Giá 3G vẫn chỉ bằng 50% thực tế, OTT có liên quan đến việc tăng giá

    Tuấn Ori,  

    (GenK.vn) - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời chất vấn về vấn đề tăng giá cước 3G trước Quốc hội.

    Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội trong hai ngày 20 - 21/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Bắc Son cho biết việc tăng giá cước 3G do giá bán đang ở dưới giá thành, thấp hơn so với giá bán các nước cùng khu vực.

     Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trả lời chất vấn. Ảnh chụp từ VTV.

    Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trả lời chất vấn. Ảnh chụp từ VTV.

    Theo thống kê, tới tháng 9 vừa qua cả nước có tới 90 triệu thuê bao di động, nhưng chỉ có 19 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ dữ liệu 3G. Bộ trưởng cho biết người tiêu dùng cần nhìn nhận vấn đề xa hơn, chia sẻ với các nhà mạng. Toàn bộ hệ thống, hạ tầng 3G tại Việt Nam hiện nay có tới 80% là nhập khẩu từ nước ngoài. Để cung cấp dịch vụ 3G tới người dùng, nhà mạng đều phải thanh toán quốc tế, chính vì vậy nhà mạng không thể thanh toán giá cao nhưng lại bán ra với giá thấp.

    Chu kỳ phát triển của dịch vụ 3G từ tăng trưởng, bão hòa cho tới suy thoái. Ở bước đầu, giá cước phải rẻ để thu hút thuê bao, khi lượng thuê bao ổn định là thời điểm tăng trưởng, bão hòa, nhà mạng cần nâng giá để đảm bảo bù lỗ và thu lợi nhuận. Đó là lý thuyết, còn trên thực tế, giá cước 3G Việt Nam ở mức thấp trong thời gian quá dài. Giá cước 3G sau khi tăng hiện nay cũng chỉ bằng 50% so với giá thành thực tế của dịch vụ.

    Bên cạnh việc tăng giá cước 3G giúp nhà mạng bù lỗ, Bộ trưởng cũng cho biết: "Hầu như tất cả các nhà mạng đều là doanh nghiệp của Nhà nước nên có tăng giá cước lên là cũng để tăng đóng góp nhiều hơn cho Nhà nước. Các doanh nghiệp viễn thông là những doanh nghiệp vừa qua có đóng góp rất nhiều cho đất nước". Theo đó, năm vừa qua tập đoàn VNPT đóng góp 7,3 nghìn tỉ đồng và Viettel đóng góp 11,3 tỉ đồng cho Nhà nước.

    Cũng trong phiên chất vấn, Bộ trưởng thừa nhận các ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí (viết tắt là OTT) có ảnh hưởng tới quyết định tăng giá cước của nhà mạng. Trước đó, trái ngược với phát biểu trên, trong buổi Tọa đàm về chính sách quản lý các ứng dụng OTT được tổ chức hồi tháng 9 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Tổng giám đốc Viettel, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết ứng dụng OTT không gây ảnh hưởng quá nhiều tới nhà mạng, nhưng các ứng dụng này cần tập trung phát triển dịch vụ liên quan, không nên "đánh" trực tiếp vào tính năng thoại và nhắn tin.

     

    Trao đổi thêm về đợt tăng cước 3G đồng loạt ngày 16/11 vừa qua của ba nhà mạng lớn là Vinaphone, Mobifone và Viettel liệu có vi phạm luật cạnh tranh hay không. Bộ trưởng cho biết ba nhà mạng này đều có các gói cước tăng và giảm giá khác nhau, nếu như ba nhà mạng không bắt tay nhau, chỉ vô tình tăng cước cùng thời điểm thì sẽ không vi phạm luật cạnh tranh.

    Tuy nhiên Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết thêm "Nếu ba nhà mạng bắt tay nhau thì phải xử lý đúng pháp luật". Hiện tại việc tăng giá cước đồng loạt vẫn đang được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra và sẽ có kết quả trong thời gian tới.

    Trong không khí căng thẳng của phiên chất vấn, đặc biệt là vấn đề tăng giá cước 3G gây xôn xao dư luận gần đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: "Nếu ba nhà mạng bắt tay thì Bộ trưởng nắm tay phải không?" khiến cả Hội trường cười râm ran, giúp cả Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và các Đại biểu thoải mái hơn.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày