Đâu rồi thời hoàng kim của hàng 'made in Japan'?

    PV,  

    Thời hoàng kim của điện thoại Nhật đâu mất rồi? Với rất nhiều người trẻ Nhật, điện thoại giờ đồng nghĩa với iPhone, họ không quan tâm đến Sony – niềm tự hào của nước Nhật một thời nữa.

    Có không ít sản phẩm từng là niềm tự hào của người Nhật thì nay người trẻ Nhật sẽ trả lời một cách rất thờ ơ khi được hỏi: “Ồ, tôi có biết nó, nhưng tôi thích hàng Mỹ hơn.”

    Ai đó hoài nghi về sức cạnh tranh của các sản phẩm của Apple trên đất Nhật hãy chỉ cần dành ra khoảng 1 tiếng đồng hồ đứng ở các nhà ga đông đúc Nhật tại Nhật như nhà ga Tokyo hay nhà Shinjuku.

    Và họ sẽ thấy điều gì? Với khoảng 100, 1.000 người trẻ tuổi đi ngang qua, bạn sẽ chỉ thấy tay họ cầm toàn điện thoại iPhone.

    Bạn vào cửa hàng điện thoại hay đăng ký thuê bao với nhà mạng, dù trong cửa hàng bạn nhìn thấy rất nhiều điện thoại Android ngoại nhập hay điện thoại nội địa Nhật nhưng cái mà các nhân viên cửa hàng chào bán cũng chỉ toàn iPhone?

    Nhiều người đặt câu hỏi: Cái quái gì đang diễn ra thị trường Nhật vậy? Thời hoàng kim của điện thoại Nhật đâu mất rồi? Với rất nhiều người trẻ Nhật, điện thoại giờ đồng nghĩa với iPhone, họ không quan tâm đến Sony – niềm tự hào của nước Nhật một thời nữa.

    Tại sao trên thị trường Trung Quốc General Motors và Volkswagen lại thành công hơn so với Honda hay Toyota? Tại sao ở Ấn Độ, LG và Samsung nắm được thị phần lớn hơn nhiều so với Panasonic hay Sony? Vì sao tại Mỹ IBM có quy mô lớn hơn so với Fujitsu?

    Cho đến tận thời điểm hiện tại, dù nhiều tập đoàn, công ty Nhật đã vươn ra nhiều thị trường nước ngoài thế nhưng so với các tập đoàn cùng ngành của Mỹ hay châu Âu họ vẫn tụt hậu khá xa về khả năng thống trị các thị trường khác.

    Đối với nhiều công ty Nhật Bản, sự tồn tại của họ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tăng doanh thu và lợi nhuận tại các thị trường nước ngoài bởi thị trường trong nước ngày một khó kiếm ăn hơn khi mà dân số già và tiêu dùng yếu.

    Ngay cả những công ty Nhật đã ra thị trường nước ngoài lâu năm cũng chật vật mới có thể cạnh tranh nổi, không ít công ty đã phải điều chỉnh nhiều lần các mô hình kinh doanh ở nước ngoài.

    Thế nhưng có những dấu hiệu cho thấy “người khổng lồ” Nhật đang bắt đầu thức giấc. Những năm gần đây số lượng những doanh nghiệp Nhật mua sắm và sáp nhập doanh nghiệp ngày một nhiều hơn.

    Một số tập đoàn hàng đầu của Nhật như Nissan hay Rakuten cũng đã đi đầu trong việc sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức và đồng thời tuyển dụng thêm nhiều giám đốc điều hành người nước ngoài.

    Trong suốt 10 năm qua, quy mô lợi nhuận của các doanh nghiệp Nhật trong tổng lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp thuộc Fortune 500 giảm xuống chỉ còn 13% từ mức 35% trong khoảng thời gian từ năm 1995 đế năm 2009.

    Thế mạnh của người Nhật là hàng điện tử, nhưng ngay chính tại lĩnh vực này người Nhật cũng đang thua cuộc. Thị phần thị trường điện tử của người Nhật giảm từ 30% vào năm 1995 xuống chưa đầy 15% ở thời điểm hiện nay. Nếu doanh nghiệp Nhật cố tình đi ngược lại xu thế toàn cầu hóa, họ sẽ bị loại bỏ.

    Suốt 40 năm qua, các công ty Nhật đã vươn lên được vị thế hàng đầu thế giới bằng việc thống trị thị trường nội địa, nhưng thị trường này đã không thể mang đến lực đẩy cho doanh nghiệp Nhật như trước đây nữa.

    Dân số Nhật được ước tính sẽ giảm từ mức 127 triệu hiện nay xuống dưới 100 triệu trong khoảng thời gian từ năm 2040 đến năm 2050. Dân số giảm, tỷ lệ dân số già tăng lên đồng nghĩa với việc tiêu dùng người dân sẽ ngày một giảm.

    Thống kê của Bộ Kinh tế Nhật Bản cho thấy, tiêu dùng cá nhân tại nước này ở thời điểm cuối năm 2008 đạt 220 nghìn tỷ yên, tương đương 59% GDP. Ước tính vào thời điểm năm 2040, tiêu dùng người dân ước đạt 293 nghìn tỷ yên, tức là chỉ còn hơn 50% GDP.

    Năng suất lao động nội địa nước Nhật cũng giảm thê thảm. Dù Nhật là nước có công nghệ tốt, sản xuất ra nhiều robot hàng đầu thế giới nhưng năng suất lao động của Nhật vẫn ở mức thấp nhất trong nhóm nước công nghiệp phát triển nhất thế giới.

    Chính vì vậy, ngay chính ở sân nhà thì các công ty Nhật cũng khó cạnh tranh nếu như không có nhiều chính sách bảo hộ của chính phủ và lòng tự tôn của một số người Nhật, đặc biệt là người trung niên và già.

    Một công ty nghiên cứu thị trường đã thực hiện khảo sát các công ty Nhật vào cuối năm 2014. Kết quả thật bất ngờ, họ quan tâm nhiều đến nỗ lực trong công việc, sự thể hiện mình trong từng hoạt động chứ không phải kết quả cuối cùng.

    Nhiều công ty công nghệ thông tin Nhật còn hạn chế thuê gia công phần mềm dù việc này hạn chế rất nhiều sự hiệu quả của hoạt động kinh doanh.

    Trong lúc các doanh nghiệp Nhật còn vô cùng loay hoay với việc mở cửa hay không, thâm nhập thị trường nước ngoài bằng cách nào thì không ít đối thủ cạnh tranh nước ngoài đã vượt rất nhiều khó khăn để giành miếng ăn từ công ty Nhật ngay tại thị trường bản địa.

    Và nhìn chung thì nhiều khi, người tiêu dùng Nhật cũng không khác người tiêu dùng nước khác nhiều đâu. Họ bảo họ thích hàng hóa có chất lượng, trong bối cảnh thị trường Nhật đó là hàng hóa trông sành điệu, có phong cách và giá cả hợp lý hơn so với hàng nội địa cùng loại.

    Không ít công ty Nhật đã phản ứng chậm với nhu cầu của người tiêu dùng, chính vì vậy họ để phần nào thị phần vào tay của đối thủ cạnh tranh nước ngoài như Costco, H&M, IKEA, Zara, Amazon và Apple.

    Nhiều tập đoàn/công ty khác như WalMart cũng đã “bon chen” được vào hệ thống phân phối chồng chéo và phức tạp ở Nhật. Dù về con số thị phần, các đối thủ nước ngoài chưa thể so bằng các công ty Nhật, nhưng với mức độ tăng trưởng thường xuyên ở mức 2 con số như hiện nay, chưa ai biết điều gì sẽ xảy ra trong những thập kỷ tới.

    Các công ty Nhật từng đứng đầu thế giới về việc cung cấp các sản phẩm sáng tạo cho người tiêu dùng. Thế nhưng người tiêu dùng tại các thị trường mới nổi lại có những nhu cầu khác mà bộ phận R&D tại Nhật lại chưa theo kịp.

    Họ có thể theo sát được nhu cầu của người tiêu dùng Nhật nhưng dường như lại chưa dành đủ sự chú ý đến thị hiếu và sở thích của người tiêu dùng các thị trường mục tiêu. Ở thời điểm này, một dòng chữ “Made in Japan” không đủ để bán hàng.

    Nhiều tập đoàn lớn của thế giới đã đi trước các tập đoàn Nhật cả hàng chục năm. Procter & Gamble công bố hơn 50% các ý tưởng sáng tạo của tập đoàn đến từ các bộ phận nghiên cứu các thị trường ngoài Mỹ để thích ứng với người tiêu dùng các thị trường mà họ muốn nhắm tới.

    Trong khi đó, một tập đoàn lớn như Shiseido lại được đánh giá là không nhanh nhạy như đối thủ Hàn Quốc, Trung Quốc hay Đài Loan trong việc “địa phương hóa” sản phẩm của mình.

    Nhật Bản vẫn đứng đầu về ngân sách chi cho hoạt động R&D, mỗi năm có đến 3,8% GDP được dành cho hoạt động này. Thế nhưng dù nhiều nhưng tỷ lệ ngân sách R&D cho hoạt động nghiên cứu các thị trường nước ngoài phục vụ cho các công ty có mục tiêu toàn cầu hóa chưa cao tương ứng.

    Số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ cho thấy Singapore và Hàn Quốc vượt xa Nhật trên phương diện này. Nếu không thay đổi, các nhà sản xuất Nhật sẽ còn tụt hậu hơn nữa.

    Theo Cafebiz / Trí Thức Trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ