tác quan trọng của Liên Hiệp Quốc", vị này nói và cho biết tổ chức này rất chú trọng đến sự hợp tác giữa hai bên mà ở đó, các nhà chính trị, nhà khoa học, nhà kinh tế cùng nhau định hình toàn cầu hoá, khai thác công nghệ và thực hiện lời hứa "không để ai bị bỏ lại phía sau".

    ASEAN sắp chấm dứt thời kỳ là công xưởng thế giới

    Sau 2 bài phát biểu ngắn của WEF và Liên Hiệp Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại diện nước chủ nhà đã có những chia sẻ về cách mạng công nghiệp.

    "Trước đây khi nghĩ đến ASEAN, người ta nghĩ đến các nguồn tài nguyên phong phú, giàu tiềm năng hay là công xưởng của thế giới", Thủ tướng Phúc nói. Nhưng nhờ vào sự tiến bộ của khoa học công nghệ, ASEAN giờ đây cũng có thể xem là một trong những nơi khởi nguồn cho những ý tưởng.

    Tiềm năng về công nghệ cao của khu vực được dự báo sẽ tăng gấp 4 lần, đạt quy mô 200 tỷ USD là cơ hội rất lớn, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

    Ông cho biết các quốc gia trong khu vực có khả năng thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, phát triển bền vững, phát huy DNNVV – vốn được xem là xương sống của nền kinh tế và kết nối những doanh nghiệp này với thị trường toàn cầu.

    ASEAN cũng có cơ hội đi tắt, đón đầu bằng cách bỏ qua những phương thức truyền thống, áp dụng luôn công nghệ.

    Tuy nhiên, Thủ tướng Phúc cũng nói rằng nhiều thách thức đang đón chờ mà rõ rệt nhất là sự mất đi công việc do tự động hoá. ASEAN theo đó cũng chấm dứt kỷ nguyên công xưởng toàn cầu. Mặt khác, đây còn là nỗi lo về bất bình đẳng xã hội.

    Do vậy, lãnh đạo của các nền kinh tế trong các nước cần nhìn thẳng vào thách thức, cơ hội để đặt ra những ưu tiên trong bối cảnh cách mạng 4.0 mà ở đó, môi trường kinh doanh được hài hoà, doanh nghiệp nội khối được phát huy quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.

    "Việt Nam đang đưa ra các sáng kiến mới như hoà mạng di động 1 giá cước toàn ASEAN", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

    Ông cũng tỏ ra vui mừng khi gọi việc Go Jek, một doanh nghiệp khởi nghiệp của Indonesia và Go-Viet, công ty khởi nghiệp của Việt Nam khai trương dịch vụ vận chuyển hành khách trên nền tảng 4.0. Thủ tướng đã gọi sự kiện này là tin vui, tin nóng. Ông cũng cho biết thêm, Tổng thống Indonesia sẽ tham dự sự kiện này.

    "Việt Nam mong muốn được thấy nhiều hơn nữa những hợp tác này", Thủ tướng nói và nhận xét không khí của công nghệ 4.0 đang lan toả.

    Ngoài ra, trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng cũng đề xuất lãnh đạo các nước sẽ cùng nhau thảo luận, hợp tác để phát huy, xây dựng khu vực xứng với tiềm năng đang có.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ