Góc nhìn khác từ thương vụ VNG chuyển nhượng 123mua về FPT

    Tuấn Anh,  

    (GenK.vn) - Một góc nhìn khác cụ thể và chi tiết hơn về thương vụ chuyển giao trị giá hơn 10 tỷ đồng giữa VNG và FPT.

    Những ngày vừa qua thông tin về vụ chuyển nhượng 123mua của VNG về với Sendo của FPT thu hút toàn bộ sự quan tâm của dân Thương mại điện tử (TMĐT) trong nước. Rất nhiều chủ đề được tạo ra để bàn luận về mục đích mua, mục đích bán, giá trị giao dịch cũng như tương lai của hai sàn TMĐT này.

    Như GenK đã đưa tin trước đó, hợp đồng chuyển giao 123mua cho Sendo được VNG và FPT ký kết vào ngày 7/7 với giá trị giao dịch theo nguồn tin của chúng tôi là khoảng 500 nghìn USD (hơn 10 tỷ đồng). Đây là mức giá hời cho FPT bởi 123mua.vn hiện tại vẫn đang có doanh thu từ quảng cáo và khoảng 800 gian hàng.

    Sendo của FPT chi 500 nghìn USD thâu tóm 123mua của VNG ?

    Đi sâu hơn về thương vụ M&A lớn nửa cuối năm 2014 này, tác giả Ngân Sâu (twenty.vn) cho chúng ta thêm một góc nhìn khác của dân trong ngành về 123mua và Sendo. GenK xin được trích dẫn nội dung phân tích phía dưới để độc giả tiện theo dõi.

    1. Giá trị thương vụ: Rẻ hay đắt?

    Như hầu hết các thương vụ đầu tư khác, giá trị thương vụ kỳ này cũng không được tiết lộ từ VNG hay từ FPT. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin tin cậy cho biết, cái giá mà VNG gả bán 123mua.vn cho Sendo.vn là khoảng 11 tỷ đồng với toàn bộ hệ thống, thông tin khách hàng, các hợp đồng khách hàng hiện có. Theo số liệu tự tính toán và ước tính từ Twenty.vn, 123mua.vn hiện có khoảng 800 gian hàng trả phí, trung bình mỗi gian hàng trả khoảng 1 triệu đồng mỗi tháng. Chưa kể đến, 123mua.vn còn có nguồn doanh thu khác từ quảng cáo và các dịch vụ giá trị gia tăng có thể phát sinh.

    Vậy nên, con số 11 tỷ chào bán có vẻ là một món hàng giá hời dành cho Sendo.vn. Và cũng không thể nói là 123mua.vn là một sàn giao dịch TMĐT đã chết trong khi vẫn có thể phát sinh được doanh thu

    2. VNG vẫn chưa nói lời đoạn tuyệt với thương mại điện tử?

    VNG đã chuẩn bị cho việc tạm chia tay với 123mua.vn kể từ sau câu chuyện của 123.vn vào cuối năm 2013. Cũng bất ngờ nhưng không như hai dự án trước đây là Zing Deal và 123.vn của VNG, với 123mua.vn, VNG cởi mở hơn với việc chào bán ra ngoài tuy rằng việc chào bán là một quá trình chọn mặt gửi vàng và được cân đo đong đếm kỹ lưỡng. Được biết, với thương vụ này, VNG hạn chế trong quá trình làm due diligence(*), chỉ dành chỗ cho những đối tác thực sự phù hợp và áp đặt một thời gian rất gấp dành cho người mua: chỉ trong vòng một tháng kể từ lúc chào bán cho đến lúc ký hợp đồng chuyển nhượng.

    Nhiều ý kiến trái chiều cho rằng tại sao VNG không đóng cửa hẳn 123mua.vn như cách mà VNG thường làm với các sản phẩm trong nhà? Có phải chăng, VNG vẫn chưa nói lời đoạn tuyệt với thương mại điện tử mà chỉ là dừng lại, tập trung nhiều hơn cho cốt lõi kinh doanh chính để phát triển bền vững và đợi chờ một thời điểm tốt hơn, hiểu rõ thị trường hơn để bắt đầu lại với TMĐT? Nếu tiếp tục duy trì 123mua.vn khi thị trường vẫn còn đang nhỏ và phân mảnh, thì việc hợp tác chuyển nhượng về với một công ty tập trung hơn, có nền tảng tốt và nhiều tiềm năng phát triển lớn mạnh như Sendo.vn là một quyết định sáng suốt của VNG nếu trong tương lai, VNG còn muốn thử sức một lần nữa với sân chơi thú vị mang tên TMĐT này.

    3. Tại sao 123mua.vn về với Sendo.vn?

    Theo thông tin trên báo chí vào ngày 31/03/2014, Phó Tổng giám đốc FPT Nguyễn Thế Phương cho biết, FPT đang đàm phán, và hoàn tất thủ tục thành lập một liên doanh với công ty Nhật Bản trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam. Trong một tháng sau đó, FPT dự kiến sẽ hoàn thành việc đàm phán thương vụ này. Theo ông Phương, dự án này sẽ phát triển từ dự án thương mại điện tử Sendo.vn mà Công ty CP Dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online) phát triển từ tháng 9/2012. Tại đại hội cổ đông hôm 29/3, ông Phương cho biết ổng số vốn góp của cả hai bên cho dự án này vào khoảng 5-6 triệu USD và sẽ triển khai trên cả nước.

    Theo quan sát từ Twenty.vn, có thể tập đoàn FPT đã tách dự án TMĐT Sendo ra khỏi FPT Online và thành lập Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ với vốn đầu tư, hợp tác liên doanh cùng SBI Investment. Nếu nguồn thông tin trên về đối tác công ty Nhật Bản như được đề cập phía trên là đúng, như vậy, đơn vị thực sự sở hữu 123mua.vn sau thương vụ chuyển nhượng là Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ, nơi hội tụ nhiều yếu tố giúp cả hai sản phẩm 123mua.vn và Sendo.vn phát triển tốt và bền vững hơn.

    (*) Ghi chú: “Due diligence” là một thuật ngữ chuyên ngành thường được dùng trong quá trình mua bán và sáp nhập (M&A). Theo D.Rankin, “due diligence” là một quá trình nghiên cứu và phân tích một cách đầy đủ về công ty mục tiêu, công ty này sẽ được “mua bán và sáp nhập” bởi một công ty khác.

    >> "Việc sát nhập 123mua sẽ đẩy nhanh tiến độ giúp Sendo trở thành số 1 VN"

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày