2015 - Một năm thành công "rực rỡ" của Startup Việt Nam

    PV,  

    Với việc huy động được hàng chục triệu USD vốn đầu tư, có thể nói, 2015 là một năm thành công rực rỡ của các công ty Startup Việt Nam.

    Năm 2015 là một năm đầy thành công với startup Việt khi mà cộng đồng startup ngày một lớn mạnh và huy động được nguồn vốn hàng chục triệu USD từ các quỹ đầu tư lớn trên thế giới.

    Dưới đây là 7 thương vụ huy động vốn nổi bật của start-up Việt trong năm qua:

    1. Huy Việt Nam

    Huy Việt Nam là một công ty sở hữu chuỗi nhà hàng Món Huế, Phở Ông Hùng và Cơm Express. Hiện tại, chuỗi này có mặt dày khắp Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

    Năm 2015, Huy Việt Nam nổi lên sau khi gọi vốn thành công từ quỹ đầu tư Templeton Strategic Emerging Markets Fund IV. Tổng số vốn mà Huy Việt Nam đã huy động được là 65 triệu USD sau 3 vòng gọi vốn.

    Việc huy động tài chính từ thị trường nước ngoài để có vốn đầu tư phát triển chuỗi nhà hàng của họ, tiêu biểu là Món Huế - hiện phát triển mạnh tại Hà Nội và Tp.HCM. Công ty này muốn mở rộng hoạt động của Món Huế ra nhiều tỉnh thành khác

    Đầu tháng 12/2015, một nguồn tin phát đi cho rằng Huy Việt Nam sắp niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông. nhưng đại diện từ phía Huy Việt Nam đã lên tiếng bác bỏ thông tin này.

    2. Cốc Cốc

    Cốc Cốc, một công ty khởi nghiệp ra đời từ năm 2007 nhưng thực sự mới chỉ thương mại hóa sản phẩm từ năm 2013.

    Hiện nay, Cốc Cốc là một trong hai trình duyệt phổ biến nhất tại Việt Nam sau Google. Cốc Cốc chủ yếu hoạt động trong các mảng trình duyệt Internet, tìm kiếm, quảng cáo trực tuyến...

    Năm 2015, tập đoàn truyền thông Đức Hubert Burda tuyên bố đầu tư 14 triệu vào Cốc Cốc, đưa tổng số vốn mà công ty này nhận được kể từ khi ra đời lên đến con số 34 triệu USD.

    Vì sao Cốc Cốc nhận được khoản đầu tư hàng trăm tỷ đồng như vậy? Nguyễn Thanh Bình, đồng sáng lập Cốc Cốc cho rằng nhà đầu tư Đức chỉ dựa vào con số tăng trưởng ấn tượng của Cốc Cốc để đổ tiền vào công ty này.

    3. The Kafe

    Được thành lập vào năm 2013 bởi Đào Chi Anh, một đầu bếp nghiệp dư và đồng tác giả của những đầu sách nấu ăn best-seller (“Chuyên 2 Căn Bếp" và “Hai Căn Bếp Ngọt Ngào”).

    Mới đây, KAfe Group đã chính thức tuyên bố nhận được khoản đầu tư 5,5 triệu đô trong vòng đầu tiên của quá trình gọi vốn từ các quỹ đầu tư tại London và Hồng Kông, trong đó đáng chú ý là quỹ đầu tư danh giá Cassia Investments - một quỹ góp vốn tư nhân tập trung vào ngành tiêu dùng ở thị trường Đông Nam Á và Trung Quốc.

    Với khoản đầu tư này, KAfe Group cho hay sẽ phục vụ kế hoạch mở rộng The KAfe trên toàn Việt Nam, bắt đầu bằng việc khai trương 4 địa điểm mới của The KAfe tại thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng 10 và sẽ nâng tổng số nhà hàng trên cả nước lên con số 26 vào cuối năm nay.

    4. Foody

    Mặc dù không công bố con số cụ thể nhưng năm 2015 là một năm đình đám của Foody. Foody đã gọi vốn series C thành công từ quỹ đầu tư Tiger Global Investment của Mỹ.

    Theo một số nguồn tin, đây là một con số không hề nhỏ đối với một Startup Việt Nam.

    Đây cũng là lần gọi vốn thành công thứ 4 của Foody kể từ khi thành lập vào năm 2012.

    Foody là công ty được đồng sáng lập và điều hành bởi ông Đặng Hoàng Minh, một người trước đó đã có kinh nghiệm khởi nghiệp khi mở trang Hungry.vn. Khi mới thành lập, Foody chuyên cung cấp chia sẻ thông tin đánh giá các nhà hàng quán ăn, đầu tiên tại TPHCM, sau mở rộng sang cả nước.

    Ông Minh cho hay, sau khi nhận được vốn đầu tư, Foody.id - website kinh doanh ở thị trường Indonesia – ra mắt vào ngày 10-8-2015. Một ứng dụng dành cho hệ điều hành iOS và Android của Foody Indonesia cũng sẽ được phát hành tại quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á.

    5. Lozi

    Lozi là một website với các ứng dụng công nghệ chia sẻ ẩm thực Lozi, ra đời từ năm 2013 bởi một nhà sáng lập 9X tên là Nguyễn Hoàng Trung.

    Cuối tháng 12/2015, giới startup Việt xôn xao, bất ngờ khi Lozi đã gọi được số vốn lên đến hàng triệu USD từ nhà đầu tư (NĐT) danh tiếng Golden Gate Ventures và Tập đoàn DesignOne Japan.

    Vốn huy động được tiết lộ lên đến 7 chữ số (triệu đô).

    Lozi quyết định dùng tiền đầu tư để giải quyết 3 vấn đề lớn gồm: Đưa ứng dụng đến nhiều người dùng hơn; tiến hành R&D để nghiên cứu kỹ lưỡng sở thích, nhu cầu của người dùng; mở rộng phạm vi hoạt động đến nhiều thành phố hơn.

    Trước đó,start-up này cũng từng nhận được đầu tư từ Đề án Vietnam Silicon Valley và một nhà đầu tư thiên thần khác của Singapore.

    6. Vé xe rẻ

    Vexere.com là hệ thống đặt vé xe khách trực tuyến, hoạt động thông qua các công ty vận tải chính thức ra đời vào tháng 7 năm 2013.

    Mới đây, Vé xe rẻ đã huy động vốn thành công từ hai quỹ đầu tư là Qũy đầu tư Nhật Bản CyberAgent Ventures vàPix Vine Capital của Singapore.

    Tuy nhiên, Vé xe rẻ không công bố con số cụ thể là bao nhiêu, càng làm cho giới khởi nghiệp Việt Nam tò mò và ngưỡng mộ.

    7. Web so sánh

    Websosanh ra mắt vào tháng 4/2014 với mục tiêu trở thành nguồn cung cấp thông tin chính xác, hữu ích giúp người tiêu dùng Việt Nam chọn mua được sản phẩm ưng ý với giá cả phải chăng từ những đơn vị bán lẻ uy tín.

    Mặc dù mới ra đời được hơn một năm nhưng năm 2015 vừa qua Websosanh đã gọi vốn thành công từ Yello Shping Media Group từ Hàn Quốc.

    Bên cạnh việc đón những tin vui từ quỹ đầu tư, cộng đồng Start - up Việt Nam còn "ăn mừng" khi mà những năm tới đây, việc gọi vốn và tiếp nhận vốn sẽ êm đềm hơn, không còn khó khăn trắc trở như trước.

    Bởi vì, mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 118, mở rộng đối tượng ưu đãi đầu tư bao gồm các dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư hoặc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư.

    Trong ngành nghề đặc biệt ưu đãi quy định rõ: Ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao; ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao theo quy định của pháp luật về công nghệ cao; sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học.

    Theo Tô Mạn/Cafebiz/Trí Thức Trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ