Tim Cook nói Apple không hề chậm chân hơn so với Google, Microsoft trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo

    Neo,  

    CEO của Apple đã dành một ngày tại Viện Công nghệ Massachusetts để nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới.

    Hồi đầu tuần, Tim Cook đã rất phấn khích khi đứng trước hàng ngàn nhà phát triển tại Trung tâm Hội nghị San Jose để giới thiệu về một loạt những sản phẩm và tính năng mới. Trong số đó có loa thông minh HomePod và những cách thức mới để các nhà phát triển có thể tích hợp trí tuệ nhân tạo vào ứng dụng.

    Sáng thứ Năm, CEO Apple đã bay sang bờ bên kia của nước Mỹ, ngồi trên chiếc ghế dài màu xám bên cạnh chiếc gối màu vàng có in emoji mặt cười tại Media Lab’s Affective Computing Group của MIT để nghe Rosalind Picard nói về chứng trầm cảm. Trước khi có bài phát biểu tại MIT Commencement năm nay một ngày, sẽ dành riêng một ngày trong khuôn viên của trường để nghiên cứu và chủ yếu tập trung vào các cảm biến và AI.

    Picard là một chuyên gia trong việc sử dụng dữ liệu từ các thiết bị smart wearable và điện thoại để xác định cảm xúc của con người. Hiện tại, ông đang nghiên cứu cách làm thế nào để trích xuất dữ liệu từ smartphone nhằm xác định và thậm chí chẩn đoán trước bệnh trầm cảm, một vấn đề có thể trở thành nguyên nhân phổ biến thứ hai dẫn tới khuyết tật trên thế giới vào năm 2020.

    Trong tương lai, Picard hy vọng rằng có thể dự đoán trước những người dễ bị trầm cảm trước khi họ lâm vào tình trạng này. "Chúng tôi không chỉ muốn xác định mà còn cố gắng dự đoán trước bệnh trầm cảm", cô chia sẻ với Cook.

    Do điện thoại ngày càng trở nên thông mình hơn và hiểu hơn về hành vi của chúng ta nên một ngày nào đó, chúng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chúng ta theo dõi và hiểu hơn về chúng ta và những hành vi trong tương lai của chúng ta.

    Mặc dù trong lĩnh vực AI Apple thường bị coi là kẻ chậm chân so với Google, Microsoft và Amazon nhưng Tim Cook tin rằng sự thực không phải như vậy. Machine learning đã được tích hợp vào iPhone theo cách tốt nhất có thể. Tích hợp vào smartphone có lẽ là một trong những cách tốt nhất để chúng ta tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo.

    Trong cuộc phỏng vấn với MIT Technology Review sau khi gặp Picard vài giờ, Cook đã liệt kê một loạt tính năng đang tận dụng tốt AI trên iPhone. Ví dụ, khả năng nhận dạng ảnh trong ứng dụng Photos, khả năng thấu hiểu thói quen của người dùng và điều chỉnh cho phù hợp của Apple Music... Thậm chí, theo Cook, thời lượng pin iPhone cũng có thể dài hơn do chiếc điện thoại sử dụng machine learning để ghi nhớ thói quen sử dụng điện thoại để điều chỉnh cho phù hợp.

    Cook còn nói rằng do Apple chỉ nói về những tính năng trên sản phẩm của họ khi đã sẵn sàng tung ra thị trường nên báo chí đã đánh giá thấp về khả năng phát triển AI của Apple. Trong khi đó, các hãng khác thường nói và bán ra những tính năng chưa sẵn sàng hoặc tương lai mới có, Tim Cook nói. "Chúng tôi không bàn về những gì sẽ có trong năm 2019, 20, 21. Không phải bởi vì chúng tôi chưa biết phải làm gì mà là vì chúng tôi không muốn nói".

    Trong khi đó, Cook gọi AI là một thứ gì đó sâu sắc và ngày càng có khả năng thực hiện những điều không thể tin nổi. Dẫu vậy, Tim Cook không muốn mọi người quên đi rằng công nghệ sinh ra với mục đích phục vụ con người. "Khi tiến bộ công nghệ có thể phát triển theo cấp số nhân, tôi nghĩ mọi người sẽ quên đi thực tế rằng công nghệ sinh ra để phục vụ nhân loại chứ không vì bất cứ lý do nào khác".

    Một phần quan điểm này của Tim Cook đã được phát triển thành chính sách riêng tư của Apple, chia dữ liệu trên iPhone thành hai loại, một loại Apple có thể truy cập được và loại khác cực riêng tư nên chỉ người dùng có thể truy cập. Năm ngoái, để bảo vệ dữ liệu riêng tư của người dùng Apple đã từ chối yêu cầu mở khóa iPhone từ các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ.

    Cho tới hiện tại, phòng thí nghiệm của Picard không sử dụng smartphone của Apple cho các nghiên cứu. Tuy nhiên, cô nói với Cook rằng rất muốn làm như vậy. Với các nghiên cứu hiện tại về sức khỏe và tâm sinh lý của sinh viên, nhóm của cô có thể không nhận được một số dữ liệu cần thiết từ một chiếc iPhone. Ví dụ như dữ liệu về những người mà sinh viên gọi và nhắn tin, điều mà các nhà nghiên cứu dùng dưới sự cho phép của sinh viên tham gia nghiên cứu để xác định đời sống xã hội của sinh viên.

    Apple có một nền tảng cho việc nghiên cứu và phát triển ứng dụng sức khỏe di động mang tên HeathKit nhưng Picard vẫn chưa tận dụng được nó cho các nghiên cứu của cô. Trước khi kết thúc buổi nói chuyện, Cook đã lấy chiếc iPhone màu đỏ trong túi ra ghi lại những vướng mắc mà Picard nói để giải quyết sau khi trở về công ty.

    Theo MIT Technology Review

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ