Tin buồn: Hydro dạng kim loại trong phòng thí nghiệm tại Harvard biến mất bí ẩn sau một tháng "chào đời"

    Dink,  

    Rất có thể nó đã "bốc hơi" mất, đúng theo nghĩa đen.

    Tháng vừa qua, các nhà khoa học tại Harvard tạo ra đột phá công nghệ bằng việc tạo ra hydro dạng kim loại, một thành tựu chưa từng có trong lịch sử. Để làm được điều đó, họ đã ép phân tử hydro dưới một áp suất khổng lồ, tới mức liên kết phân tử đã bị thay đổi, khiến hydro biến thành dạng kim loại.

    Đến hôm nay thì nó đã biến mất.

    Hệ thống được sử dụng để giữ cho mẫu thử hydro-kim loại kia ổn định đã bị hỏng, và mẫu vật đã không cánh mà bay. Các nhà nghiên cứu cho rằng có thể nó đã bị tan chảy dưới nhiệt độ phòng nhưng một số chuyên gia lại cho rằng có lẽ, ngay từ đầu, các nhà nghiên cứu tại Harvard đã chẳng tạo ra được một nguyên tử hydro dạng kim loại nào cả.

     Ảnh chụp hydro dạng kim loại trong phòng thí nghiệm.

    Ảnh chụp hydro dạng kim loại trong phòng thí nghiệm.

    Các nhà khoa học đã cho rằng thứ vật chất mới này là một bước đột phá mang tính các mạng trong công nghệ. Họ có thể áp dụng nó vào việc chế tạo những chất siêu dẫn, mang trong mình khả năng tăng hiệu năng, tốc độ và năng suất của máy tính cũng như smartphone.

    Hơn nữa, trong thời đại ô tô chạy điện đang ngày một thịnh hành, hydro dạng kim loại có thể đẩy thứ công nghệ sạch này xa hơn nữa.

    Hơn hơn nữa, nói tới đẩy xa ta cùng cần phải nói về đẩy cao nữa, khi mà hydro dạng kim loại có thể được sử dụng để tạo ra một loại siêu nhiên liệu cho tàu vũ trụ. Việc tạo ra hydro dạng kim loại cần một lượng năng lượng khổng lồ và khi chuyển ngược nó về dạng phân tử hydro ban đầu, toàn bộ số năng lượng ấy sẽ được giải phóng, qua đó, ta sẽ có thể tạo ra được quả tên lửa mạnh nhất từng được chế tạo.

    Nhưng mà giờ thì bằng chứng duy nhất về sự tồn tại của hydro dạng kim loại đã biến mất hoàn toàn rồi.

    Để bảo quản, các nhà khoa học tại Harvard đã đặt mẫu vật giữa hai viên kim cương, giảm nhiệt độ nơi lưu trữ xuống âm 273 độ C, để tạo ra một môi trường cho hydro kim loại có thể tồn tại ổn định. Nhưng trong quá trình điều khiển áp suất của thiết bị lưu trữ bằng một thiết bị laser cường độ yếu, một trong hai viên kim cương giữ mẫu hydro kim loại đã vỡ nát thành bụi, khiến cho mẫu vật được lưu giữ hoàn toàn bị hủy hoại.

    “Tôi chưa bao giờ thấy kim cương có thể vỡ vụn ra như thế. Nó vỡ tan thành một loại bụi như bột lành bánh hay bột gì tương tự vậy”, giáo sư Isaac Silvera đau lòng nói. “Tôi đã không tin đó là bột từ viên kim cương kia, bởi thứ bột kia mịn đến mức không tưởng”.

    Nhưng một số nhà vật lý học cho rằng đây chỉ là một chiêu trò của các nhà nghiên cứu tại Harvard để che giấu việc họ không thực sự tạo ra hydro dạng kim loại. Họ nói rằng chất lượng của mẫu thử nhỏ bé kia không đủ để chứng minh được nó là hydro dạng kim loại.

     Diamond anvil cell - công nghệ tạo áp suất nhân tạo cực lớn bằng cách sử dụng hai viên kim cương.

    Diamond anvil cell - công nghệ tạo áp suất nhân tạo cực lớn bằng cách sử dụng hai viên kim cương.

    Giáo sư Silvera, người cho rằng hydro kim loại có thể đã bốc hơi thành gas sau khi thiết bị lưu trữ nó bị hỏng, mong muốn chứng minh một lần nữa là họ đã thực sự thành công bằng cách tái tạo lại vật chất mang tính đột phá này. “Chúng tôi đã chuẩn bị được những viên kim cương mới và đã sẵn sàng thử lại”, ông nói.

    Những nghi ngờ kia dấy lên từ sự việc giáo sư Silvera và đồng nghiệp của ông, tiến sĩ Ranga Dias từ chối đưa vật liệu ra khỏi nơi lưu trữ nó (giữa hai viên kim cương kia) – họ cho rằng làm thế hydro dạng kim loại sẽ bị hỏng. Vì thế, các nhà khoa học khác đã không thể có cơ hội được tận mắt chứng kiến hay thử nghiệm tính chất của chúng.

    “Hiện tại, tôi nghĩ rằng tôi có đủ bằng chứng để xác nhận rằng thứ chúng tôi đã tạo ra là một dạng kim loại”, ông Silvera nói. “Tôi hoàn toàn tin tưởng vào những đo đạc mà chúng tôi đã thực hiện”.

    Chúc anh nhà nghiên cứu Harvard may mắn với thử nghiệm tiếp theo này.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày