Google trong tiểu thuyết của 1 cựu nhân viên: Tràn ngập ma túy, tình dục và dối trá

    PV,  

    Một cựu quản lý mảng kinh doanh quảng cáo của Google viết một cuốn tiểu thuyết về một công ty công nghệ tìm kiếm lớn với nhiều nét tương đồng. Điều đặc biệt là tác giả cho biết có đến 90% tình tiết trong cuốn sách là thật sự ở ngoài đời.

    Anh Filip Syta đã từng là một quản lý mảng kinh doanh của Google trong 2 năm, nhưng vị quản lý này bắt đầu thấy thất vọng với công việc đó và quyết định từ bỏ vào năm 2014.

    Điều này hoàn toàn bình thường và chẳng có gì đáng nói nếu anh Syta không viết một cuốn tiểu thuyết về một công ty công nghệ lớn chuyên về tìm kiếm trực tuyến, mang tên “The Show”.

    Theo đó, những nhân viên trong công ty dù đem lại lợi nhuận cho tập đoàn nhưng lại có lối sống khá “thoáng” với nhiều bữa tiệc, rượu bia, tình dục và chất gây nghiện.

    Nhân vật chính trong câu chuyện này là Victor, một quản lý mảng kinh doanh quảng cáo của Show nhưng dần càm thấy thất vọng với cuộc sống của mình dù kiếm được nhiều tiền. Anh chàng này sống cuộc sống ngập trong những bữa tiệc và tình một đêm, nhưng đồng thời cũng có tình cảm thực sự với một đồng nghiệp nữ khác trong công ty là cô Maggie.

    Dẫu vậy, điều khiến dư luận chú ý trong cuốn tiểu thuyết là Show có những “đầu nậu” bán chất gây nghiện ngay trong doanh nghiệp và cách mà anh chàng Victor biến tấu số liệu, thậm chí nói dối về các con số báo cáo cho cấp trên cũng như các khách hàng.

    Từ “Google” không được nhắc đến trong cuốn sách nhưng ai cũng hiểu anh Syta viết về công ty nào khi có nhiều điểm tương đồng giữa 2 công ty.

    Cả Show và Google đều là những tập đoàn công nghệ tìm kiếm lớn. Doanh thu của Show vào khoảng 93 tỷ USD mỗi năm, lớn hơn không nhiều so với Google và cả 2 doanh nghiệp đều có luật bất thành văn là sẽ sa thải nhân viên nếu họ tiết lộ thông tin nội bộ.

    Tờ Business Insider đã có cuộc phỏng vấn với anh Syta về tính chính xác của cuốn tiểu thuyết và nhận được câu trả lời: “90% (là thật)”.

    Trong cuốn “The Show”, hai đầu nậu bán thuốc phiện trong công ty vận hành mạng lưới cung cấp chất gây nghiện cho các nhân viên. Bất kỳ ai trong công ty cũng có thể mua nếu có nhu cầu. Cả hai người này đều trông khá bình thường và sẽ chẳng ai nhận ra họ đang bán ma túy nếu đi ngoài đường.

    Cả 2 người này đều thuộc bộ phận kinh doanh quảng cáo nên họ có kỹ năng bán hàng, nhưng nhu cầu chất gây nghiện trong công ty khá lớn nên họ không phải tiếp thị nhiều.

    Những người đầu nậu này thậm chí tuyển một nhóm 5 người để bán thuốc cho họ và chỉ cần ngồi thu tiền.

    Trong cuốn sách của Syta, những đầu nậu bán ma túy chỉ thỉnh thoảng trực tiếp bán “hàng” ở các bữa tiệc công ty nếu có nhân viên mua cocaine với số lượng lớn. Theo tác giả Syta, chi tiết này được lấy cảm hứng từ chính công ty công nghệ nơi ông từng làm việc.

    “Có những đầu nậu trong công ty có thể bán cho bạn bất cứ chất ma túy nào mà bạn muốn, từ tài mà cho đến những loại khác. Những đầu nậu này thường liên hệ trực tiếp với khách hàng nếu họ có nhu cầu và văn phòng công ty là thị trường chủ yếu. Điều này khiến việc bán ma túy trở nên dễ dàng hơn với họ. Dù những đầu nậu này không bố trí một địa điểm bán ma túy công khai trong công ty nhưng họ chủ yếu tiêu thụ hàng tại đây”, anh Syta nói.

    Trong cuốn tiểu thuyết, hầu như tất cả các nhân viên đều bị cuốn hút vào những cuộc chơi và bắt đầu dùng thuốc phiện của những đầu nậu trên. Thậm chí cuốn sách có hăn 1 chương nói về việc công ty thuê máy bay trở hàng trăm nhân viên đến một cuộc hội thảo tại Las Vegas, sau đó những nhân viên nam tổ chức bữa tiệc ăn chơi với các vũ công thoát y và gái làng chơi.

    Liệu vấn đề ma túy được nói đến trong cuốn tiểu thuyết có thực sự nghiêm trọng như vậy?

    Anh Syta cho biết có rất nhiều loại chất gây nghiện hiện nay, từ tài mà cho đến cocaine và không phải tất cả các nhân viên đều ăn chơi như vậy, nhưng rất nhiều người đã dùng chúng.

    Tại Mỹ, việc các nhân viên sử dụng chất gây nghiện trong những bữa tiệc là điều khá phổ biến.

    “Bạn dần sẽ cảm thấy buồn chán khi đã có tất cả mọi thứ. Những dịch vụ hiện nay cung cấp cho bạn mọi thứ. Từ những việc như giặt khô là hơi, nha sĩ, ẩm thực, massage cho đến dọn dẹp phòng đều có người lo cho bạn. Bạn không phải lo nghĩ về điều gì hết và chỉ cần đi làm, những thứ khác đã có người lo”, anh Syta nói.

    Cựu quản lý mảng kinh doanh của Google cũng cho biết rất nhiều tài năng đã bị lãng phí ở Google khi công ty chỉ tuyển những người giỏi. Do thương hiệu lớn nên công ty thường tuyển được những nhân viên quá xuất sắc. Hậu quả là những nhân tài này cảm thấy chán công việc ở Google dù mới đầu họ làm việc đầy hứng khởi.

    Những nhân tài buồn chán này bắt đầu tìm kiếm cảm giác mới khi họ tụ tập với nhau bởi họ chỉ cần kiếm tiền và không phải lo về thứ gì khác, đặc biệt là khi những người này biết Google luôn hỗ trợ cho họ.

    Anh Syta mô tả công ty như một nhà trẻ cho người lớn, và những đứa trẻ to xác tìm kiếm những cuộc phiêu lưu mới dù có nhiều rủi ro. Tất cả mọi người đều cảm thấy thoải mái với cuộc sống hiện có và họ muốn thử cảm giác nguy hiểm mới lạ.

    Bên cạnh đó, cuốn The Show cũng nói nhiều về tình dục, những cuộc tình một đêm, quan hệ sau khi say và không có cảm tình thực sự gì.

    Mặc dù vậy, anh Syta cho biết nhiều tình tiết liên quan đến tình dục trong cuốn sách là phóng đại, nhưng chắc chắn có rất nhiều “quan hệ” trong công ty. Điều này cũng tương tự như trong các trường đại học Mỹ khi sinh viên quan hệ bừa bãi, ngoại trừ việc những sinh viên này được trả lương.

    Do nhân viên công ty còn khá trẻ, vào khoảng 20-35 và chỉ có một số người đã thực sự chín chắn như Phó Chủ tịch hay Giám đốc là không tham gia thường xuyên các cuộc chơi. Vì vậy, rất nhiều bữa tiệc đã được tổ chức và mọi người thường quan hệ tình dục rất lộn xộn, thậm chí có quan hệ tập thể.

    Ngoài ra, cuốn tiểu thuyết có cảnh nhân vật chính và đồng nghiệp do mải mê tiệc tùng nên không kịp chuẩn bị số liệu báo cáo sáng hôm sau, vì vậy họ đã bịa ra kết quả.

    Theo anh Syta, bởi họ đã làm việc trong công ty “Show” đủ lâu để biết khách hàng sẽ không hỏi cặn kẽ số liệu nên họ khá tự tin khi làm vậy. Thậm chí, những quản lý cấp cao hơn cũng điều chỉnh số liệu cho tốt hơn so với thực tế để báo cáo và điều này được các nhân viên cấp dưới “noi theo”.

    Trong cuộc phỏng vấn với Business Insider, anh Syta nói rằng công ty Show là một doanh nghiệp nặng về số liệu.

    Vì vậy, các nhân viên làm giả số liệu để sếp hài lòng, sếp lại điều chỉnh báo cáo để sếp lớn hơn hài lòng và mọi việc cứ tiếp diễn như vậy.

    Bởi không có ai thực sự điều tra tất cả số liệu nên mọi người đều dễ dàng điều chỉnh chúng. Hơn nữa, báo cáo kết quả kinh doanh thực sự tùy thuộc vào cách bạn trình bày với sếp chứ không phải sự chính xác của thông số.

    Nhưng con số có thể là X, Y, Z tùy thuộc vào người nói nếu họ thấy đó là phù hợp và sẽ có nhiều tranh cãi để kiểm chứng ai đúng ai sai. Đôi khi, chính các sếp yêu cầu nhân viên điều chỉnh số liệu để họ có thể báo cáo tốt với sếp lớn hơn. Thậm chí, giám đốc cũng thay đổi thống kê để báo cáo với cổ đông.

    Nói cách khác, công ty Show được mô tả là 1 nơi tràn đầy những lời nói dối, cả trong doanh nghiệp lẫn ngoài tổ chức.

    Khi được hỏi về việc kiểm tra, anh Syta cho biết không có ai quan tâm để xem xét lại toàn bộ số liệu. Mặc dù những số liệu thống kê và thuật toán là dễ dàng để kiểm tra nhưng không có quản lý cấp cao nào thực sự xuống tận nơi để kiểm tra từng thông số. Điều này sẽ tốn thời gian và công sức.

    Tất cả những gì mọi người thấy là doanh thu thật sự vẫn tốt, lợi nhuận thực tế vẫn tăng trưởng và mọi người đều vui. Những bộ phận trong công ty chỉ quan tâm đến công việc của họ, làm sao để sếp vui chứ họ không thừa thời gian đi kiểm tra bộ phận khác.

    Một nhân vật được khá nhiều người quan tâm trong cuốn tiểu thuyết “The Show” là Alex, một nhân viên kỳ cựu của công ty. Anh chàng này là một người nghiện rượu, lười biếng nhưng biết cách để chiều lòng sếp và giữ ghế của mình.

    Hàng ngày, nhân vật này đến công ty muộn và chẳng làm gì nhiều. Hàng đêm, anh ta hòa mình vào những bữa tiệc và hộp đêm, sau đó say xỉn tới sáng.

    Theo tác giả Syta, nguyên nhân khiến Alex không bị sa thải và làm lâu năm đến vậy là do anh ta khá khôn lỏi và hiểu rõ về cơ chế hoạt động của công ty. Alex luôn biết phải nói những gì, với ai và xuất hiện đúng lúc ở đâu để không gặp rắc rối và bị đuổi việc.

    Tất nhiên, Alex khá hạnh phúc khi kiếm được một công việc có thu nhập cao mà phải làm ít việc như vậy.

    Anh Syta cũng dẫn chứng một trong những ví dụ dẫn đến quyết định bỏ Google. Trong 2 năm liên tiếp, Google tặng một máy tính bảng hiệu Nexus làm quà Giáng sinh cho nhân viên và nhiều người không hài lòng về điều này, họ muốn một thứ mới hơn.

    Sau đó, Google cho phép nhân viên lựa chọn thêm điện thoại hiệu Nexus nếu họ muốn, nhưng nhiều người vẫn phàn nàn.

    Anh Syta nghĩ điều này thật lố bịch khi cho rằng các nhân viên đã được nuông chiều thái quá và thậm chí phàn nàn dù nhận được một chiếc máy tính bảng miễn phí.

    “Ý tôi là họ (những nhân viên) đã đánh mất lòng biết ơn”, anh Syta nói.

    Syta hiện làm quản lý cho công ty Zstory, chuyên phát triển ứng dụng dành cho sách báo và tạp chí điện tử tại Thụy Điển.

    Theo Trí Thức Trẻ/CafeBiz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày