Câu chuyện buồn về ebook bản quyền ở Việt Nam

    PV,  

    Khi ebook lậu thắng ebook thật.

    Đi mua máy đọc sách điện tử như Kindle hay Nook ở các cửa hàng tại Hà Nội, hầu như ở đâu người mua cũng được khuyến mãi một đĩa CD với hàng nghìn đầu sách điện tử (ebook).

    cau-chuyen-buon-ve-ebook-ban-quyen-o-viet-nam
    Đọc sách điển tử đang là xu hướng hiện nay tại VN.

    Tất nhiên là không có bản quyền. Nhưng chẳng có người mua nào lại không vui vẻ nhận. Đó là một ví dụ về nạn vi phạm bản quyền sách điện tử, khiến các nhà xuất bản e dè khi tiến vào thị trường này.

    Chia sẻ, hay vi phạm?

    Cản trở lớn nhất với ebook vẫn là câu chuyện cũ đã và đang diễn ra với sách giấy - chuyện bản quyền. “Nếu không phát hành ebook, thì 1 - 2 tuần sau trên các trang chia sẻ sách, người ta mới gõ lại sách của chúng tôi, mà chất lượng không bằng. Nhưng nếu làm ebook thì chỉ 15 phút sau là sách bị bẻ khóa, mà chất lượng lại y hệt” - anh Nguyễn Xuân Minh - Phó phòng Tu thư, Cty Nhã Nam - cho biết.

    Việc chia sẻ, lưu hành ebook trên các trang web đang tràn lan: Các nhóm học sinh, sinh viên hay những người thích đọc cùng đánh máy lại nội dung cuốn sách, rồi định dạng thành ebook để chia sẻ miễn phí. E-thuvien.com cung cấp hàng trăm đầu ebook. Vnthuquan trước đây là thư viện online, giờ có thêm định dạng ebook là epub cho người đọc đọc offline.

    cau-chuyen-buon-ve-ebook-ban-quyen-o-viet-nam
    Người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm kiếm được rất nhiều nguồn chia sẻ ebook miễn phí trên internet.

    Hay trước đây đã xuất hiện dịch vụ tìm kiếm ebook tiếng Anh, người đọc có thể yêu cầu một đầu sách nào đó, quẹt thẻ trả tiền dịch vụ, nhóm này sẽ săn lùng trên Amazon hay các trang bán sách của nước ngoài để lôi về bản gốc tiếng Anh, đồng giá 50.000 đồng một quyển cho sách văn học và 10% giá bán của mỗi cuốn giáo trình. Tuy nhiên, trang web này đã sập sau 3 - 4 tháng hoạt động.

    Mang danh là “chia sẻ”, cung cấp sách miễn phí cho người yêu sách, nhưng đây rõ ràng là hành vi vi phạm bản quyền. Vài năm trước, Nhã Nam có viết thư thống thiết yêu cầu các trang web này rút những đầu sách của công ty mà họ đã đánh máy và tung lên mạng, nhưng không có phản hồi. Gần 30% số sách in của Nhã Nam được phát hành dưới dạng ebook.

    Nhưng trên thực tế, thì tới 70% số sách in của Nhã Nam đã được các trang chia sẻ sách gõ lên rồi. Vì vậy, doanh thu từ ebook của Nhã Nam là khá thấp, hầu như không đáng kể. Anh Nguyễn Xuân Minh than thở: “Tình hình ở VN tương phản với ở nước ngoài. Ở Mỹ, ebook lậu cũng có, nhưng chỉ được lén lút đưa lên mạng, nếu có người thông báo, ebook đó sẽ bị xóa đi. Nhưng ở VN thì ngược lại, ebook lậu thắng thế ebook xịn”.

    cau-chuyen-buon-ve-ebook-ban-quyen-o-viet-nam
    Người tiêu dùng sử dụng ebook lậu rất thản nhiên ở VN.

    Với sự xuất hiện của các thiết bị đọc sách điện tử, hay sự phổ biến của mạng xã hội, thì ebook không bản quyền càng dễ lây lan. Hầu như mọi diễn đàn đều có box chia sẻ ebook. Xu hướng mới là các nhóm chia sẻ trong một quy mô hẹp - nơi các thành viên vẫn cố-gắng-tôn-trọng-bản-quyền. Chẳng hạn trên Facebook có “Hội ebook 6 tháng”, tức là 6 tháng sau khi sách in phát hành, hội này mới làm ebook để chia sẻ.

    Hay nhóm Bookaholic (Nghiện sách), chủ yếu là làm ebook văn học kinh điển, chia sẻ trong một nhóm hẹp. Khi các nhà xuất bản lên tiếng, các nhóm này sẵn sàng gỡ ebook đó khỏi trang của họ. “Lương tâm vẫn còn răng” - như một thành viên FB nói.

    Công cụ luật pháp và ý thức người đọc

    Để ebook phát triển, cần có cả chế tài pháp luật mạnh mẽ lẫn nhận thức của người đọc. Số nhà phát hành ebook chính thức ở VN mới đếm trên đầu ngón tay, trong đó đang hoạt động tích cực có Alezza, Lạc Việt hay mới nhất là Anybook. Nhưng ngay cả nhà phát hành cũng “quên” chuyện bản quyền khi mải chạy đua cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Một NXB cho biết, Anybook chưa ký thỏa thuận bản quyền (ít nhất là) với NXB của họ, nhưng đã đưa sách lên bán. Và với cái giá quá rẻ như quảng cáo, chỉ 2.000 - 15.000 đồng một cuốn, thì khó mà đủ chi trả các chi phí bản quyền cho NXB.

    cau-chuyen-buon-ve-ebook-ban-quyen-o-viet-nam

    PGĐ Cty sách Phương Đông Nguyễn Thị Thanh Hà khuyến cáo, đọc ebook từ các nhà phát hành chính thức sẽ tốt hơn rất nhiều, với những phần mềm thông minh, chuẩn mực, hỗ trợ người đọc tốt hơn trong việc sao chép, tìm kiếm, đánh dấu, khác với những trang cung cấp ebook lậu nhiều lỗi hay dịch không chính xác.
    Ông Trần Xuân Phương - GĐ Cty Vinapo - đơn vị điều hành trang bán ebook Alezza - cho biết, qua một năm hoạt động, ông thấy rằng ý thức bản quyền của người đọc có tốt hơn. “Điều quan trọng là luật bản quyền phải được thực thi mạnh mẽ, không chỉ với ebook, mà cả với các nội dung số khác như âm nhạc, phim ảnh” - ông Phương nói.

    Ý thức bản quyền tốt hơn trong một phần người đọc hiện nay là lối nhỏ hy vọng để thị trường ebook phát triển. Nhưng số bạn đọc này vẫn còn rất ít ỏi ở VN, hay một số người Việt ở nước ngoài - nơi vấn đề bản quyền được giáo dục và thực thi nghiêm ngặt. Nên ebook vẫn bán được, dù không nhiều. Một đầu sách ebook được xem bán chạy của Nhã Nam là “Mật mã Tây Tạng”, thì cũng chỉ có vài trăm lượt download.

    cau-chuyen-buon-ve-ebook-ban-quyen-o-viet-nam

    Các trang web chia sẻ sách đã có hàng trăm nghìn thành viên, nên nếu pháp luật có chế tài để biến các trang đó thành một trang chia sẻ và kinh doanh có bản quyền, thu hút cộng đồng yêu sách và kêu gọi các nhà xuất bản cùng chung tay, thì đó là thị trường rất tiềm năng. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó GĐ Cty sách Phương Đông - cho rằng, ebook vẫn có những đối tượng người đọc nhất định. Lo ngại nạn xâm phạm bản quyền, nhưng có những cuốn ebook của Phương Đông vẫn thu lại bản quyền tốt.

    Ông Nguyễn Minh Nhựt - GĐ NXB Trẻ - đơn vị đang rốt ráo thực hiện dự án số hóa toàn bộ sách của mình - cho rằng, làm ebook là sự phát triển và hoàn thiện của nhà xuất bản.

    Theo ông Nhựt, vi phạm bản quyền thì bất kể là sách giấy hay sách điện tử, phòng thì chỉ phòng người ngay, bởi đến những công ty lớn như Amazon, Banners&Noble’s, hay ngay cả Apple lẫn Microsoft còn bị vi phạm bản quyền, nên nếu nghĩ theo cách này thì sẽ không có lối ra. “Làm tốt thì độc giả sẽ ủng hộ” - ông nói.

    Theo: Lao Động

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ