Đừng lo, thời hoàng kim của Apple và iPhone còn lâu mới kết thúc

    Nam Nguyễn,  

    Vẫn biết Apple sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong những năm tới, nhưng những dự đoán về “ngày tận thế của iPhone” dường như đang bị thổi phồng quá mức.

    *Bài viết thể hiện quan điểm của Adrian Kingsley-Hughes trên ZDnet

    Một trong những thế mạnh nổi trội của Apple là công ty này không sống dựa vào một sản phẩm chủ lực duy nhất. Trên thực tế, làng công nghệ có đầy rẫy những công ty chỉ sống dựa vào một sản phẩm duy nhất và ít có khả năng đổi mới và sáng tạo. Sau nhiều năm khai phá những vùng đất mới, thực chất Google vẫn chỉ là một công ty dựa trên công cụ tìm kiếm và quảng cáo, Microsoft vẫn tiếp tục bám vào hệ điều hành Windows và bộ phần mềm Office. Các công ty như Intel, AMD, HP, Nvidia thì vẫn đang làm điều họ làm cách đây cả chục năm.

    Apple là một công ty luôn biết cách thay đổi. Công ty này đã chuyển từ sản xuất máy tính sang thiết bị nghe nhạc và phân phối nội dung, trước khi làm rung chuyển ngành di động bằng iPhone. Apple đã làm được điều mà cả Bill Gates và Microsoft không làm được là biến máy tính bảng thành một thiết bị phổ thông. Và trong năm ngoái, Apple đã trở thành công ty dẫn đầu thế giới trên thị trường smartwatch và bỏ xa các đối thủ còn lại.

    Rõ ràng, Apple không phải là một công ty đứng quá lâu tại một chỗ. Đặc điểm này giúp công ty có khả năng thích ứng tốt hơn với một hệ sinh thái công nghệ liên tục biến đổi so với các đối thủ cạnh tranh khác.

    Một lầm tưởng phổ biến khác về Apple là sản phẩm của quả táo thường là hàng xa xỉ và đắt đỏ. Sự thực không phải như vậy. iMac và iPhone, và ở mức độ thấp hơn một chút là iPad và Apple Watch có mặt ở khắp mọi nơi từ giảng đường đại học cho đến quán cà phê. Việc so sánh Apple với các thương hiệu xa xỉ như Prada, Rolex hoặc Ferrari là điều nực cười. Đúng là Apple sản xuất các sản phẩm cao cấp và chúng không hề rẻ, nhưng gọi Apple là thương hiệu hàng xa xỉ thì quả là một sự so sánh khập khiễng với các công ty thực sự bán hàng xa xỉ.

    Có thương hiệu hàng xa xỉ nào bán được 75 triệu đơn vị cho một dòng sản phẩm duy nhất trong ba tháng không? Để tiện so sánh, Rolex bán chưa được 1 triệu chiếc đồng hồ trong một năm trong khi Ferarri chỉ bán được 7000 chiếc xe một năm.

    Khi mọi người gọi sản phẩm của Apple là hàng “xa xỉ”, thực chất họ đang nói về “chất lượng”. Quả thực, Apple luôn làm ra các sản phẩm chất lượng. Cuộc đua giá rẻ trong lĩnh vực công nghệ, mà làm xói mòn chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng, đã khiến những sản phẩm chất lượng bị nhầm thành hàng xa xỉ.

    Cuộc nội chiến giữa các nhà sản xuất thiết bị Android, với sức ép liên tục phải giảm giá thành sản phẩm để cạnh tranh với nhau, đang làm làm tổn hại đến chính Android. Các nhà sản xuất đang phải hoạt động với biên lợi nhuận rất thấp và không sớm thì muộn cũng sẽ bị lỗ. Chúng ta đang chứng kiến sự đổ vỡ trong hệ sinh thái Android. Hãy nhìn cách điện thoại của Dell bị đánh bật ra khỏi thị trường như thế nào và nhiều hãng nữa sẽ có khả năng lặp lại bi kịch này trong những năm tới.

    Trên tất cả, lý do dưới đây mới thực sự giải thích tại sao người dùng vẫn sẽ tiếp tục xếp hàng để mua hàng chục triệu chiếc iPhone mỗi quý: hệ sinh thái khổng lồ của Apple.

    Bất cứ hệ sinh thái nào người dùng chọn - Windows, OS X, iOS, Android, Linux, cũng là một kiểu nhà tù. Một khi người dùng bắt đầu mua phần mềm và các sản phẩm đi kèm, khó mà có thể rời khỏi hệ sinh thái ở sau đó. Người dùng mua càng nhiều sản phẩm, việc vượt ngục càng khó khăn.

    Đây đích thị là điều Apple đang triệt để áp dụng. Đừng chỉ nghĩ về iPhone hoặc iPad, hãy nghĩ đến cả những ứng dụng và nội dung số mà người dùng mua. Rồi thì hãy nghĩ xa hơn về các thiết bị như Apple TV và Apple Watch, đằng sau chúng là vô số sản phẩm của bên thứ ba đi kèm.

    Sẽ khó để người dùng thoát ra khỏi hệ sinh thái iPhone vì thiết bị này không chỉ là công cụ để gọi điện, trả lời email và vào mạng xã hội, mà còn là công cụ để điều khiển các thiết bị điện trong nhà và theo dõi lượng đường và huyết áp trong máu của người dùng.

    Người dùng iPhone đang ngày càng phụ thuộc vào thiết bị của họ, ở mức độ lớn hơn rất nhiều so với sản phẩm của Android hay Windows Phone. Người dùng càng sử dụng nhiều HomeKit và HealthKit, họ sẽ càng lún sâu vào hệ sinh thái của Apple và khó mà cưỡng được việc mua iPhone mới trong tương lai. Hệ sinh thái của Apple giống như hệ sinh thái của hãng độ xe máy Harley Davidson của Ba Lan. Một khi khách hàng cho vẽ một hình xăm Harley lên xe máy của mình, họ sẽ để nó cả đời. Và một khi người dùng bước vào hệ sinh thái của Apple đủ sâu để dùng iPhone theo dõi sức khỏe và điều khiển các thiết bị trong nhà, họ sẽ mắc kẹt trong đó cả đời. Ít nhất, việc chuyển sang một hệ sinh thái khác cũng làm họ tốn nhiều công sức và dễ nản lòng.

    Đó là lý do tại sao smartphone giá rẻ không phải là mối đe dọa lớn cho iPhone. Không giống như hệ sinh thái của Android, nơi không có nhiều sự khác biệt giữa phân khúc cao cấp và phân khúc giả rẻ. Một smartphone Android giá rẻ không thể thay thế được iPhone. Đúng là chúng ta có thể gọi điện, lướt web, vào mạng xã hội bằng điện thoại của Android, nhưng hệ sinh thái của Android nào đã có những thứ như iMessage, HealthKit hoặc HomeKit.

    Nói tóm lại, người dùng sẽ sẵn sàng xếp hàng mua iPhone trong một thời gian dài nữa. Việc các nhà sản xuất Android thi nhau hạ giá thành để cạnh tranh với Apple sẽ chỉ làm biên lợi nhuận của họ ngày càng teo nhỏ mà thôi. Thành thực mà nói, hệ sinh thái của Android đang có nguy cơ bị tuyệt chủng cao hơn nhiều so với Apple hay iPhone.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ