Đại gia viễn thông than thở chuyện làm ăn

    PV,  

    2013 có thể được coi là năm VNPT có số thuê bao di động thực tăng trưởng… giật lùi lớn nhất trong lịch sử tập đoàn này...


     

    Mặc dù đều đạt doanh thu và lợi nhuận vượt 100% kế hoạch, nhưng lãnh đạo các nhà mạng lớn cho rằng, kinh doanh viễn thông đang ngày càng khó.

    Điều này được thể hiện rõ nhất qua việc tăng trưởng thuê bao và tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm lại của các doanh nghiệp viễn thông.

    2013 có thể được coi là năm Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) có số thuê bao di động thực tăng trưởng… giật lùi lớn nhất trong lịch sử tập đoàn này.

    Cụ thể, VNPT có lượng tổng thuê bao điện thoại thực tăng (phát triển mới - cắt giảm) là -11,3 triệu thuê bao, trong đó thuê bao cố định (vô tuyến hữu tuyến) giảm 500 ngàn thuê bao; thuê bao di động giảm tới 10,8 triệu thuê bao.

    Tổng số thuê bao điện thoại (phát sinh cước) trên mạng đến cuối năm 2013 đạt 40,4 triệu thuê bao, bằng 78% so với cuối năm 2012.

    Dịch vụ băng rộng của VNPT có vẻ khá khẩm hơn, khi tổng số thuê bao băng rộng trên mạng vẫn dự kiến đến cuối năm 2013 đạt 2,7 triệu thuê bao, bằng 112% so với cuối năm 2012.

    Ngược lại với VNPT, đối thủ lớn nhất là Viettel lại có số thuê bao di động tăng trưởng thực dương, dù con số này cũng rất ít ỏi so với các năm trước.

    Theo báo cáo, thuê bao điện thoại lũy kế toàn mạng của Viettel là 54,25 triệu thuê bao. Tổng thuê bao tăng thêm trong năm 2013 là 1,61 triệu thuê bao, trong đó, thuê bao di động tăng 1,81 triệu thuê bao; thuê bao cố định (vô tuyến hữu tuyến) giảm 273,3 nghìn thuê bao; thuê bao 3G tăng gần 2,15 triệu thuê bao; thuê bao băng rộng và Inetrnet tăng 43,93 nghìn thuê bao.

    Dù vậy, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel vẫn cho rằng, 2013 tiếp tục là một năm khó khăn đối với ngành viễn thông và là năm thứ 3 liên tiếp tốc độ tăng trưởng viễn thông chậm lại, đối với Viettel chỉ còn 15%, tăng trưởng chậm hơn từ 2-3 lần so với những năm trước đó.

    Theo ông Hùng, do những tác động khó khăn của nền kinh tế, sự bão hòa của điện thoại di động, sự suy giảm của điện thoại cố định đã khiến tốc độ doanh thu của Viettel tăng trưởng chậm hơn.

    Ngoài ra, một trong những bước cản đà phát triển của Viettel là sự phát triển của các dịch vụ mới, trong đó có dịch vụ thoại, nhắn tin miễn phí qua Internet/3G (OTT), mà theo ông Hùng là đang làm xói mòn doanh thu viễn thông và đang là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp viễn thông.

    "Những thách thức trên chính là động lực để các doanh nghiệp viễn thông phải cải cách, thay đổi chính mình để tìm những mô hình tăng trưởng mới”, vị Phó tổng giám đốc Viettel nhìn nhận.

    Với VNPT, mặc dù lợi nhuận trong năm 2013 của tập đoàn tăng 4.000 tỷ đồng so với năm 2012, nhưng trong đó có tới 1.000 tỷ đồng là do tiết kiệm, còn lại 1.500 tỷ đồng là điều chỉnh của Kiểm toán Nhà nước đối với việc hạch toán doanh thu giữa các đơn vị trong VNPT, và 1.500 tỷ đồng là từ việc phát triển các dịch vụ di động, và băng rộng.

    Ông Trần Mạnh Hùng cho biết, trong năm 2013, mạng VinaPhone có tốc độ tăng trưởng tốt với tốc độ tăng trưởng là 8%, và tốc độ tăng trưởng doanh thu mạnh hơn cả MobiFone. Doanh thu của MobiFone tăng không đáng kể. Dù vậy, doanh thu cụ thể của 2 nhà mạng thuộc VNPT không được ông Hùng công bố.

    Phó tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, viễn thông đã đến lúc phải chuyển từ thoại, nhắn tin sang đến đa dạng các dịch vụ. Trong đó, với Viettel, vị này cho biết, trong năm 2014, Viettel sẽ chuyển dịch từ di động sang di động băng rộng với số thuê bao 3G dự kiến kế hoạch tăng gấp đôi; chuyển dịch từ di động sang cố định băng rộng với việc đầu tư vào băng rộng cố định cáp quang; chuyển dịch từ thoại sang các dịch vụ data, các dịch vụ viễn thông kết hợp với công nghệ thông tin.

    Viettel sẽ hướng đến dịch vụ thoại, nhắn tin sẽ chỉ còn chiếm 40% tổng doanh thu của toàn tập đoàn”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

    Theo VnEconomy.vn

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ