Thương mại điện tử Việt Nam: Những gã khổng lồ Trung Quốc chạy đua cùng các đại gia Việt

    Ngô Ngọc Quang, Theo Trí Thức Trẻ 

    Thương mại điện tử Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng cạnh tranh rất khốc liệt, tiền đổ vào nhiều nhưng viễn cảnh lợi nhuận còn rất xa. Thị trường Việt Nam giờ đã có mặt 3 người khổng lồ đến từ Trung Quốc gồm: Alibaba, Tencent và JD.com.

    Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng với gần 93 triệu dân và cấu trúc dân số trẻ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định làm tăng thu nhập khả dụng của người dân. Tỷ lệ người dân sử dụng sử dụng Internet đến hết năm 2016 đã là 53%, ngang mức bình quân của khu vực. Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu nâng con số này lên 80%-90% trong các năm tới.

    Theo đại diện Shopee Việt Nam, quy mô thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2016 vào khoảng 1,7 tỷ USD và dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng lên khoảng 7,5 tỷ USD. Hãng nghiên cứu và tư vấn Frost and Sullivan cũng từng dự báo quy mô thị trường Việt Nam sẽ tăng từ 1,7 tỷ USD năm 2016 lên 3,7 tỷ USD vào năm 2020, tương đương tốc độ tăng trưởng 45%/năm.

    Trong báo cáo vừa công bố gần đây, tập trung đánh giá tăng trưởng ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) thông qua các kênh thương mại điện tử, Kantar đã ước tính tốc độ tăng trưởng tại Việt Nam từ Quý 1/2016 đến hết Quý 1/2017 là 69%. Giá trị của giỏ hàng mua sắm trực tuyến đã gấp ba lần giá trị của một giỏ hàng truyền thống. Tỷ lệ người mua hàng thông qua kênh thương mại điện tử đã tăng từ 5,4% lên 8,8% tại 4 thành phố lớn (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng).

    Thương mại điện tử Việt Nam giờ là sân chơi của các đại gia trong và ngoài nước. Theo mô hình C2C (Customer – Customer) hiện có Sen Đỏ, Shopee, Chợ Tốt, Én bạc, Vật Giá, … Theo mô hình B2C (Business – Customer) hiện có Lazada, Tiki, A đây rồi, Lotte, Vuivui, ...

    Sự đổ bộ của các đại gia Trung Quốc

    Tháng 4/2016, tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma đã chi 1 tỷ USD để mua lại 51% cổ phần tại Lazada, vốn được coi là Amazon của Đông Nam Á. Đến tháng 06/2017, Alibaba tiếp tục rót thêm 1 tỷ USD để nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần lên 83% tại start-up được định giá 3,15 tỷ USD này.

    Tháng 11/2017, tập đoàn thương mại điện tử JD.com vốn đang cạnh tranh với Alibaba tại thị trường Trung Quốc đã rót 44 triệu USD vào công ty bán lẻ trực tuyến Tiki. Tiki trước đó là công ty liên kết của VNG với tỷ lệ sở hữu cổ phần tính đến 30/09/2017 là 38%.

    Một doanh nghiệp nữa có ảnh hưởng gián tiếp từ Trung Quốc nữa là Shopee. Shopee là công ty con của SEA. Tháng 10/2017 vừa qua, SEA, trụ sở chính tại Singapore, trở thành công ty công nghệ đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á chào bán cổ phiếu trên NYSE, thương vụ IPO thu về 884 triệu USD. SEA có cổ đông lớn là Tencent, tập đoàn có giá trị vốn hóa vừa vượt qua mốc 500 tỷ USD, trên cả người khổng lồ Facebook.

     Thương mại điện tử Việt Nam: Những gã khổng lồ Trung Quốc chạy đua cùng các đại gia Việt - Ảnh 1.

    Như vậy những đại gia về công nghệ và thương mại điện tử của Trung Quốc thông qua việc sở hữu trực tiếp và gián tiếp đều đã có mặt tại Việt Nam. Mục tiêu lớn hơn của các tên tuổi này là cả thị trường Đông Nam Á rộng lớn với quy mô trên 640 triệu dân và tổng GDP đạt gần 2.600 tỷ USD. Với vị trí địa lý gần kề, các đại gia Trung Quốc không giấu tham vọng biến Đông Nam Á thành “sân sau”, bước đệm để bành trướng ra thế giới trước khi đối thủ Amazon (Mỹ) nhảy vào thị trường tiềm năng này.

    …. và sự tham gia của những doanh nghiệp Việt

    Tham gia sớm vào thị trường khốc liệt này phải kể đến FPT. Từ năm 2012, FPT đã phát triển trang thương mại điện tử Sen đỏ với tuyên bố thời điểm đấy là trở thành sàn thương mại điện tử số một Việt Nam. Đến giữa năm 2014, FPT bổ sung thêm 123mua.vn bằng cách mua lại từ VNG.

    Tháng 08/2015, Vingroup ra mắt website A đây rồi sau hai năm thai nghén.

    Tháng 01/2017, Thế giới di động cũng chính thức ra mắt trang thương mại điện tử Vuivui. Với thành công vượt bậc trong thị trường bán lẻ di động, điện máy, MWG cũng không giấu tham vọng trở thành trang thương mại điện tử số một Việt Nam. Tuy vậy nguồn lực của MWG hiện đang tập trung vào việc mở rộng chuỗi cửa hàng Bách hóa xanh nhiều hơn là cho thương mại điện tử.

     Thương mại điện tử Việt Nam: Những gã khổng lồ Trung Quốc chạy đua cùng các đại gia Việt - Ảnh 2.

    Những bài toán chung cần được giải quyết

    Tại thị trường còn ở giai đoạn đầu phát triển như Việt Nam, ngoài việc cạnh tranh với nhau, các trang thương mại điện tử còn phải giải quyết những bài toán chung. Trên tất cả vẫn là hình thành thói quen mua sắm online và cải thiện niềm tin vào hệ thống thương mại điện tử. Những phản ánh về chất lượng sản phẩm khiến người tiêu dùng Việt còn rất cẩn trọng với mua sắm trực tuyến.

    Kế đến là bài toán thanh toán online. Tỷ lệ người dân có thẻ ngân hàng và sử dụng các dịch vụ e-banking còn rất thấp. Hệ quả là người mua hàng ở Việt Nam vẫn sử dụng thanh toán tiền mặt (COD - Cash on delivery) đến 80%-90%. COD còn được yêu thích bởi tâm lý nghi ngờ và muốn kiểm tra hàng trước khi thanh toán. COD làm phát sinh thêm các chi phí thu tiền, rủi ro bị hủy đơn hàng tăng kéo theo các chi phí chuyển hàng đi và chuyển hoàn.

    Chiến lược của các đại gia trong ngành thương mại điện tử là cố gắng tích hợp các ví điện tử vào hệ thống của mình. Sau khi mua lại Lazada, Jack Ma tìm cách đưa Alipay vào Việt Nam với tuyên bố “nếu họ dùng Alipay mà mất 1 USD, tôi sẽ đền 1 USD, còn nếu mất 1 triệu USD chúng tôi sẽ đền 1 triệu USD”. Hay như SEA cũng phát triển Airpay bên cạnh Shopee. Doanh nghiệp Việt như FPT cũng có SenPay bên cạnh Sendo.

    Bài toán thứ ba là giao hàng. Thời gian giao hàng hiện tại tuy đã được rút ngắn những vẫn chưa thật sự khiến người tiêu dùng thỏa mãn. Kết hợp với các đối tác như Giao hàng nhanh, Viettel Post, Vietnam Post là điều tất yếu. Thậm chí SEA còn thâu tóm cả một đơn vị chuyên giao nhận như Giao hàng tiết kiệm để hỗ trợ cho Shopee.

    Một số doanh nghiệp theo đuổi mô hình B2C còn gặp phải những vấn đề về chi phí vốn và hạ tầng kho bãi. Riêng doanh nghiệp Việt nếu theo đuổi mô hình B2C còn có thể gặp khó khăn khi nguồn hàng được sản xuất trong nước còn hạn chế. Quan ngại về những trang web thương mại điện tử ngập tràn hàng hóa Trung Quốc là hiện hữu. Thực tế người Trung Quốc cũng không hề giấu ý định mang hàng hóa của họ đi bán khắp toàn cầu

    Bức tranh lợi nhuận còn khá xa

    Thương mại điện tử tiếp tục là cuộc chiến đẫm tiền không khoan nhượng giữa các đại gia. Để thu hút khách hàng, các trang web buộc phải khuyến mãi, giảm giá sản phẩm, miễn phí giao hàng. Cạnh tranh càng khốc liệt, người dùng càng có lợi.

    Nhìn chung của các trang thương mại điện tử hiện nay đều hoạt động không có lãi. Lazada đã từng lỗ khoảng 334 triệu USD trong năm 2015 ngay trước khi được Alibaba mua lại vào năm 2016. Theo báo cáo tài chính hợp nhất Quý 3/2017 của VNG, giá trị khoản lỗ khi đầu tư vào Tiki hiện là 171 tỷ đồng trên tổng vốn đầu tư 384 tỷ đồng. Trước đó sàn thương mại điện tử Lingo.vn cũng đã phải đóng cửa sau khi lỗ khoảng hơn 150 tỷ đồng.

    Một khi đã xác định tham gia cuộc chơi, các nhà đầu tư đều nhận thức rõ vấn đề này. Thời điểm này tiền không khác gì ôxy, sẽ phải bơm và đốt liên tục để duy trì hoạt động. Tiếp tục gia tăng hiện diện, giành giật thị phần và gọi vốn có lẽ vẫn là hướng đi duy nhất của các trang thương mại điện tử trước khi nghĩ tới lợi nhuận.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ