Hà Nội: Phát hiện một hộ kinh doanh trái phép máy phá sóng

    Tuấn Anh,  

    Thanh tra Sở TT&TT TP.Hà Nội vừa ra kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực TT&TT đối với hộ kinh doanh của ông Nguyễn Văn Oanh.

    Ngang nhiên mua bán thiết bị bị cấm sử dụng

    Thanh tra Sở TT&TT TP.Hà Nội vừa ra kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực TT&TT đối với hộ kinh doanh của ông Nguyễn Văn Oanh, đăng ký hộ khẩu thường trú tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai.

    Thiết bị phá sóng điện thoại, phá sóng định vị GPS là loại thiết bị bị cấm kinh doanh, sử dụng (Ảnh: Internet)
    Thiết bị phá sóng điện thoại, phá sóng định vị GPS là loại thiết bị bị cấm kinh doanh, sử dụng (Ảnh: Internet)

    Theo báo cáo của đoàn Thanh tra, hộ kinh doanh của ông Oanh được UBND quận Hai Bà Trưng cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 27/10/2011 với ngành nghề kinh doanh là mua bán, sửa chữa đồ điện tử, điện lạnh, thiết bị nghe nhìn điện thoại, đồng hồ, quần áo và địa điểm đăng ký kinh doanh là 553 Minh Khai, Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, ngoài địa điểm nêu trên, ông Oanh còn đang kinh doanh tại số 10 Phùng Chí Kiên, Cầu Giấy, Hà Nội. Tại cửa hàng của ông Oanh, có kinh doanh một số thiết bị vô tuyến điện nhưng chưa đăng ký ngành nghề này trong chứng nhận đăng ký kinh doanh.

    Kết quả kiểm tra cho thấy, ông Oanh đăng ký tên miền mobihot.vn từ tháng 6/2009 và tại thời điểm kiểm tra, trang mobihot.vn có quảng cáo bán một số hàng hóa như: đồ nghề thám tử; máy nghe, quay trộm; điện thoại, đồng hồ, linh kiện, phụ kiện máy điện thoại, máy tính bảng. Trong mục “đồ nghề thám tử” có quảng cáo nhiều loại thiết bị như: bảng điện camera, bút quay camera, bút xóa dấu vết trong 24 giờ, camera cúc áo, máy nghe lén bằng sóng điện thoại, máy phát hiện nghe lén, thiết bị nghe lén xuyên tường, thiết bị phá sóng, thiết bị phá sóng định vị GPS cầm tay…

    Tại thời điểm thanh tra, ngoài 13 chiếc điện thoại di động nhãn hiệu khác nhau đều không gắn dấu hợp quy, cửa hàng của ông Oanh còn đang lưu giữ 11 thiết bị vô tuyến điện, trong đó có 10 thiết bị phá sóng định vị GPS cầm tay và 1 thiết bị phá sóng điện thoại.

    Theo các chứng từ đầu vào, ông Oanh đã bán tổng số 40 thiết bị phá sóng định vị GPS cầm tay; 33 thiết bị phá sóng điện thoại và 11 thiết bị phá sóng định vị GPS loại tẩu cắm trực tiếp trên xe ô tô. Ngoài ra, ông Oanh còn mua bán nhiều thiết bị có tên trên chứng từ đầu vào là: nghe lén X0009, nghe lén N9, bút 4G, bút 8G, máy dò C308, tai nghe cách tường.

    Chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra

    Theo kết luận của Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội, hộ kinh doanh của ông Oanh đã có nhiều hành vi sai phạm, vi phạm các quy định của pháp luật như: kinh doanh không đúng với địa điểm và ngành nghề ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, vi phạm khoản 1 Điều 6 Nghị định 185/2003/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; kinh doanh các máy điện thoại di động không gắn dấu hợp quy, vi phạm điểm a khoản 1 Điều 35 Nghị định 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Viễn thông; quảng cáo các thiết bị bị cấm như máy quay, nghe lén... trên trang web mobihot.vn vi phạm điểm đ khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

    Đáng chú ý, kết luận thanh tra cũng nêu rõ, các thiết bị phá sóng điện thoại và phá sóng định vị GPS mà ông Oanh kinh doanh là các thiết bị bị cấm sử dụng theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Luật Tần số Vô tuyến điện. Việc ông Oanh bán 33 thiết bị phá sóng điện thoại cho các khách hàng là đã thực hiện cung cấp công cụ để người sử dụng thiết bị thực hiện hành vi làm mất an toàn, làm gián đoạn hoạt động của thiết bị, hệ thống và cản trở hoạt động của hệ thống thông tin di động mặt đất đang khai thác hợp pháp tại Việt Nam. Mặt khác, ông Oanh không phải đối tượng được Thủ tướng Chính phủ cho phép kinh doanh loại thiết bị này theo quy định tại Điều 6 của Quyết định 60/2008/QĐ-TTg về quản lý, sử dụng thiết bị gây nhiễu thông tin di động tế bào, nên việc mua bán loại thiết bị phá sóng di động của ông Oanh là trái pháp luật.

    Đối với các thiết bị phá sóng GPS, 61 thiết bị ông Oanh đã kinh doanh là loại thiết bị không phù hợp với quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia, vì vậy các thiết bị này không được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Đồng thời, việc sử dụng thiết bị phá sóng GPS là hành vi cố ý gây nhiễu có hại, cản trở và làm mất an toàn, gián đoạn hoạt động của các thiết bị ứng dụng GPS đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Vì thế, hành vi kinh doanh các thiết bị bị cấm sử dụng,cấm lưu thông của hộ kinh doanh ông Oanh đã vi phạm điểm o, khoản 1 Điều 7 Nghị định 102 hướng dẫn thi hành chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp.

    Theo giá được niêm yết tại website mobihot.vn và căn cứ vào hướng dẫn việc xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quy định tại Nghị định 155/2013/NĐ-CP, 33 thiết bị phá sóng điện thoại và 61 thiết bị phá sóng GPS mà ông Oanh kinh doanh có tổng giá trí là gần 141 triệu đồng.

    Xét thấy hộ kinh doanh của ông Oanh có dấu hiệu phạm tội tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm theo quy định tại khoản 1 Điều 155 của Bộ luật Hình sự, Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an TP.Hà Nội để tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

    Chánh Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Văn Minh nhận định, việc sử dụng các thiết bị phá sóng một cách phổ biến sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an ninh thông tin. Thời gian vừa qua, hiện tượng quảng cáo bán các thiết bị phá sóng, thiết bị nghe trộm, nghe lén đã được dư luận quan tâm và lên án. “Đề nghị cơ quan điều tra xem xét, xử lý nghiêm hành vi vi phạm của ông Oanh để răn đe các đối tượng khác đã và đang quảng cáo, buôn bán các loại thiết bị gây hại này”, ông Minh nhấn mạnh.

    Theo ICTnews

    >> Tìm hiểu xe phá sóng đi theo đoàn xe tang của Đại tướng

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ