Microsoft được nhập dây chuyền cũ từ nước ngoài về Việt Nam

    Tuấn Anh,  

    Với quyết định ngưng hiệu lực thi hành Thông tư số 20 vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, Microsoft hiện có thể nhập về Việt Nam dây chuyền sản xuất cũ.

    Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2014, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký Quyết định số 2279 (ngày 29/8/2014) về việc ngưng hiệu lực thi hành đối với Thông tư số 20 về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/9/2014.

    Hình ảnh tại nhà máy Nokia Việt Nam tại Bắc Ninh. Ảnh Internet.
    Hình ảnh tại nhà máy Nokia Việt Nam tại Bắc Ninh. Ảnh Internet.

    Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2014, nhiều ý kiến cho rằng Thông tư 20 dù được xây dựng với mục đích nhằm hạn chế thiết bị gây ô nhiễm môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng nhưng lại thiếu khả thi với thực trạng của doanh nghiệp và đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

    Cùng đó, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng như cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để triển khai việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng theo tinh thần của Thông tư 20.

    Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tạm dừng thực hiện thông tư này để nghiên cứu, tiếp thu thêm các ý kiến.

    Với quyết định mới nhất này, doanh nghiệp như Microsoft đã được “gỡ vướng” trong vấn đề nhập dây chuyền sản xuất đã qua sử dụng vào Việt Nam.

    Trong công văn gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, UBND tỉnh Bắc Ninh… Nokia Việt Nam (trụ sở tại Bắc Ninh) cho hay, Tập đoàn Microsoft dự tính sẽ nâng số lượng dây chuyền sản xuất của nhà máy Nokia Bắc Ninh từ 6 dây chuyền trong năm 2013 lên 39 dây chuyền vào cuối năm 2014, sản lượng hàng tháng lớn gấp 3 lần so với sản lượng đã đạt được từ cuối năm 2013.

    Để thực hiện kế hoạch, Microsoft sẽ đóng cửa một phần hoạt động của các nhà máy đặt tại Bắc Kinh và Đông Quảng (Trung Quốc), nhà máy tại Komarom (Hungary) và chuyển nhà máy tại Reynosa (Mexico) thành một trung tâm sửa chữa để tập trung phát triển nhà máy sản xuất tại tỉnh Bắc Ninh.

    Việc chuyển giao các dây chuyền sản xuất trong nội bộ tập đoàn đã được bắt đầu từ tháng 5/2014 và được tiếp tục thực hiện đến cuối tháng 2/2015.

    Tuy nhiên, kế hoạch trên đã gặp vướng mắc do nhiều thiết bị không đáp ứng được quy định về thời gian sử dụng (không quá 5 năm) và độ mới (ít nhất 80%) theo yêu cầu của Thông tư 20/2014/TT-BKHCN ngày 15/7/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

    Phía Nokia Việt Nam cam kết: “Dù khung dây chuyền sản xuất không phải là hoàn toàn mới nhưng khả năng sản xuất của dây chuyền là dây chuyền công nghệ cao tầm cỡ thế giới”, “việc nhà máy Việt Nam nhận dây chuyền sản xuất từ nước ngoài sẽ không có bất kỳ tác hại xấu nào đến môi trường”, đồng thời phía Nokia đề nghị mong nhận được sự chấp thuận trước ngày 1/9/2014 để đảm bảo việc thực hiện chiến lược kinh doanh toàn cầu của Tập đoàn Microsoft và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà máy Nokia Việt Nam.

    Ngay sau khi tiếp nhận công văn của Nokia Việt Nam, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có công văn gửi đến Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét, hỗ trợ Microsoft, Nokia Việt Nam trong việc chuyển giao dây chuyền công nghệ từ Trung Quốc và Mehico sang hoạt động tại Việt Nam.

    Theo ICTnews

    >> Microsoft khai trương học viện CNTT tại Đà Nẵng

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày