'Con tàu' Sony đang chới với

    PV,  

    Từng được mệnh danh là “gã khổng lồ” trong lĩnh vực công nghệ của Nhật Bản, tuy nhiên, mới đây nhất, Sony vừa công bố lỗ ròng lần thứ 2 liên tiếp trong năm tài chính này.

    (Ảnh minh họa)

    (Ảnh minh họa)

    Trên thực tế, sự việc đã xảy ra trong vòng vài năm trở lại đây và tập đoàn này đang phải gồng mình giải quyết bài toán tài chính với vô số công ty nhỏ làm ăn thua lỗ.

    Lãnh đạo Sony cho biết, họ sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu trong năm nay. Cụ thể, 135 tỷ yên (tương đương 1,3 tỷ USD) sẽ dành để tái cơ cấu tập đoàn từ nay cho đến 31/3/2015. Trước đó, khoản tiền 177,4 tỷ Yên cũng được chi ra nhằm cứu vãn tình hình tài chính bất ổn khi doanh thu bán máy tính Vaio, dòng sản phẩm chiến lược của công ty bị sụt giảm nghiêm trọng vào năm ngoái.

    Nghiêm trọng hơn, các chuyên gia dự báo năm nay Sony có thể lỗ tới 50 tỷ Yên, đánh dấu lần thứ 6 liên tiếp báo lỗ trong vòng 7 năm. Tổng cộng, con số lỗ lũy kế của hãng sẽ lên tới gần 1 nghìn tỷ Yên.

    Đứng trước tình thế khó khăn này, giám đốc tài chính của Sony, ông Kenichiro Yoshida cho biết: “Chúng tôi sẽ tập trung toàn bộ nguồn lực vào việc tái cơ cấu tập đoàn. Tôi muốn kết thúc việc này ngay trong năm 2014”.

    Tuy nhiên, giới phân tích tỏ ra lo ngại về khả năng phục hồi của Sony. Masayuki Doshida, chuyên gia phân tích thị trường cho biết: “Các nhà đầu tư đều có cái nhìn lạc quan vào khả năng tái cơ cấu thành công của Sony. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là đến khi nào tập đoàn này mới làm ăn có lãi trở lại?”.

    Giám đốc tài chính Kenichiro Yoshida gia nhập Sony vào cuối năm ngoái. Trước đó, ở vị trí CEO, ông đã mang lại thành công vang dội cho So-net, một công ty cung cấp mạng internet nội địa.

    Dù đang phải gánh trên vai khó khăn không hề nhỏ, tuy nhiên ông Yoshida tỏ ra vô cùng lạc quan. Ông cho biết, trong năm 2014, Sony sẽ kiếm được lợi nhuận từ mảng điện tử sau 4 năm lỗ liên tiếp.

    Ngoài ra, các lĩnh vực khác sẽ mang lại lợi nhuận khoảng 125 tỷ yên. Trước đó, ông đưa ra quyết định tách mảng kinh doanh ti vi vốn đang thua lỗ nặng thành đơn vị kinh doanh độc lập. Ông Yoshida cho biết thêm: “Để tránh sự biến động không ngừng của thị trường điện tử thời gian gần đây Sony luôn bị tụt hậu, tôi sẽ nhắm tới việc hợp tác, ký hợp đồng cung cấp dài hạn với các khách hàng doanh nghiệp”.

    Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh gần nhất với Sony là Panasonic lại đang ở “phong độ” đỉnh cao với chiến lược kinh doanh tập trung vào các sản phẩm công nghiệp, phục vụ chủ yếu khách hàng doanh nghiệp.

    Theo Phong Linh
    Trí Thức Trẻ/BusinessInsider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ